Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Độc đáo nghề săn ong mật

Ong mật và mật ong là những sản vật quý. Gần đây, việc nuôi ong công nghiệp rộ lên đã làm cho thị trường mật ông có nhiều biến động. Tuy nhiên, nhiều người trung và cao tuổi trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn say mê với nghề bắt, nuôi ong rừng để lấy mật ong nguyên chất.
Đã nhiều tháng nay, vào các ngày trời nắng ráo, ông Nguyễn Văn Tứ ở xóm 8 - xã Thanh Thịnh và nhiều người trung, cao tuổi khác trên địa bàn các xã Thanh Thịnh, Thanh Hương, Thanh An và Thanh Thủy đều vào rừng để săn ong mật. Ngoài cơm nắm, nước uống mỗi người đêu mang theo một cái vợt bằng vải màn và hai tổ “ong mồi”. Vợt để bắt ong và tổ ong mồi dùng để dụ ong về. Sở dĩ phải dùng vợt bằng vải màn sợi bông là vì chất liệu mềm hơn vợt bằng  cước. Còn tổ ong mồi là một khúc gỗ cong, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và có trổ một cái cửa nhỏ ở giữa.
 
Những người săn ong bắt đầu hành trình...
 
Ông Tứ cho biết: Từ sau ngày Đông chí, trời rét hơn, các đàn ong mật sống trong tự nhiên sẽ bắt đầu quá trình tìm chỗ trú đông, tránh rét. Còn đầu xuân, đàn ong tìm chỗ đóng tổ để bắt đầu quá trình sinh sản, tạo mật. Trong thời gian này, đàn ong sẽ giao việc tìm chỗ ở cho một số con ong. Những con ong này gọi là “ong kiếm” hoặc ong thăm, chúng bay lượn khắp nơi và thường tìm các cây cao cổ thụ có nhiều hang hốc để tìm chỗ trú cho đàn. Người săn ong sẽ mang vợt và các tổ ong mồi tiếp cận, dùng vợt để bắt. Sau đó, khéo léo cho vào các tổ ong mồi và bịt kín nhốt con ong khoảng 1- 2 phút sau đó mở cửa. Theo thói quen, con ong sẽ vào ra tìm hiểu tổ ong mồi, sau đó nó sẽ bay đi gọi bạn. Sau khoảng 3- 7 phút (tùy bầy ong xa hay gần) sẽ có thêm 3- 4 con theo con ong cũ bay về, sau một thời gian tìm hiểu những con ong này sẽ lại bay đi, kế tiếp sẽ có khoảng 10- 15 con nữa bay tới.
 
Ông Nguễn Văn Tứ (bên phải) xem xét điểm treo tổ ong mồi
 
Từ khi con ong đầu tiên bị bắt đưa vào tổ đến hết quá trình những đợt ong liên tiếp đến được gọi là quá trình ong thăm. Đây là thời điểm mà người săn ong hồi hộp đến nín thở. Bởi lúc con ong thứ nhất rồi đợt ong thứ 2 thứ 3  rời tổ ong mồi bay đi sẽ có hai khả năng đến với họ, một là nó bỏ đi tìm chỗ khác, hai là nó về gọi đàn. Nếu đợi khoảng 3- 7 phút không thấy ong trở lại người săn ong biết là thất bại và phải tìm con khác làm lại quy trình với hy vọng đàn ông sẽ kéo về. Đó là thời điểm vui mừng lý thú nhất của nghề săn ong. Người nào có tổ ong về được coi là may mắn và sẽ được các bạn nghề tung hô, chúc mừng.
 
Việc treo tổ ong kết htúc cũng là thời điểm cầm vợt chờ bắt ong
 
Sau khi đàn ong vào hết trong tổ, người săn ong sẽ dùng một dụng cụ như cái “tôi đó” bịt lỗ lại và đưa cả tổ ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà, bắt đầu một quy trình khác gọi là san ong. Từ tổ ong mồi nhỏ gọn, đàn ong sẽ được san sang những tổ khác rộng lớn hơn. Tổ này gọi là tổ nuôi. Thông thường cũng được làm bằng gỗ mít rỗng ruột có hình dáng như chiếc thùng phuy nhưng nhỏ hơn, hai đầu bịt kín bằng hai mảnh gỗ, có trổ hai cửa ra vào. Trước khi săn ong, người nuôi mở một đầu tổ, dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành tổ để hấp dẫn bầy ong và tạo chỗ cho ong bâu lại đó. Sau đó, dùng tay nhẹ nhàng, thư thả bốc từng nắm con ong bỏ vào tổ nuôi, nếu sớm bốc được ong chúa đàn ong sẽ tự động bay từ tổ mồi sang tổ nuôi mà không cần phải bốc nữa. Khi săn xong, sẽ bị bịt kín cả hai đầu chỉ trừ hai cửa nhỏ cho ong ra vào kết thúc quá trình săn ong.
 
 
San ong từ tổ ong mồi sang tổ nuôi
Săn ong mật là một nghề độc đáo bởi ngoài nguồn thu nhập tương đối cao, nghề này nhẹ nhàng và có tính hên xui nên rất dễ “nghiện”. Trong một mùa săn ong, khoảng 3 tháng, có người được ong liên tục nhưng cũng có người chỉ được một vài tổ, thậm chí có người không được tổ nào. Người được ong cho rằng, mình được đấng linh thiêng phù hộ, người không được cho rằng mình ăn ở chưa phải đạo. Người được ong tự hào mình có tổ ong mồi “thơm”, người không được tiếp tục trau chuốt tổ ong, tìm đến những nơi rừng sâu, rừng xa để cầu may… đã tạo nên một không khí săn ong sôi động, lý thú.
 
Ông Nguyễn Tư Quang hiện đang có trên 10 tổ ong được bắt từ các năm trước, mỗi năm cho trên 100 chai mật
 
Cái hay nhất của nghề là khi săn ong mình có cảm giác được hòa vào thiên nhiên, được nghe tiếng thở của núi rừng. Săn ong và nuôi ong  mới biết được đây là một loại rất tinh khôn, có tính kỷ luật cao, làm việc tự giác và hiệu quả. Mỗi lần ngẫm về thế sự tôi lại nghĩ về đàn ong mật, nghĩ về việc săn ong để chiêm nghiệm, bồi đúc sự kiên trì, nhẫn nại. Sau mỗi lần như vậy lại thấy thư thái vô cùng...

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà

Nguồn tin: