Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


11 dòng trong sách giáo khoa cho một cuộc chiến vệ quốc oai hùng là chưa đủ

Có lẽ, đây sẽ là thời điểm thích hợp để chúng ta đưa những sự kiện về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa một cách có hệ thống, đầy đủ...
LTS: Trước một số bài viết về cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Khánh Văn chia sẻ quan điểm về việc xây dựng chương trình học và sách Lịch sử mới.

Theo thầy, việc đưa những thông tin lịch sử một cách trung thực, khách quan (đặc biệt là về cuộc Chiến tranh Vệ quốc Biên giới phía Bắc năm 1979) vào môn Lịch sử và Ngữ văn là rất cần thiết đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Chiến tranh Biên giới phía Bắc đã lùi xa gần 40 năm nhưng những hậu quả của của cuộc chiến vẫn dai dẳng mãi. 

Mấy ngày qua, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết của tác giả Xuân Dương càng cho ta cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến, về bản chất của vấn đề. 

Có lẽ, những bài báo như vậy sẽ đem đến một cách nhìn nhận toàn diện cho lớp trẻ hôm nay.

Bởi những trang sách nhà trường chỉ có một số dòng phác thảo sơ lược, khiến cho mấy chục năm qua vẫn có nhiều người hiểu lơ mơ về bản chất của cuộc chiến tàn khốc này.

chien tranh bien gioi
Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc cần được đưa vào sách giáo khoa để thế hệ sau hiểu rõ lịch sử. (Ảnh tư liệu của TTXVN)

Thời gian qua, chúng ta thấy các phương tiện thông tin đại chúng đề cập khá nhiều về những bất cập trong việc đưa sự kiện Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979, đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông. 

Rõ ràng, chỉ mười một dòng chữ cho cả một cuộc chiến khi hàng vạn con người đã ngã xuống vì quê hương đất nước trên suốt chiều dài 1400 km biên giới bị tấn công, tàn phá là điều chưa thỏa đáng. 

Gần 40 năm cuộc chiến đã đi qua, đã đến lúc chúng ta cần công bằng với lịch sử, với những người đã đem xương máu của mình để bảo vệ đất nước. 
 
Thời chúng tôi học Đại học, khi học Văn học Trung Quốc thì thầy cô từng giảng, ca ngợi những nhà viết Sử Trung Quốc.

Bởi, những Sử quan nước này chấp nhận cái chết để viết nên sự thật cho dù sự thật ấy làm vua chúa tức giận.

Ví dụ, khi Thôi Trữ giết vua Tề thì quan sử nước Tề viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”.

Quan sử bị giết, người em kế tục anh mình cũng bị giết luôn.

Sau đó người em thứ 3 lên thay không thêm bớt một chữ, Thôi Trữ không dám giết. 

Hay Tư Mã Thiên - một sử gia tiêu biểu của Trung Quốc vì dám nói lên sự thật, dám bênh vực cái đúng mà ông bị thiến nhưng ông đã nén lại nỗi đau của mình mà viết nên bộ Sử kí nổi tiếng cho đến ngày nay. 

Điều đó cho chúng ta thấy rằng những sự kiện lịch sử có liên quan đến vận mệnh đất nước thì điều quan trọng là chúng ta phải để cho mọi người biết để ý thức về trách nhiệm của mình. 

Chỉ tiếc, cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn chỉ mới được khai thác chủ yếu trên các trang báo trong thời gian gần đây.
    
Theo lộ trình thì từ năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thay sách giáo khoa trong các cấp học. 

Có lẽ, đây sẽ là thời điểm thích hợp để chúng ta đưa những sự kiện về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào các trang sách nhà trường một cách có hệ thống và đầy đủ. 

Việc đưa các sự kiện về cuộc chiến này không chỉ giúp cho giới trẻ biết được lịch sử của dân tộc mà còn để các em tự hào về một trang sử bi thương nhưng cũng rất đỗi oai hùng của thế hệ cha anh mình. 

Đồng thời, ngoài việc đưa các sự kiện lịch sử thì những tác phẩm văn học viết về đề tài này cũng cần thiết đưa vào. Bởi văn học sau 1975 vẫn đang thiếu vắng chủ đề này. 

Sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành không có tác phẩm văn học nào đề cập đến chủ đề chiến tranh biên giới năm 1979. 

Giai đoạn văn học Việt Nam sau 1975 được đưa vào sách giáo khoa nhà trường chỉ là những trăn trở của lòng người, là sự tìm tòi đổi mới trong văn học…

Tuyệt nhiên không có một tác phẩm văn học nào nói về chiến tranh biên giới phía Bắc từ cấp Tiểu học đến cấp phổ thông. 

Thậm chí những sinh viên đại học chuyên ngành Ngữ văn cũng không được đề cập đến là một khiếm khuyết đối với những người viết sách giáo khoa.
   
Trong bài viết Chiến tranh Biên giới 1979 - Một góc nhìn hậu chiến (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 15/2/2017), tác giả Xuân Dương đã đưa ý kiến:

“Vậy tại sao chúng ta dường như vẫn ngại ngùng khi dạy cho con cháu về cuộc chiến đẫm máu chống xâm lược trên biên giới phía Bắc và phía Tây Nam những năm 70 thế kỷ trước?

Không phải những người viết sách giáo khoa không có tư liệu, càng không phải đánh giá công bằng lịch sử sẽ làm mất đi tình hữu nghị giữa các dân tộc hay ảnh hưởng đến ý thức hệ”. 

Trong đó, có một câu của tác giả rất đáng để chúng ta suy nghĩ: 

“Còn người Việt, làm sao có thể quên đi nỗi đau mỗi khi nhắc, nhớ đến đồng đội và người thân đã ngã xuống hoặc bị sát hại trong cuộc chiến”. 

Vâng, hôm nay chúng ta không “quên” nhưng chắc gì ngày mai con cháu chúng ta sẽ “nhớ” bởi những sự kiện lịch sử này con cháu chúng ta không được tiếp cận một cách thấu đáo?

Để giới trẻ hiểu biết về lịch sử thì điều chúng ta nên làm và cần chú trọng ngay từ những ngày càng em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bởi đây là quãng thời gian lý tưởng nhất, phù hợp nhất để các em hiểu về dân tộc, hiểu về ông cha mình đã dựng xây nên đất nước hôm nay.    
   
Đưa chiến tranh biên giới phía Bắc, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa đối với môn Lịch sử và Ngữ văn với dung lượng đủ cho học sinh, sinh viên có cái nhìn đúng, toàn diện là vấn đề cần được tính tới đối với những nhà hoạch định và những người viết sách giáo khoa trong thời gian thay sách sắp tới. 

Lịch sử cần công bằng, khách quan và chính xác mới giúp thế hệ sau hiểu về quá khứ dân tộc mình.

Tác giả bài viết: Khánh Văn

Nguồn tin: