Lòng tham làm mờ mắt, ba người phụ nữ U60 trả giá vì buôn cái chết trắng
- 16:51 25-02-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ vì lòng tham, ba bị cáo là những phụ nữ đã bước qua tuổi 55, mái tóc điểm bạc, gương mặt tròn phúc hậu đã vướng vào vòng lao lý. Họ hầu tòa vì tội mua bán ma túy. Cái giá phải trả là bản án tử hình và chung thân.
Công vận chuyển 5 triệu/bánh heroin
Một trong 3 bị cáo đó là bà Lưu Thị Din (SN 1961, trú tại TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Bà Din làm nghề buôn bán tạp hóa ở chợ, thu nhập cũng được 2-3 triệu đồng/tháng trang trải phần nào cuộc sống. Đến khi con gái lấy chồng, có con rể ở rể, bà Din chuyển sang Bắc Kạn vừa bán hàng, vừa ở trong căn nhà cũ của mình.
Bốn miệng ăn, kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp khi việc buôn bán gặp khó khăn, hàng hóa ế ẩm, ít khách mua. Vừa lúc đó, bà Din gặp Lục Thị Dính, (SN 1964) trú tại Lạng Sơn trong 1 lần đi lễ chùa. Bà Dính cũng buôn bán ở chợ. Hai người than thở với nhau về việc buôn bán ngày càng ảm đạm, thua lỗ, hàng hóa không cạnh tranh được với những mặt hàng giá rẻ khác.
Rồi bà Dính khoe có quen ông Lý Vạn, người Trung Quốc thường sang mua hàng. Lý Vạn tỉ tê, trò chuyện, hỏi han về thu nhập hàng tháng của bà. Thấy bà Dính kêu khổ, Lý Vạn bảo, có một cách làm ăn vừa đơn giản lại có thu nhập cao, chỉ cần chịu khó đi lại và “kín miệng” một chút, thì tiền công, Lý Vạn trả xứng đáng.
Dính hỏi làm gì, Lý Vạn bảo: “Chở hàng cấm”. Lúc đầu, Dính chột dạ, lo sợ, nhưng Lý Vạn bảo bà yên tâm, vận chuyển cái này chỉ cần cẩn thận một chút là được. Lý Vạn sẽ cho người theo sát để “bảo vệ”. Nếu bị phát hiện, Lý Vạn sẽ chịu trách nhiệm.
“Lời ngọt nghe lọt lỗ tai”, bà Dính rủ bà Din cùng đi. Bà Dính rủ: “Nói là vận chuyển, nhưng cứ đi cùng tôi như đi chơi ấy mà. Về nhà lại được chia tiền”. Bà Din tưởng, nếu bị phát hiện, cùng lắm bà cũng chỉ bị xử phạt hành chính chứ không bị xử hình sự, nhất là khi bà Dính đã tuyên bố “tội trạng đâu đã có người chịu trách nhiệm thay”.
Đồng tiền làm lóa mắt, bà Din gật đầu đồng ý nhận lời vận chuyển ma túy cùng bà Dính. Lần thứ nhất, hai người phụ nữ và hai người bạn của bà Dính đi Sơn La, Hòa Bình mua ma túy về Cao Bằng cho Lý Vạn. Bà Dính được Lý Vạn trả công là 30 triệu đồng. Lần đó, bà Din vẫn chưa nhận được tiền công.
Lần thứ hai, Lý Vạn đưa tiền cho Dính tiếp tục mua heroin. Dính gọi thêm đồng bọn đi cùng, hứa trả mỗi người là 15 triệu đồng. Chỉ có điều, chưa kịp giao nhận hàng, các đối tượng bị bắt trên đường vận chuyển.
Ân hận muộn màng
Mới đây, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Lục Thị Dính và đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Tại tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận, cúi đầu nhận tội.
Mặc dù chưa nhận được khoản thù lao nào, nhưng bà Din cũng phải đối mặt với mức án nghiêm khắc của pháp luật. Suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bà Din khóc lóc, thừa nhận sự dại dột của mình, không nghĩ rằng, hành vi của mình lại phải chịu mức án nghiêm khắc đến thế.
Tòa hỏi: “Chỉ cần cầm hai bánh heroin, nếu trót lọt mỗi bị cáo chỉ được 5-10 triệu đồng, nhưng nếu bị bắt, bị cáo có thể chung thân hoặc tử hình, sao bị cáo liều thế?”. Bị cáo Din lí nhí: “Thấy Dính bảo tội vạ đâu bà ấy chịu, nên tôi không biết”.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho biết, các bị cáo xuất thân là đồng bào dân tộc thiểu số, học vấn thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Lòng tham khiến các bị cáo làm liều. Có bị cáo chỉ đóng vai trò thứ yếu như bị cáo Din, trong vụ án này chỉ là đồng phạm, chưa nhận được tiền. Luật sư mong pháp luật khoan hồng, nương nhẹ để các bị cáo có cơ hội phấn đấu, cải tạo, xám hối.
Sau khi cân nhắc, xem xét các tình tiết của vụ án, Tòa tuyên phạt bị cáo Lục Thị Dính tử hình, còn Din và các bị cáo khác án tù chung thân. Mặc dù không bị áp dụng mức hình phạt cao nhất, vẫn giữ được mạng sống nhưng với án chung thân, các bị cáo cũng khó có cơ hội trở về với đời sống xã hội bởi tuổi đã cao, sức đã yếu.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường- VP Luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, một số huyện xã vùng cao các tỉnh Cao Bằng, Sơn La... là những địa bàn có nhiều án ma túy. Nhiều phụ nữ vùng cao, học vấn thấp, tiếp cận thông tin pháp luật còn hạn chế, không hiểu hết tác hại của ma túy nên đã tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy.
Bộ Tư pháp đã có nhiều hình thức tuyên truyền như pano, áp phích cổ động, hội nghị, hỗ trợ pháp lý... nhưng do lực lượng còn mỏng, phương thức hạn hẹp, các công cụ hỗ trợ còn hạn chế nên việc đưa pháp luật đến người dân tộc còn khó khăn.
“Đa số những vụ án ma túy lớn thường lợi dụng sự nhẹ dạ và lòng tham của người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng cao để vận chuyển. Những kẻ cầm đầu, được hưởng lợi nhuận lớn lại đứng đằng sau các vụ án. Chính sự thiếu hiểu biết, lòng tham đã khiến nhiều người liều lĩnh, biến mình thành công cụ phạm tội và phải chịu hình phạt nghiêm khắc” – LS Cường cho biết.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hương
Nguồn tin: