“Xã hội hóa” sân vận động tại Nghệ An: Dân bị “xén quyền” chơi thể thao miễn phí
- 10:08 02-03-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại một số nơi ở Nghệ An, sau một số văn bản qua lại của UBND cấp xã và cấp huyện, sân vận động (SVĐ) - thiết chế công ích phục vụ các hoạt động thể thao, giải trí miễn phí cho cộng đồng đã trở thành điểm kinh doanh càphê, ăn sáng, và dịch vụ thể thao. Người dân, vốn là chủ nhân của các SVĐ, nay trở thành khách hàng, muốn vào sân chơi phải… móc ví.
SVĐ phường Hưng Phúc đã trở thành nơi kinh doanh bóng đá mini và ăn sáng. Ảnh: Q.Đ
SVĐ phường “bỗng dưng” thành quán càphê
Cách đây hơn một năm, người dân phường Hưng Bình (TP.Vinh) ngạc nhiên “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy một quán càphê - điểm tâm sáng, một sân cỏ nhân tạo “mọc” lên trên SVĐ phường. Đây là vị trí thuộc khu đất “vàng”, tọa lạc trên hai mặt tiền đường Nguyễn Đức Cảnh và Kim Đồng, cũng là nơi các em học sinh Trường THCS Hưng Bình vui chơi, tập luyện thể thao, nơi các dân quân tự vệ tập luyện theo kế hoạch… Được biết, SVĐ phường tổng diện tích 4.220m2, nay DN Huy Anh đầu tư xây dựng sân bóng đá mini 1.760m2, làm căng tin và quán càphê 220m2, chiếm gần 50% diện tích sân; chỉ còn lại hơn 50% dành cho khoảng 20.000 người dân. Như vậy, trung bình mỗi người dân Hưng Bình chỉ còn khoảng 0,1m2 SVĐ phường.
Trao đổi với Lao Động, ông Hồ Viết Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình khẳng định: “Việc để các nhà đầu tư vào nâng cấp, cải tạo theo chủ trương xã hội hóa là đúng. Năm 2015, phường cho Cty Huy Anh đầu tư nâng cấp SVĐ với số vốn hơn 3,055 tỉ đồng. Trước đó, địa phương đã xin ý kiến của người dân và được sự đồng ý của UBND TP.Vinh”.
Ông Thanh đưa ra một tập hồ sơ dày cộp để chứng minh cho việc “biến” một phần SVĐ phường thành quán càphê - ăn sáng và sân bóng đá mini là “đúng quy trình”. Theo biên bản ngày 25.8.2016 giữa các cơ quan chức năng thuộc UBND TP.Vinh và UBND phường Hưng Bình, thì việc làm nói trên, được diễn giải: “Kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng dịch vụ tại khu thể dục thể thao phường Hưng Bình trên cơ sở cam kết ký hợp đồng cho phối hợp quản lý và khai thác, sử dụng dịch vụ”.
Theo ông Hồ Viết Thanh, dù Cty Huy Anh đã vào khai thác nhưng đến nay chính quyền Hưng Bình và Cty vẫn chưa ký hợp đồng, vì phải đợi Cty Huy Anh nộp tiền đầu tư vào Kho bạc Nhà nước. Được biết, thời gian Cty Huy Anh khai thác tại SVĐ phường Hưng Bình không quá 25 năm. Như vậy, sau một vài văn bản qua lại, việc DN đầu tư, kinh doanh tại khu vực thiết chế thể thao công cộng đã được hợp thức hóa dưới hình thức “xã hội hóa”.
Hưng Bình không phải là địa phương đi đầu trong việc “vận dụng” chủ trương xã hội hóa, mà là phường Hưng Phúc. Vào năm 2011, được sự đồng ý của UBND phường và UBND TP.Vinh, Cty CP thương mại và phát triển hạ tầng TP. Vinh đầu tư, xây dựng sân bóng đá mini, ngay trên SVĐ trung tâm phường, chiếm gần hết diện tích sân (tổng diện tích 5.000m2). Theo nội dung hợp đồng giữa hai bên, Cty đảm bảo các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ và các hoạt động lớn của phường, còn trong thời gian bình thường, DN sẽ thu phí theo quy định của họ.
Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND phường Hưng Phúc cho biết: “Những người đến thuê sân Hưng Phúc đều phải nộp phí vì trước đây là sân đất, nay sân nhân tạo thì phải nộp phí để nhà đầu tư thu hồi vốn”. Chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây, một điểm ăn sáng có tên là quán Hải Nhi (cơ sở 1) được khai trương ngay tại vị trí vốn là sân vận động phường. Sáng 21.2, PV có mặt tại đây, chứng kiến cảnh người vào ăn sáng tấp nập, đối diện trụ sở UBND phường. Nhiều người không biết đây vốn là SVĐ công cộng của phường. Một số cán bộ hưu trí là công dân của phường lắc đầu ngao ngán, trước một “việc đã rồi”.
Kinh doanh trên đất “vàng” với giá “bèo”
Mặc dù việc UBND phường Hưng Phúc cho phép DN đầu tư, kinh doanh trên đất công cộng bị báo chí lên tiếng phản ánh, nhưng những cán bộ liên quan đến sự việc vẫn ung dung tại vị. Do đó, một số địa phương khác đã “bắt chước”, mở đường cho DN đầu tư, kinh doanh trên SVĐ công cộng. Năm 2012, Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập, một phường trung tâm TP.Vinh, ký hợp đồng với Cty CP xây dựng và nội thất Trang Bùi (Hà Nội), đầu tư sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, tổng diện tích 2.667m2, để kinh doanh.
Ông Phạm Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết Cty này mỗi tháng chỉ phải nộp cho phường 5 triệu đồng; thời hạn hợp đồng 10 năm. Phường Hưng Phúc cũng thu mức như trên. Theo đánh giá của giới kinh doanh, đây là một cái giá “siêu rẻ” đối với khu đất “vàng” thuộc trung tâm thành phố.
Ông Phạm Đức Thọ chia sẻ thêm, DN đã để lại 800m2 đất trống dành cho người dân hoạt động miễn phí. Tuy nhiên, theo một số người dân khối 6, phường Hà Huy Tập, thì với 800m2 còn lại là không đủ cho người dân tham gia thể dục thể thao. Không những thế, SVĐ này thường hoạt động đá bóng quá giờ gây mất trật tự công cộng.
Ông Phạm Đức Thọ phân trần: “Chủ trương xã hội hóa SVĐ là đúng với thực tế, vì trước đây SVĐ của phường người dân ít tham gia hoạt động, cỏ cây mọc um tùm, nhiều người nghiện ma túy vào sân chích hút, khiến dư luận bất an. Từ khi nhà thầu vào thực hiện xã hội hóa, nâng cấp thì SVĐ khang trang và văn minh hơn”.
Tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, vào năm 2016, UBND xã đã đồng ý cho một số cá nhân đầu tư xây dựng sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo. Ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành - cho biết, việc xây sân cỏ nhân tạo nói trên đã có chủ trương của huyện, với mục đích “nâng cấp sân vận động để phục vụ các hoạt động của địa phương”, với hình thức đầu tư “xã hội hóa”. Theo ông Khai, tổng diện tích sân vận động xã là 10.800m2, phần làm sân cỏ nhân tạo khoảng 1/3 (gần 4.000m2), kinh phí do một số cá nhân đầu tư.
Ông Đào Văn Khai thừa nhận, ngoài việc phục vụ các hoạt động chung, những nhà đầu tư sân cỏ nhân tạo này có thu phí; dự kiến sau một thời gian khai thác (khoảng 10 năm) sẽ bàn giao cho UBNB xã, theo hình thức BOT(?). Tại xã Đô Thành, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Xuyên thừa nhận, mặc dù chưa làm xong các thủ tục, Cty TNHH đầu tư thương mại Phú Lộc đã xây dựng xong một sân bóng đá hàng nghìn mét vuông bằng cỏ nhân tạo, trên diện tích đất do xã quản lý.
Mở quán ăn, quán cà phê tại SVĐ là sai
Khi PV phản ánh việc một số phường có hiện tượng quán càphê, ăn sáng mở tại đất SVĐ, ông Vũ Hồng Đức - Phó phòng VHTT TP.Vinh thẳng thắn: “Việc mở quán ăn sáng, càphê tại SVĐ phường là sai, cái này thuộc trách nhiệm của UBND phường. Chúng tôi sẽ tham mưu thành lập đoàn kiểm tra, xử lý”. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Đức vẫn bảo lưu quan điểm việc UBND TP đồng ý về chủ trương cho phép kêu gọi huy động xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp các SVĐ phường là đúng. Lý do, như nhiều địa phương nêu ra, là do trước đây một số SVĐ sử dụng không hiệu quả, để cỏ dại mọc, rồi một số đối tượng nghiện vào chích hút, gây mất mỹ quan.
Mặt khác, người dân có nhu cầu hoạt động thể thao trên sân cỏ nhân tạo, có các thiết bị chiếu sáng vào ban đêm… Việc nâng cấp SVĐ là do UBND phường làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, PV trao đổi, đi vào bản chất vấn đề, không thể phủ nhận được thực tế là DN tư nhân đã đầu tư làm sân cỏ nhân tạo để kinh doanh. Trong khi, về nguyên tắc, SVĐ công cộng là thiết chế phục vụ miễn phí cho người dân. Làm vậy, chẳng khác gì “bật đèn xanh” cho DN sử dụng đất công cộng để kinh doanh. Ông Vũ Hồng Đức không công nhận ý “bật đèn xanh” này, nhưng cũng thừa nhận, hiện không có văn bản pháp quy nào cho phép kinh doanh trên SVĐ công cộng.
Điều đáng nói là, mặc dù vào năm 2011, đã có nhiều bài báo phản ánh việc làm sai trái tại phường Hưng Phúc, cho phép DN kinh doanh trên SVĐ công cộng; nhưng sau đó, UBND TP.Vinh vẫn tiếp tục đồng ý về chủ trương cho 3 phường khác làm theo cách của Hưng Phúc. Cũng như vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Hoàng Danh Truyền giải thích sự việc ở xã Tăng Thành xuất phát từ nhu cầu của người dân, muốn có một nơi hoạt động thể thao hiện đại.
Khi PV trao đổi nếu muốn như vậy, thì đúng ra phải tạo điều kiện cho DN thuê đất, chứ không phải làm trên đất công; ông Truyền cho rằng hiện chưa có quy hoạch, và làm theo cách đó thì chi phí quá cao, DN khó mà thực hiện được. Tuy nhiên, ông Truyền cũng thừa nhận, là việc làm tại xã Tăng Thành (cho DN đầu tư làm sân cỏ nhân tạo để thu phí) “vướng” về pháp lý; nghĩa là không đúng quy định của pháp luật.
Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI - HỒNG QUÂN
Nguồn tin: