Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


TP. Vinh: Tranh chấp hợp đồng xây dựng về thanh quyết toán, tòa sơ thẩm tuyên có thuyết phục

Liên quan đến bản án số: 04/KDTM-ST, ngày 20-25/4/2016 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng về thanh quyết toán công trình thủy điện Nậm Mô giữa chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển Năng lượng (PTNL) Nghệ An và đơn vị thi công là Tổng công ty 36.
Sau khi tòa án nhân dân (TAND) thành phố Vinh tuyên án sơ thẩm với nhiều nội dung thiếu thuyết phục, bị đơn đã làm đơn kháng nghị, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Nghệ An đã quyết định “Đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm”.
1

Bản án gây nhiều tranh cãi

Vào ngày 22/12/2010, Tổng Công ty PTNL Nghệ An đã ký Hợp đồng xây dựng số 17/HĐXD-BVC-P2 với Tổng Công ty 36 để xây dựng các hạng mục chính của công trình thủy điện Nậm Mô, với giá trị của hợp đồng hơn 162 tỷ đồng. Hai bên ký kết hợp đồng theo hình thức hợp đồng điều chỉnh giá. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, việc điều chỉnh giá được thực hiện hàng tháng, hàng quý dựa trên kết quả nghiệm thu các hạng mục của công trình mà nhà thầu đã thực hiện được. Chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát sẽ ký nghiệm thu khối lượng và căn cứ đơn giá thi công để thanh toán cho nhà thầu. Việc thanh toán được thực hiện theo các phiếu giá do các bên cùng lập. Đây là hình thức hợp đồng xây dựng phổ biến đối với các công trình xây dựng có thời gian thi công kéo dài.

Bên cạnh đó, hai đơn vị này còn ký kết hợp đồng số 01/2011/HĐXD- BVC- P2 ngày 24/02/2011 về việc thi công đào hố móng công trình chính của dự án thủy điện Nậm Mô với tổng trị giá gần 25 tỷ đồng. Như vậy, Tổng công ty PTNL Nghệ An và Tổng công ty 36 đã ký kết với nhau hai hợp đồng xây dựng với tổng kinh phí gần 187 tỉ đồng (chưa kể phần điều chỉnh giá). Phương thức thanh toán là tạm ứng và dựa vào phiếu giá, hồ sơ thanh toán trong đó chủ đầu tư giữ lại 8% trên mỗi phiếu thanh toán.

Trong quá trình thực hiện hai hợp đồng đã ký, Tổng Công ty PTNL Nghệ An và Tổng Công ty 36 đã lập 13 phiếu giá làm căn cứ thanh toán cho nhà thầu, với số tiền được thanh toán theo các phiếu giá là hơn 176,5 tỷ đồng.Ngày 5/9/2014, Tổng Công ty 36 đã lập hồ sơ quyết toán công trình và đề nghị Tổng Công ty PTNL Nghệ An thanh toán Hợp đồng số 17 là hơn 181,7 tỷ đồng, với số tiền tăng thêm do điều chỉnh giá nhân công tăng hơn 33,3 tỷ đồng. Hai bên không thỏa thuận được với nhau do “dự toán” của Tổng Công ty 36 đưa ra để yêu cầu thanh quyết toán là không có cơ sở nên Tổng Công ty PTNL Nghệ An không đồng ý quyết toán.

Tổng Công ty 36 đã khởi kiện và đề nghị TAND TP Vinh buộc Tổng Công ty PTNL Nghệ An phải thanh toán toàn bộ số tiền mà Tổng Công ty 36 đã yêu cầu. Sau nhiều lần hòa giải không thành công, TAND TP Vinh đã đưa vụ án ra xét xử.

Tuy nhiên tại bản án sơ thẩm số: 04/KDTM-ST, ngày 20 - 25/4/2016 của TAND TP Vinh đã không nhận được sự đồng tình của Tổng Công ty PTNL Nghệ An, đại diện phía bị đơn cho rằng: Nhà thầu yêu cầu điều chỉnh giá bù giá nhân công với số tiền hơn 33,3 tỉ đồng là không có căn cứ chấp nhận và TAND TP Vinh đã áp dụng pháp luật sai khi xét xử vụ án này.

 Được biết Tổng công ty 36 là công ty Nhà nước nên việc áp dụng hệ thống thang bảng lương phải áp dụng theo các quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP chứ không thể áp dụng theo văn bản của Bộ Xây dựng. Quy định về tính tiền lương tối thiểu mà TAND TP Vinh viện dẫn, vốn được áp dụng khi lập dự toán công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách.

Như vậy, với dự án thủy điện Nậm Mô, việc quyết toán phải dựa vào kết quả nghiệm thu thể hiện trên các phiếu giá đã được 2 bên xác nhận. Khi công trình đã được các bên xác nhận điều chỉnh đơn giá trên các phiếu giá, nhà thầu lại lập dự toán mới để điều chỉnh vốn đầu tư, rồi buộc chủ đầu tư phải trả tiền mà tòa án vẫn chấp nhận đã làm cho chủ đầu tư công trình thủy điện Nâm Mô là điều hết sức vô lý khiến dư luận cảm thấy bất bình.

Bên cạnh đó, tại bản án  số: 04/KDTM-ST, ngày 20-25/4/2016 TAND TP Vinh  quyết định buộc Tổng Công ty PTNL Nghệ An phải thanh toán cho Tổng công ty 36 với tổng số tiền gần 52,8 tỉ đồng (trong đó có hơn 4,8 tỉ đồng tiền lãi suất) là chưa đầy đủ cơ sở, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn vì trong đó có hơn 33,3 tỉ đồng tiền bù giá tiền lương đang là nội dung tranh chấp chưa xác định được tổng số tiền phải thanh quyết toán và số tiền còn lại phải thanh toán thì làm sao có thể đưa số tiền đang tranh chấp ra tính lãi suất như vậy?

Liên quan đến vụ án, nhiều luật sư đã lên tiếng phản bác phán quyết của TAND TP Vinh như Luật sư Ngô Trung Kiên (Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang) cho rằng: Trong vụ kiện này, TAND TP Vinh đã có sai lầm trong việc đánh giá bản chất sự việc dẫn đến áp dụng pháp luật sai. Đầu tiên, cần phải làm rõ bản chất hợp đồng là gì và việc thực hiện hợp đồng của các bên có đúng hay không để giải quyết tranh chấp.

 Còn Luật sư Lê Văn Kiêm - Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý (Đoàn luật sư Hà Nội) thì nhận định: Theo quy định của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ “Hướng dẫn thi hành Luật xây dựng về hợp đồng xây dựng” thì việc điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng trong thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã kỹ. Khi điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng không làm vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyền điều chỉnh. Việc Tổng công ty 36 tự lập dự toán rồi đòi chủ đầu tư phải thanh toán số tiền vượt dự toán đầu tư là hoàn toàn không có căn cứ.

Như vậy có thể nói: Bản án của TAND TP Vinh là không khách quan, thiếu thuyết phục, chưa công tâm.   

Vi phạm trong quá trình tố tụng

Xin được quay lại bản chất của công trình thủy điện Nậm Mô, Chủ đầu tư của dự án này là Tổng Công ty PTNL Nghệ An. Tổng Công ty 36 là đơn vị được chọn là nhà thầu thi công, còn Công ty Thủy điện Bản Vẽ là đơn vị tư vấn giám sát, chịu trách nhiệm thực hiện công tác tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.

Có nghĩa là, Công ty Thủy điện Bản Vẽ là một trong những bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Thế nhưng trong quá trình tố tụng, và tại bản án sơ thẩm số: 04/KDTM-ST, ngày 20; 25/4/2016 TAND TP Vinh lại không hề đề cập đến, Công ty Thủy điện Bản Vẽ với tư cách là đơn vị giám sát công trình. Việc TAND TP Vinh khi tuyên án không đưa Công ty Thủy điện Bản Vẽ vào trong quá trình tham gia tố tụng với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm quy định tại khoản 4 điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Hơn nữa trong quá trình tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm phải chăng đã vi phạm trong việc thu thập chứng cứ.  Đơn cử chỉ dựa vào hồ sơ quyết toán do nguyên đơn cung cấp liền kết luận “Đã có hồ sơ thanh quyết toán” và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc Tổng Công ty PTNL Nghệ An phải quyết toán công trình thủy điện Nậm Mô đối với hai hợp đồng xây dựng trên.

Trong khi tại phiên tòa bị đơn cho rằng sở dĩ không quyết toán được là do chưa có Biên bản thanh quyết toán khối lượng để làm cơ sở quyết toán. Đó là chưa kể đến việc TAND TP Vinh không thu thập lời khai, lời trình bày của Công ty Thủy điện Bản Vẽ với tư cách là đơn vị tư vấn quản lý và giám sát dự án này. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ sót chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 85 Bộ Luật Tố tụng Dân sự về thu thập chứng cứ.

Từ những căn cứ trên, “Việc Tổng Công ty PTNL lượng Nghệ An phản ứng với bản án của TAND TP Vinh  là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vì không chỉ lợi ích của đơn vị bị xâm hại mà việc phán quyết của Tòa trong vụ án này còn nhiều điểm thiếu thuyết phục” - Luật sư Lê Văn Kiên nói.

Viện KSND tỉnh Nghệ An cũng đã quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm số 04/2016/ KDTM- ST ngày 20; 25 của TAND thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo thủ tục phúc thẩm và đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

Tạp chí Quê Hương Ngày Nay sẽ thông tin quá trình xử lý vụ án trong các số báo tiếp theo.

Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
(Tạp chí sô 72+73/016)

Tác giả bài viết: Quốc Cường