Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sống mòn giữa dòng Lam

Từ một xóm làng đông đúc ở bãi đất nổi giữa sông Lam, giờ đây xóm phần lớn chỉ còn người già sau khi dân lần lượt bỏ làng ra đi để thoát cảnh đơn độc, khắc khoải giữa bốn bề sông nước.
dong lam
Con đò, phương tiện duy nhất để xóm đảo giao thương với bên ngoài

Chỉ cách trung tâm H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) một dòng sông rộng cỡ nửa cây số và cách TP.Vinh (Nghệ An) cũng chỉ chừng ấy không gian, nhưng cuộc sống ở xóm đảo Hồng Lam (xã Xuân Giang, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) như một bức tranh tương phản với cuộc sống hai bên bờ: chậm rãi, đìu hiu, khắc khoải.

Tôi đến bến đò bên bờ sông Lam để ra xóm Hồng Lam gặp lúc ông lái đò trạc 50 tuổi đang ngồi ngáp chờ khách. Thấy khách đến, ông đứng dậy lấy cây sào uể oải chống con đò vào gần bờ rồi thở dài: “Chú ráng đợi một chút chờ thêm khách cho tui đỡ uổng công chèo đò. Từ sáng đến chừ chưa được chuyến mô...”.

Những cuộc di dân không trở lại

Theo ông Hồ Sĩ Khiêm, hậu duệ của dòng họ Hồ Sĩ ở xóm Hồng Lam, gia phả của dòng họ này viết, xóm đảo Hồng Lam có từ năm 1516, khi người họ Hồ Sĩ tìm đến doi đất nổi rộng chừng 3 km2 giữa dòng Lam để sinh sống và lập nghiệp. Nhân chứng lịch sử là cây đa cổ thụ được trồng ngay phía trước đền thờ Thành hoàng làng, đã rất già cỗi.

 
donglam1
Chợ 3 người bán ở xóm đảo. ẢNH: K.H

Ông Nguyễn Bá Ngọc, công an viên và là cư dân của xóm, cho biết trước năm 1978, xóm Hồng Lam cũng đông đúc lắm, có lúc lên tới gần 600 hộ dân chứ không tiêu điều, hoang vắng như bây giờ. “Trận lụt lịch sử 1978 đã dìm cả làng trong nước. Tiếp đó năm 1987, dân làng lại bị thiệt hại nặng nề bởi một trận lụt lớn nữa. Do thấy cuộc sống ở đây khó khăn và bất an, người dân bắt đầu rời làng bỏ đi tứ tán”, ông Ngọc nói.

Xu hướng bỏ làng di dân vào nam sau đó diễn ra ngày càng nhiều khi những người từ làng di cư vào các tỉnh Tây nguyên làm ăn mau chóng khấm khá. Đến nay, cả xóm chỉ còn 180 hộ dân với 502 nhân khẩu. “Cứ mỗi năm, bình quân có khoảng 10 hộ bán nhà bỏ làng ra đi. Ban đầu, con cái học vào nam làm thuê, lập gia đình, sau đó cha mẹ cùng bán nhà theo vào. Đã đi rồi không ai quay về nữa”, ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, cuộc “tháo chạy” khỏi xóm đảo khiến giá trị nhà đất ở đây xuống rất thấp. Mỗi căn nhà và khoảng 500 m2 đất ở cũng chỉ bán được khoảng 60 triệu đồng. Người mua là một chủ doanh nghiệp lớn ở TP.Vinh mua để đầu cơ, dự kiến sẽ xây dựng khu du lịch sinh thái tại khu ốc đảo này, chứ người làng không ai có nhu cầu. Những căn nhà bán tháo không có người ở vì thế cứ đóng cửa im ỉm, nhiều căn bị phá dỡ, khiến xóm làng càng trở nên tiêu điều, hoang phế.

Cụ Trần Thị Cháu (86 tuổi), người có chừng ấy thời gian sống ở xóm ốc đảo, cho biết hồi cụ còn nhỏ, xóm tuy nghèo nhưng rất đông đúc. Vợ chồng cụ có 7 người con, 4 người ở lại và 3 người theo dòng người di cư vào miền Nam sinh sống. “Ở xóm ni, tui có 22 đứa cháu nhưng 20 đứa đã vô nam mần ăn và sống ở trong đó luôn, chỉ còn 2 đứa ngoài ni. Phải đi thôi, vì ở cái đảo ni không biết mần chi mà sống”, cụ nói. Còn cụ, hơn 20 năm nay, chưa ra khỏi xóm, cứ quẩn quanh ở cái ốc đảo này vì muốn ra lại gặp “đò ngang cách trở”.

 
donglam2
Một căn nhà bỏ hoang sau khi cả gia đình đã bỏ làng đi nơi khác

Bí thư chi bộ thôn Hồng Lam Nguyễn Văn Phong nói bình quân mỗi hộ dân ở đây có 1,8 ha đất (9.000 m2) để trồng lạc và cói. Dựa vào lợi thế đất khá rộng và an toàn vì bốn bề đều là sông nước bao bọc, người dân nuôi nhiều trâu bò, nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật, khó khăn. Lý giải về việc người dân phải bỏ làng, theo ông Phong, không chỉ vì nghèo, mà cuộc sống bị cô lập là một điều vô cùng bất tiện và là một lực cản cho phát triển. “Ở đây muốn ra bên ngoài chỉ còn cách đi đò, mà chỉ việc sang bên kia bờ sông rồi quay về đã mất cả tiếng đồng hồ rồi, chưa kể mưa gió, bão bùng”, ông Phong nói.

Mỗi ngày, bến đò hoạt động từ 6 - 18 giờ. Ngoài giờ này, bến đò nghỉ, xóm gần như cô lập hoàn toàn, trừ khi có việc rất cần thiết. Người dân muốn xây mới hoặc tu sửa cái nhà cũng rất tốn kém vì “của một đồng, công một nén”, tốn hơn 1,5 lần so với bên “đất liền”, do chi phí vận chuyển vật liệu bị đội lên do đò giang cách trở.

Giá như có một cây cầu

Buổi sáng ở xóm ốc đảo trông rất yên bình. Những con đường chạy trong xóm vắng vẻ, ngai ngái mùi phân trâu, loài vật nuôi mang lại thu nhập chính của người dân ở đây. Cách bến đò một quãng, gần giữa xóm là chợ. Khu chợ là một căn nhà gỗ cũ nhỏ, xung quanh trống rỗng, nằm bên đường làng. Chợ không tiếng ồn vì chỉ có 3 người bán đều là những phụ nữ luống tuổi, bày bán thực phẩm cho cư dân trong xóm.
9 giờ sáng, chợ vẫn vắng hoe, ngoài 3 người bán, thi thoảng mới có người đến mua. Bà Nguyễn Thị Huế, một “tiểu thương” của chợ, nói khu chợ này có từ hơn 10 năm nay, chỉ bán buổi sáng. Ban đầu các bà trải ni lông bán vài thứ lặt vặt như thịt, cá, rau. Sau đó, thôn dựng cho căn nhà này để tránh nắng mưa. Chợ hoạt động từ 7 giờ đến quãng non 10 giờ thì nghỉ, sau giờ đó, ai còn nhu cầu mua gì thì tìm đến nhà.

Cũng buồn, lặng lẽ như khu chợ này, ngôi trường tiểu học 2 tầng nằm ở đầu làng đã ngưng tiếng ê a của bọn trẻ từ năm ngoái. Ngôi trường khang trang có 8 phòng học, khu hiệu bộ, phòng họp với khuôn viên khá rộng rãi, được một đơn vị xây tặng từ năm 2002 cho làng.

Ban đầu, trường khá đông học sinh, nhưng rồi, những cuộc di cư khỏi làng ồ ạt diễn ra khiến trẻ em cứ thưa dần. Đến năm 2015, chỉ còn 7 em lớp 1 và lớp 2; năm 2016 chỉ còn 3 em lớp 1, nhưng trường vẫn phải duy trì lớp học “3 trò 2 cô”. Năm nay, lớp học này phải đóng cửa để gộp lớp với trường chính ở bên kia sông.

Trường mẫu giáo của xóm năm nay cũng chỉ vỏn vẹn chục em đủ các lứa tuổi, trong đó phần lớn là những đứa trẻ bố mẹ làm ăn trong nam gửi về nhờ ông bà nuôi hộ. Lớp học bắt đầu từ 7 giờ 30 và chừng 10 giờ thì những đứa trẻ này đã được đón về.

Ông Bùi Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Xuân, cho biết mấy năm trước, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (Nghệ An) lập dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tại đảo Hồng Lam. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy và phía doanh nghiệp chưa có động thái gì ngoài việc mua lại một số diện tích đất do người dân bán lại trước khi chuyển đến nơi khác sinh sống. Chính quyền chưa có chủ trương di dân khỏi đảo cũng như chưa có dự án làm cầu ra đảo.

Tôi rời xóm đảo Hồng Lam khi mặt trời đứng bóng. Nhìn mấy học trò đang ngồi chờ đò bên kia bờ, ông lái đò thở dài: “Hết lớp 12 rồi chúng nó cũng rời cái ốc đảo này thôi!”. Biết là ông đang trò chuyện cùng tôi, nhưng tôi cứ có cảm giác như ông đang nói với chính mình vậy. Còn người phụ nữ cùng đi chuyến đò với tôi thì ước: “Giá có được cây cầu thì xóm làng chả hoang vắng như ri”.

Nhưng, giấc mơ ấy của bà và hơn 500 con người ở xóm đảo này chẳng biết bao giờ mới thành sự thực...

Tác giả bài viết: ​​​​​​​Khánh Hoan

Nguồn tin: