Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người đăng clip “Bắt người đàn bà bắt cóc trẻ em” có vi phạm pháp luật?

Theo luật sư, hành vi cố ý đăng tải thông tin trên mạng internet không đúng sự thật gây hoang mang cho dư luận, làm ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội đã có dấu hiệu của Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.
>>Triệu tập nam thanh niên đăng clip “Bắt người đàn bà bắt cóc trẻ em”
>>Thực hư video clip "người phụ nữ giả điên bắt cóc trẻ em"
>>Nghi rình bắt cóc trẻ con, người phụ nữ bị dân làng vây bắt


Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ lạ mặt nghi bắt cóc trẻ em và bị người dân truy đuổi ở Nghệ An. Clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận.

Trước những hoang mang, lo lắng của người dân về clip “Bắt người đàn bà bắt cóc trẻ em” được đăng tải lên mạng, Công an đã vào cuộc xác minh và kết luận đó là thông tin thất thiệt. Người quay và đăng tải clip trên cũng đã bị triệu tập về trụ sở cơ quan Công an để làm tường trình.

Theo đó, chủ nhân của clip được xác định là T.V.Đ (19 tuổi, ngụ xóm 4, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Đ. cũng là người trực tiếp bắt giữ và đăng tải clip lên Facebook.

Nam thanh niên này thừa nhận hành vi phát tán thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội là sai và xin tự gỡ, đăng tải lại nội dung sự việc để tránh gây hiểu nhầm, hoang mang dư luận.

Hành vi phát tán thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội bị xử lý ra sao đang được dư luận quan tâm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi cố ý đăng tải thông tin trên mạng internet không đúng sự thật gây hoang mang cho dư luận, làm ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội đã có dấu hiệu của Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet theo Điều 226 BLHS 199 sửa đổi bổ sung 2009.

 
luat su truong anh tu nguoi dang clip bat nguoi dan ba bat coc tre em co vi pham phap luat dspl
Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Theo đó, Người nào đưa mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của BLHS xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù sáu tháng đến ba năm.

Cũng theo luật sư Tú, trường hợp này, hậu quả được xác định là nghiêm trọng theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC. Hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, bởi lẽ clip đã được chia sẻ lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội gây tâm lý hoang mang trong xã hội làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Chính bởi sự việc có tính nghiêm trọng, nên Công an xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng xác minh thông tin, triệu tập đối tượng lên làm việc và thông tin cho dư luận bớt hoang mang.

Luật sư Tú cho biết, thời gian vừa qua, trên mạng internet xuất hiện nhiều clip, hình ảnh kèm với thông tin được dàn dựng gây hoang mang trong dư luận được chia sẻ rộng rãi làm cho người dân có cảm giác bất an, mất niềm tin vào lực lượng bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Do đó, với vụ việc trên đối tượng đăng tải thông tin cần bị xử lý nghiêm để những đối tượng khác có ý định lợi dụng internet đăng tải thông tin không đúng sự thật làm dư luận bất an sẽ phải cân nhắc từ bỏ ý định.

“Việc đối tượng gỡ clip, đăng tải thông tin cải chính không chỉ là hành động khắc phục hậu quả, mà còn thể hiện sự ăn năm, nhân thức rõ hành vi vi phạm của mình. Do đó, khi giải quyết sự việc Cơ quan có thẩm quyền cũng nên xem xét tình tiết này để giải quyết sao cho đảm bảo răn đe phòng ngừa chung nhưng cũng thể hiện được tính nhân đạo pháp chế XHCN” - luật sư Tú nhấn mạnh.

 
Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;

c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Tác giả bài viết: CỰ GIẢI

Nguồn tin: