Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Đào tạo con người giống hệt nhau thì cạnh tranh kiểu gì?"

Rất nhiều ý kiến phản biện đã được đưa ra tại hội thảo góp ý cho đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 của Bộ GD&ĐT.
 
1 ba
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT  tóm tắt nội dung dự thảo đề án "Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp". Ảnh: Nguyễn Thảo

Trong báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT nêu một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020: 100% các trường đại học, cao đẳng triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng (mỗi trường có tối thiểu 1-2 cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp của sinh viên, còn lại 30% ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm; thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cấp Bộ và cấp trường từ nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, kinh phí xã hội hóa…

Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, trong đó, trước hết là hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Ngoài ra, một trọng tâm khác của đề án là đẩy mạnh thông tin, truyền thông cho phong trào khởi nghiệp, trong đó có xây dựng chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên Đài truyền hình; tổ chức thường niên ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao lưu để kết nối sinh viên với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; giới thiệu cho sinh viên khai thác tối đa các nguồn thông tin, học liệu từ Cổng thông tin khởi nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Một số hoạt động cụ thể trong công tác hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm, gồm có: thành lập đội cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường; đưa nội dung khởi nghiệp vào các chương trình đào tạo trong các trường.

Khái toán kinh phí cho các hoạt động của đề án là 239,2 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước cấp cho các bộ ngành trung ương là 140 tỷ; ngân sách xã hội hóa, nguồn vốn ODA là 99,2 tỷ.

Khởi nghiệp đang ưu ái cho thanh niên thành thị?

 
2 ngoc
Bà Nguyễn Bích Ngọc – đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thảo

Góp ý cho đề án, bà Nguyễn Bích Ngọc – đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn khởi nghiệp tại các trường là một việc quan trọng, “tuy nhiên có nên cân nhắc đội ngũ tư vấn này kết hợp thành mạng lưới theo khu vực hoặc theo nhóm ngành hay không?”

Một vấn đề khác mà bà Ngọc nêu ra là: đề án này tập trung khá nhiều vào những bước đầu tiên khởi nghiệp, nhưng cần xác định rõ các giai đoạn khởi nghiệp để cung cấp hỗ trợ tương ứng nhằm mục đích khởi nghiệp bền vững hơn, chứ không chỉ là khơi nguồn ý tưởng.

“Theo đề án, các hỗ trợ tập trung nhiều vào khu vực thành thị. Tuy nhiên theo kinh nghiệm và trao đổi của chúng tôi về vấn đề khởi nghiệp với các thanh niên nông thôn, như thanh niên nông thôn Hà Giang mới đây, chúng tôi nhận thấy thực tế thanh niên ở những khu vực khó khăn ấy lại có những ý tưởng rất thiết thực, rõ ràng, tạo ra nguồn kinh tế cho gia đình. Vì thế, chúng ta nên cân nhắc sự phân bổ hợp lý giữa các khu vực. Những cuộc thi khởi nghiệp có thể thuận lợi cho các bạn thành phố, còn với các bạn nông thôn, chúng ta có cách thức nào tạo điều kiện cho các bạn ấy không?” – bà Ngọc đặt câu hỏi.

Ngoài ra, đại biểu này cũng nêu một đề xuất khác nhằm thúc đẩy tư duy sáng tạo của thanh niên. “Tư duy sáng tạo không thể dạy trong ngày một, ngày hai được. Bản thân các thầy cô trong trường phải là người thúc đẩy tư duy sáng tạo trong quá trình giảng dạy, chứ không phải chỉ trông chờ vào các khóa học ngắn hạn”.

Mục tiêu 100 dự án là quá ít

Trong khi đó, đại diện ĐH Ngoại thương Hà Nội tán đồng với ý tưởng cấp chứng chỉ huấn luyện viên khởi nghiệp SYIB do tổ chức lao động quốc tế (ILO) cấp. “Tôi nghĩ trong đề án cần có khoản chi tiết cho điểm này, đó là hỗ trợ các trường có được chứng chỉ đó. Điểm này cũng gắn với trang 12 của đề án “hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng”. Tôi đồng ý, tuy nhiên mỗi trường có tối thiệu từ 1-2 cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp là chưa đủ. Tôi cho rằng khoản ngân sách nhà nước đủ lớn để có ít nhất một nhóm các thầy các cô có chứng chỉ này, từ đó các thầy cô truyền cảm hứng cho sinh viên”.
3 daibieu
Đại biểu này cho rằng mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp đến năm 2020 là quá ít. Ảnh: Nguyễn Thảo

Một đại biểu khác – người đã có nhiều gắn bó và kinh nghiệm với các hoạt động khởi nghiệp – nhận xét thẳng thắn về những mục tiêu cụ thể của đề án: “Mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp của sinh viên là quá ít. Chỉ riêng 5 trường mà chúng tôi đi qua đã vượt qua con số này. Trong khi, con số 30% ý tưởng khởi nghiệp được kết nối với các doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm là quá khó”.

Ngoài ra, đại biểu này cho rằng “Bộ không nên đưa ra một chương trình chuẩn, tất cả các trường phải dập khuôn theo đó, bởi vì thị trường muôn hình vạn trạng. Đào tạo tất cả con người giống hệt nhau thì chúng ta cạnh tranh kiểu gì? Để có khoảng mở cho các trường, các thầy cô có thể linh hoạt thay đổi theo đặc thù của cơ sở, đặc thù ngành nghề và sinh viên của trường mình”.

Về hoạt động cố vấn, các trường có điều kiện để xây dựng mạng lưới cố vấn tốt gồm có các giảng viên đã có kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường, cựu sinh viên là doanh nhân thành đạt, cũng như những doanh nhân đang làm việc, có quan hệ hợp tác với trường – đại biểu nêu ý kiến.

Qũy khởi nghiệp có thể làm được không?

4 nguyen minh triet
Ông Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn đặt nghi vấn về độ khả thi của quỹ khởi nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đề xuất góp ý với tư cách Trưởng ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn, ông Nguyễn Minh Triết quan tâm tới đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp. 

“Đề án đặt mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên, nhưng chúng tôi cũng mong muốn đề án vươn xa hơn một chút, là đối tượng học sinh THPT và đối tượng sau đại học. Đối tượng học phổ thông hiện nay về mặt thể chất, tinh thần cũng như kiến thức, ước mơ, hoài bão cũng không thua kém gì các bạn sinh viên đại học”.

Theo ông, quỹ khởi nghiệp là một ý tưởng đột phá, tuy nhiên rất khó trong việc thành lập, quản lý, vận hành và duy trì. “Hội Sinh viên trước đây cũng đã thành lập Qũy Hỗ trợ SVVN. 100% không sử dụng một đồng ngân sách nào, xin được đồng nào tiết kiệm đồng ấy. Lấy lãi hỗ trợ và lưu gốc. Ý tưởng là như thế nhưng từ khi thành lập ý tưởng cho tới khi cầm được con dấu là khoảng 2 năm, rất khó khăn". 

Nên chăng phổi hợp với Ngân hàng Nhà nước mở quỹ đầu tư mạo hiểm để các đơn vị khởi nghiệp trực tiếp làm việc để bảo vệ nguồn vốn cho mình thì hay hơn là chúng ta bao cấp như thế, sẽ không hiệu quả”.

Về ý tưởng Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, ông Triết cho rằng đây sẽ là nơi không chỉ để tham khảo những tấm gương thành công, mà còn cả những mô hình thất bại để thanh niên rút kinh nghiệm cho ý tưởng của riêng mình.

Đề án tập trung cung cấp kiến thức, kỹ năng
5 thutruong
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận các ý kiến đóng góp cho đề án. Ảnh: Nguyễn Thảo

Ghi nhận các ý kiến góp ý tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đây là đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. “Hỗ trợ chứ không phải Nhà nước bao cấp cả. Hỗ trợ thì có thể từ nhiều nguồn: Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Hôm nay chúng ta đến không gian khởi nghiệp ở ĐH Bách khoa cũng là một mô hình khởi nghiệp có sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Đề án không đặt mục tiêu sinh viên sẽ khởi nghiệp được ngay, mà chúng ta tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, từ đó xây dựng ý tưởng”.

“Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng không nên trông chờ ngân sách Nhà nước. Hiện nay ngân sách rất khó khăn, nên chúng tôi muốn đưa ra để huy động các nguồn lực thành lập quỹ, hỗ trợ cho sinh viên. Tất nhiên để thành lập được quỹ cần nhiều cơ chế.

Mục tiêu là để sinh viên ra trường có những kiến thức, kỹ năng và ý chí khởi nghiệp, cho sinh viên biết không phải ý tưởng nào cũng thành công”.

Bà Nghĩa cũng khẳng định, đề án này tập trung vào thúc đẩy cung cấp kiến thức, kỹ năng, cũng là để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để sinh viên ra trường không chỉ có kiến thức về khoa học, mà phải có những kiến thức về lập nghiệp, khởi nghiệp.

Về vấn đề đưa đào tạo khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy, Thứ trưởng cũng nói rõ rằng, đề án chỉ chủ trương đưa nội dung này vào chương trình đào tạo mà thôi, còn việc đưa như thế nào (chia thành môn, chuyên đề hay dưới dạng chương trình ngoại khóa)… là tùy thuộc vào sự tự chủ của các trường.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: