Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thứ trưởng Kim Thoa cần tập trung vào việc giải trình

“Theo tôi, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần viết một công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, yêu cầu Ban Cán sự Đảng ngừng phân công công việc mới cho đồng chí Thoa và dành thời gian để đồng chí Thoa làm việc với các đoàn kiểm tra”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư nói như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong.
Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT T.Ư.
Ông Vũ Quốc Hùng nói: Mỗi thời điểm có sự khác nhau. Việc Tổng Bí thư chỉ đạo thể hiện quyết tâm cao, bởi Tổng Bí thư còn là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Chưa có nhiệm kỳ nào mà Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng.

Báo Tiền Phong và một số cơ quan báo chí khác nêu là một việc làm rất cần thiết, đáng ghi nhận. Nhưng chúng ta cũng phải bình tĩnh trước sự việc này và cũng cần làm từng bước, thận trọng, chắc chắn.

Trước những vấn đề báo chí và dư luận đề cập, đặc biệt sau chỉ đạo làm rõ của Tổng Bí thư trước thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, theo ông, các cơ quan được giao trách nhiệm cần xử lý ra sao?

Vấn đề tôi quan tâm là trước khi làm thứ trưởng, trước khi làm ở doanh nghiệp thì tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa thế nào? Theo thông tin báo chí nêu, Bộ Công Thương lý giải, sự giàu có của bà Thoa là đúng quy trình. Vậy thì bây giờ phải giải thích rõ, bà Thoa và gia đình giàu bằng cách nào?

“Tôi muốn qua trường hợp của bà Thoa, chúng ta sẽ rút ra được nhiều vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn. Từ vụ việc này, phải có ba rem, kiểm soát tài sản minh bạch, ai chưa minh bạch thì minh bạch đi, mặt khác cũng để soi nhiều người khác nữa”, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT T.Ư nói.

Tất nhiên, quan chức có tài sản hàng trăm tỷ đồng như vậy, người ta có quyền đặt ra những nghi ngờ. Do vậy, điều cần làm là phải phân tích trên cơ sở khoa học. Thời kỳ đổi mới, cổ phần hóa hơn chục năm trước hình thành nên nhiều người giàu, có người giàu bằng con đường tham ô, tham nhũng, có những trường hợp hợp thức hóa các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước. Vậy trường hợp bà Thoa thế nào, cần mổ xẻ xem đúng sai ra sao? 

Điều quan trọng nhất là tới đây, các cơ quan vào cuộc có nghiêm chỉnh hay không? Đừng kết luận nửa vời. Nếu kết luận nửa vời có thể coi là một hình thức bao che cho tham nhũng. 

Tôi muốn qua trường hợp của bà Thoa, chúng ta sẽ rút ra được nhiều vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn. Từ vụ việc này, phải có ba rem, kiểm soát tài sản minh bạch, ai chưa minh bạch thì minh bạch đi, mặt khác cũng để soi nhiều người khác nữa. Chẳng hạn, ông Vũ Huy Hoàng có phải người giàu không? Người dân nghèo thấy ở đâu đó vẫn có những khu nhà, khu biệt thự, dinh thự của những cán bộ lãnh đạo. Nhân việc này cần phải làm cho đến nơi đến chốn, phân tích sự việc một cách bài bản, khoa học.

 
tai san thu truong kim thoa
Công ty Điện Quang tại đường Hàm Nghi, quận 1 TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng.

Theo kinh nghiệm công tác của ông ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư, sau khi có yêu cầu của Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng cần bắt đầu từ đâu?

Căn cứ vào các vấn đề báo chí đã nêu và yêu cầu của Tổng Bí thư rồi sau đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc, yêu cầu bà Hồ Thị Kim Thoa giải trình theo quy định của điều lệ Đảng.

Theo tôi, nếu giải trình về tài sản, phải nhấn mạnh các vấn đề như: Trước khi làm Tổng giám đốc Điện Quang, tài sản của bà như thế nào? Sau khi làm tổng giám đốc thì giàu lên từ những nguồn nào? Và hiện nay tài sản của bà, mẹ của bà, em của bà, con gái của bà do đâu mà có? Thứ nhất là số tiền đó như thế nào. Thứ hai là quá trình một số người thân nắm công ty có đúng quy trình của một doanh nghiệp không? Cần phải làm từng bước một.

Bây giờ cần xem việc đề bạt bà Thoa theo quy trình thế nào? Ngày bao nhiêu? Ai đề xuất. Và bà Thoa lúc đó đã có chủ trương quy hoạch lên Thứ trưởng chưa? Cán bộ đã nằm trong quy hoạch chưa? Có nằm trong kế hoạch của bộ không? Rồi quá trình lấy ý kiến dân chủ tập trung như thế nào? Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ như thế nào? Các thành viên trong bộ lúc đó có được hỏi ý kiến không? Cái đó phải có ý kiến của ban cán sự, hay là người đứng đầu tự quyết? Có phải lấy cán bộ theo kiểu đó không? Phải căn cứ vào các quy định của Đảng chứ? Nếu đi sâu vào các việc cụ thể nó sẽ tự nói lên tất cả.

Cũng có ý kiến là cần đình chỉ chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa để làm rõ những thông tin theo yêu cầu của Tổng Bí thư, ông nghĩ sao?

Theo tôi thì không cần. Chỉ đình chỉ khi đương sự còn có thể gây rối, tức là gây tác động đến quá trình điều tra, làm rõ. Nhưng cũng phải giám sát, qua việc kiểm tra này họ có “chạy” không? Cũng có nhiều cách như chạy tiền, có thể nhờ những người thân thiết tác động, chưa nói là lãnh đạo tác động quyết định.

Việc thứ hai là bấy lâu nay, có thể đã có sự móc ngoặc với nhau rồi, như con của anh gửi tôi, cháu của anh cũng nhờ tôi đi học nước ngoài. Tôi chỉ cần a lô “nhớ hợp đồng của chúng mình nhé”… Nếu không tôi công bố “sách trắng”, thế là chết cả. Vì thế mình bảo vệ nó cũng là bảo vệ mình.

Nhưng theo tôi, tạm đình chỉ chức vụ cũng là một cái mới trong sinh hoạt Đảng nhưng cũng phải đối chiếu với luật công chức, viên chức. Đó cũng là một giải pháp tình thế, cũng có tác dụng nhưng không quan trọng lắm, không quyết định.

Theo tôi, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần có công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, yêu cầu Ban Cán sự Đảng ngừng phân công công việc mới cho đồng chí Thoa và dành thời gian để đồng chí Thoa làm việc với các đoàn kiểm tra.

Trao đổi với PV Tiền Phong về chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiểm tra thông tin về tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức trung ương cho biết: “Trước tiên, tôi hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc làm rõ thông tin về tài sản liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Sự chỉ đạo này rất kịp thời và đáp ứng nguyện vọng của đảng viên, quần chúng nhân dân”.

 
 Theo ông Nguyễn Đình Hương, những thông tin liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có một vấn đề cần phải được làm rõ trước tiên. Đó là, với khối tài sản của bà Thoa và gia đình tại Công ty CP Điện Quang lên đến hàng trăm tỷ đồng như vậy thì đã được kiểm tra làm rõ trước khi đề bạt thứ trưởng hay chưa? “Ai nghiên cứu, ai đề xuất? Ai đồng ý trình lên Ban Bí thư chuẩn bị làm thứ trưởng?”, ông Hương đặt câu hỏi.      LD  ​​​​​​​Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Công Thương cho biết, bộ đã nhận được văn bản ngày 16/2/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc làm rõ thông tin báo nêu về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. “Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan hữu quan để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư”, Bộ Công Thương cho biết.  P.Tuyên

Tác giả bài viết: Luân Dũng - Trường Phong

Nguồn tin: