Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Điều ít biết về Bảo vật Quốc gia tượng Phật Adiđà quà tặng Nhà vua Nhật Bản

Hơn 1.000 năm tồn tại, pho tượng Adiđà là minh chứng cho sự hoàn hảo, đỉnh cao nghệ thuật thời Lý. Có rất nhiều phiên bản bức tượng này được dựng lại và phiên bản nhỏ nhất, chất liệu bạc đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trong chuyến thăm lần đầu tới Việt Nam.
Cho đến nay, dù đã trở thành Bảo vật Quốc gia nhưng không nhiều người biết rằng, pho tượng đã trải qua những thăng trầm lịch sử, qua những cơn binh biến và có lúc tưởng như đã bị hủy hoại bởi thời gian.

Vào thời Lý (1009 - 1225), chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc tự, dựng trên sườn núi Lạn Kha (còn gọi là núi Tiên Du), ngôi chùa vừa là nơi thờ Phật, vừa là hành cung để vua nghỉ lại mỗi khi du ngoạn về quê hương.

Thời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) từ năm 1057 – 1065 một tòa tháp được dựng, bên trong đặt bức tượng đá. Khoảng thế kỷ XV, ngôi tháp bị đổ, pho tượng bị vùi trong đống gạch vụn. Đến mãi cuối thời Hậu Lê (1676 -1705) khi dựng lại ngôi chùa trên núi Tiên Du, người ta mới tìm thấy pho tượng Phật này.

 
Tượng Adiđà hiện đang được thờ tại chính điện chùa Phật Tích

Năm 1816 thời vua Thiệu Trị, ngôi chùa được trùng tu một lần nữa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn bộ kiến trúc ngôi chùa dựng vào thời hậu Lê bị phá hủy hoàn toàn, pho tượng Phật bị gãy phần đầu, phần thân thì nham nhở vết đạn. Một người trong làng đã mang phần đầu của pho tượng về nhà giữ gìn, hòa bình lập lại thì mang phần đầu tượng bàn giao cho chính quyền địa phương để gắn lại trả vào thân tượng.

Hiện tại, pho tượng Adiđà đang được thờ trong tòa chính điện của chùa (được xây dựng năm 2009 - 2011) và đặt ở vị trí trung tâm của phần móng ngôi tháp (khai quật khảo cổ học năm 2008).

 
Tượng Phật đạt đến đỉnh cao nghệ thuật thời Lý

Bức tượng Phật Adiđà được chia thành 2 phần rõ rệt: thân tượng và bệ đá tòa sen. Phần tượng được thể hiện ngồi xếp bằng, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ xuống phủ kín hai chân.

Mình tượng thanh mảnh, ngồi hơi dướn về phía trước, trông rất uyển chuyển, nhưng lại vững vàng. Khuôn mặt Adiđà dịu hiền, phúc hậu. Đôi mắt phượng lim dim, cổ thanh, cao ba ngấn. Bệ sen là một đóa hoa nở rộ với hai tầng cánh.

Tầng trên chạm đôi rồng theo lối đục nông, mỏng, trái lại bệ bát giác được trang trí phủ kín bề mặt, với phong cách chạm nổi. Mặt bên của cả hai tầng đều có nhiều hình rồng giỡn đuôi nhau, trên một dây mây lửa.

Năm 1950-1960, có hai phiên bản được đúc lại và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, pho đại Phật tượng Adiđà cao 27m, nặng 3.000 tấn được dựng trên núi Phật Tích, nguyên mẫu là pho Adiđà thời Lý đang được lưu giữ ở chính điện.

Đến ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó tượng Adiđà.

 
Phiên bản tượng Adiđà đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ông Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đây là pho tượng đá cổ nhất và hoàn chỉnh nhất hiện nay. Không chỉ là một hiện vật tôn giáo mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, tượng Phật Adiđà thời Lý được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Một chuẩn mực về điêu khắc của Việt Nam xưa và nay.

Theo hồ sơ Bảo vật Quốc gia - Bộ VHTT&DL thì tượng Phật Adiđà được tạc từ đá xanh nguyên khối. Có kích thước: cao: 2,1m; rộng: 2,87 cm , bệ tượng cao: 0,80m, chu vi bệ: 5,92m. Niên đại: Thế kỷ XI. Giá trị tiêu biểu: Tượng Phật A - Di - Đà là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay.

Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho muôn đời sau.

 
Bức đại tượng Phật cao 27m, nặng 3.000 tấn lấy nguyên mẫu từ bức Adiđà được dựng tại núi Phật Tích nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội

Dựa trên nhiều thống kê và các đợt khai quật khảo cổ, ngoài pho tượng Adiđà ở chùa Phật Tích còn tìm thấy tượng Phật và bệ tượng mang phong cách điêu khắc và trang trí thời Lý ở chùa Ngô Xá (Ý Yên, Nam Định); chùa Hoàng Xá (huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ); chùa Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì, Hà Nội); bệ tượng chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ); mảnh vỡ phần bệ tượng được tìm thấy ở tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng).

Có nhiều kiến giải khác nhau về tên gọi của tượng Phật, song cho đến nay, tên gọi Phật Adiđa là pháp hiệu phổ biến, quen thuộc nhất khi mọi người nhắc đến pho tượng quý.

Tác giả bài viết: Quỳnh Vân

Nguồn tin: