Đẻ trên băng ca vì tưởng bị bệnh đường ruột
- 14:02 15-02-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Y., một cô gái trạc 20 tuổi ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, mang thai đến tận ngày sắp sinh mà vẫn không hay biết.
“Cô Y. được người thân đưa vô BV Nhân dân 115 (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng dữ dội, mồ hôi lấm tấm trên trán. Khi bác sĩ hỏi thăm, cô xoa xoa bụng rồi nói do có tiền căn bệnh đường ruột nên ăn không tiêu khiến bụng to hơn bình thường một ít” - BS Sóng kể lại.
Đẻ trên băng ca
Với kinh nghiệm lâu năm, các bác sĩ quả quyết Y. đang mang thai. Quả thật, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi trong bụng cô gái đã đủ ngày đủ tháng. “Khi biết mình mang thai, Y. chưng hửng. Cô cho biết không hề có biểu hiện ốm nghén, cũng chẳng thèm chua hoặc ngọt. Cô còn nói đã có bạn trai, hai người cũng đã “gần gũi” đôi lần nhưng chỉ “bên ngoài” nên không thể có thai” - BS Sóng kể.
Theo BS Sóng, một số người sống gần nhà thấy Y. có biểu hiện mang thai nên khuyên đi khám. Tuy nhiên, cô này khăng khăng bụng hơi bự là do chứng đau đường ruột gây ra nên bỏ ngoài tai. Cô nói thêm hiện sống với cha nhưng cha luôn bận bịu việc đồng áng nên thiếu quan tâm.
Do không có khoa Sản nên BV Nhân dân 115 tiến hành thủ tục chuyển cô gái đến BV Hùng Vương (TP.HCM). Hồ sơ lập chưa xong thì cô gái đã sinh con ngay trên băng ca. Tiếng khóc oe oe của đứa bé nặng 2,4 kg khiến bác sĩ, điều dưỡng và những người có mặt trong khoa Cấp cứu ngỡ ngàng. Cả hai mẹ con được chuyển qua BV Hùng Vương để tiếp tục được chăm sóc.
Thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản
BS Nguyễn Ngọc Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) của Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc mang thai tới ngày sinh nở mà không hay biết thỉnh thoảng vẫn xảy ra với các cô gái trẻ ở nông thôn. Nguyên nhân do nhiều phụ nữ đến tuổi trưởng thành nhưng thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS.
Theo BS Thông, không ít cô gái nghĩ rằng gần gũi bên ngoài sẽ không mang thai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai ngoài ý muốn mà cô gái không biết.
Dấu hiệu đầu tiên của người mang thai là mất kinh. Sau đó, những thay đổi trên cơ thể dần xuất hiện như ngực lớn, nhủ hoa sậm, bụng to… “Do không được tiếp cận các kiến thức về chăm sóc SKSS, không ý thức mình đang mang thai nên nhiều cô gái cho rằng những biểu hiện nói trên là do cơ thể mập ra. Thậm chí để che bớt sự “mập”, nhiều cô mặc quần áo bó sát” - BS Thông cho biết.
“Mang thai mà không biết còn dẫn đến nhiều nguy cơ. Do nghĩ không mang thai nên dễ xảy ra thực trạng sử dụng thuốc cấm người mang thai. Điều này chắc chắn không tốt cho cả mẹ lẫn thai nhi” - BS Thông lưu ý thêm.
Tăng giáo dục kiến thức về chăm sóc SKSS Truyền thông, giáo dục kiến thức chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh là cần thiết để tránh mang thai ngoài ý muốn. Đối với khu vực vùng sâu vùng xa, phụ nữ trong độ tuổi mang thai ít có cơ hội nắm bắt kiến thức về chăm sóc SKSS. Do vậy, y tế cơ sở cần có những hoạt động để tiếp cận và truyền thông, giáo dục những kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, gia đình và người thân cần quan tâm nhiều đến con cái trong độ tuổi sinh sản để kịp thời phát hiện những bất thường trên cơ thể và có hướng xử lý phù hợp. BS TRẦN VĂN TRỊ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM |
Tác giả bài viết: Trần Ngọc
Nguồn tin: