Chuyện chưa kể về người tử tù 'hai lần khai sinh'
- 07:41 22-02-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bị tuyên án tử hình về ma túy cũng là ngày người vợ rời xa anh theo người khác, sau 11 nằm “chờ chết”, điều kỳ diệu đến là Thế được giảm án xuống tù chung thân. Điều quan trọng hơn là biết hối lỗi, hướng thiện và điều “nhiệm màu” đến khi được giảm án và ra tù trước thời hạn.
Những cuốn nhật ký còn viết dở trong trại giam mang về.
Hành trình hướng thiện thoát án tử của người tử tù
Gặp anh sau khi chuyến xe vừa đáp TP.Vinh một lúc, Đặng Văn Thế - người tử tù “có một không hai” thoát án tử giờ đây là một phụ xe khách, có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống gia đình. Câu chuyện về quá khứ không mấy sáng sủa được anh tái hiện lại bên chén nước chè xanh.
Đặng Văn Thế là con út trong gia đình 6 anh chị em, bố mẹ làm nghề nông, học hết lớp 4 thì bỏ ngang, xin làm phụ xe tuyến Vinh – Mường Xén (Kỳ Sơn). Cũng trong những lần đi làm phụ xe Thế gặp được người phụ nữ xinh đẹp nhất nhì phố huyện Con Cuông thời đó, cả hai có tình cảm rồi đưa nhau về sống không hôn thú mà chỉ qua mấy mâm cơm giữa hai họ.
Sau ngày cưới không lâu thì vào tháng 8/1997, Đặng Văn Thế bị cảnh sát bắt giữ khi đang xách theo 20kg thuốc phiện từ Tương Dương về Vinh do Nguyễn Tất Dũng nhờ. TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Thế bản án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, Nguyễn Tất Dũng cũng bị tuyên bản án tử hình.
Nguyễn Tất Dũng bị đưa đi thi hành án sau đó không lâu. Nhận thấy Nguyễn Văn Thế thành khẩn khai báo, lại hợp tác với CQĐT trong vụ án nên Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn xin hoãn thi hành án để tiếp tục điều tra mở rộng. Đây cũng là một dấu mốc để bắt đầu việc được khai sinh thêm một lần nữa về sau. Thế thi hành án tại Trại tạm giam Công an Nghệ An suốt 11 năm để chờ ngày thi hành án tử hình như bản án đã tuyên trước đó. Suốt 11 năm đó, mỗi năm đều đặn Thế viết hai lá thư gửi Chủ tịch nước để mong được xem xét ân xá, nhưng tất cả 22 lần gửi thư đó đều không có thư hồi âm.
Đặng Văn Thế người tử tù thoát án tử hình.
Cuối tháng 6/2009, Thế nhận được tin báo của cán bộ trại tạm giam là Chủ tịch nước ân xá từ tử hình xuống chung thân, mừng rỡ như vừa chết đi sống lại. Sau đó, Thế được chuyển đến thụ án tại Trại giam số 6 (Tổng cục VIII – Bộ Công an). Trải qua nhiều phân trại khác nhau, với nhiều vị trí khác nhau, Thế luôn tự nhủ mình phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để mong thêm lần nữa “phép màu nhiệm” đến với mình. Để có nơi bầu bạn tâm sự, Thế xin quản giáo được dùng bút, giấy để làm thơ, viết nhật ký và chăm sóc những con mèo hoang đi lạc vào buồng giam.
Là một trong số ít phạm nhân trong thời gian ngắn thụ án nhưng được chuyển qua 3 phân trại khác nhau, để gây dựng phong trào phạm nhân ở từng phân trại. Đặng Văn Thế là một phạm nhân dành được sự quan tâm đặc biệt của Ban giám thị và cán bộ quản giáo, không chỉ gã tu tâm cải tạo tốt mà trong các hoạt động phong trào, đặc biệt là các hội thi dành cho phạm nhân, Thế luôn tham gia với vai trò người lĩnh xướng. Với những điều cố gắng đó, Thế năm nào cũng được ban quản giáo Trại giam số 6 đề xuất trong danh sách giảm án. Với những nỗ lực hướng thiện đó, ngày 15/6/2016, phạm nhân Đặng Văn Thế đã nhận được quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn.
Bà Thao và những cuốn nhật ký viết dở của con trai.
Làm lại từ đầu, báo đáp cuộc đời và chữ hiếu
Ông Đặng Văn Sửu (85 tuổi – bố đẻ anh Thế) có lẽ là người bố vui nhất của huyện Đô Lương năm nay, nhận được quyết định ra tù của con trai thuê hẳn một xe ô tô đến trại đón Thế về. “Gia đình cứ ngỡ đây là một giấc mơ, giấc mơ kỳ lạ nhất của cuộc đời. Nhân dịp con trai được “khai sinh” lần thứ hai gia đình họ hàng và bà con lối xóm đã góp tiền làm bữa tiệc nhỏ để đón con về và liên hoan…”, ông Sửu nói.
Ngày về, tài sản Thế mang theo duy nhất ngoài những bộ quần áo là “cuốn nhật ký trong tù”, những dòng tâm sự một mình trong bốn bức tường giam suốt những năm thi hành án. Theo anh Thế thì đây là một kỷ vật để anh mang theo suốt cuộc đời, coi như đó là những hành trang để đồng hành, phấn đấu trong suốt cuộc đời còn lại.
Bà Nguyễn Thị Thao (75 tuổi - mẹ đẻ anh Thế) sinh được ba người con trai, ngoài Thế dính lao lý về ma túy thì người anh trai cũng mất vì ma túy. Từ lúc Thế nhận án tử hình bà nghĩ lại mất thêm một người con trai nữa, cũng lo nghĩ nên bà đã già yếu đi nhiều so với trước. Bà kể, trước đó khi hai đứa con trai ngồi tù thì dù khó khăn nhưng ông bà vẫn tích cóp được đồng nào là đạp xe hơn 60km từ Mỹ Sơn về thành phố Vinh thăm nuôi.
Suốt 12 năm trời, dù đã già và mỏi mệt lắm, nhưng hầu như ông bà luôn sắp xếp được để đến thăm nuôi con trai. Thế rồi điều kỳ diệu đến khi Thế thoát án tử hình được đưa về Trại giam số 6 gần nhà hơn nên ông bà càng có nhiều hy vọng hơn. Thấu hiểu nỗi lo lắng và vất vả của bố mẹ già, Thế đã không ngừng phấn đấu, cải tạo để đạt được kết quả tốt nhất.
“Dù trong nhà không có chi nữa chú à, gần 20 năm qua làm được đồng mô là góp lại để đến ngày thăm nuôi đưa cho con trai ít đồ đỡ khổ trong tù để động viên con cố gắng cải tạo. Dừ nói thì nói sau nhưng trong thời gian Thế bị kết án tử hình thì hai ông bà già tui vẫn có linh tính về một điều kỳ diệu chi đó sẽ đến. Ngày qua ngày, vẫn chưa thấy cán bộ đến gửi thông báo đưa Thế đi thi hành án là ngày đó vợ chồng tui vẫn còn chút hi vọng được gặp con trong lần thăm nuôi tới…” - bà Thao nhớ lại.
Ông Đặng Văn Sửu - bố đẻ của Thế và niềm vui ngày con trai thoát án tử hình.
“Ngày trở về, điều vui nhất có lẽ là bố mẹ vẫn còn sống và khỏe mạnh, mình sẽ còn cơ hội để chăm sóc và báo đáp cho ông bà suốt quãng đời còn lại. Việc làm đầu tiên sau khi bước chân ra khỏi trại giam là làm gì đó kiếm tiền để ông bà đỡ khổ mà phải là đồng tiền chính đáng…” - anh Thế tâm sự.
Ban đầu, Thế dự định lên thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) làm thuê nhưng bố mẹ đã gạt phắt đi, cho rằng đó là nơi mà Thế bắt đầu sa ngã, cũng là nơi có rất nhiều cám dỗ. Biết tin Thế ra tù, đang cần việc làm, một người bạn làm nghề vận tải khách chuyên tuyến Nghệ An – Hà Nội đã đến thăm hỏi động viên và giúp Thế bằng cách gọi Thế đi phụ xe khách. Được bạn động viên và nhiệt tình giúp đỡ, Thế quyết định chọn làm phụ xe để kiếm tiền, góp được tiền sẽ đi học nghề để làm việc.
Giờ đây, Thế đã có một việc làm và có thu nhập hàng tháng nhưng Thế vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân mình không bao giờ được phép sa ngã. Để không làm bố mẹ già phải thêm buồn, để báo hiếu với bố mẹ và trả nợ cuộc đời…
Tác giả bài viết: Ngô Toàn
Nguồn tin: