Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Không có bố, mẹ lại qua đời, bé lớp 5 khốn đốn sống cùng ông bà ngoại già yếu

Lớn lên Thụ không biết bố mình là ai, mẹ thì mang căn bệnh hiểm nghèo rồi cũng vừa từ bỏ em mà đi. Tuổi thơ của Thụ đã phải sống trong những chuỗi ngày bất hạnh, giờ đây tương lai của em phải dựa vào bàn tay ông bà ngoại ốm yếu đã “gần đất xa trời”
Đó là hoàn cảnh đầy bi thương về thân phận của em Hoàng Khắc Thụ (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Trời xế trưa, những hạt mưa phùn của mùa đông hiện lên trong cái rét như cắt da, cắt thịt, chúng tôi tìm về nhà em Hoàng Khắc Thụ (ở thôn 3, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).

Đập vào mắt chúng tôi là chiếc bạt rách tả tơi vừa được gia đình căng lên để lo hậu sự cho mẹ em. Trong căn nhà lụp xụp ấy không có một vật dụng nào đáng giá ngoài bộ bàn ghế sơ sài, cụ Phòng tay đang chống gậy run rẩy vì giá lạnh, bà Thiêm thì đang loay hoay trong bếp để lo bữa cơm đạm bạc cho ông cháu. Còn trong góc nhà tối tăm thì Thụ đang loay hoay phủ những chiếc chân cho vừa vào bàn tranh thủ học bài. Nhìn lên phía trên tường nhiều giấy khen học tập của em thì thật đáng nể nhưng khổ nỗi cái bàn học cũng không có ngoài tấm ván cờ mới xin ông hàng xóm.

 
Thụ và ông bà ngoại trước bàn thờ mẹ

.Những đôi mắt ngơ ngác, xa lạ của mấy đứa trẻ hàng xóm đang chơi ngoài sân liền chạy vụt vào trong nhà rồi kêu lên: Bà ơi! Có khách. Mấy đứa trẻ nói, bỗng xuất hiện cụ bà lẫm chẫm “như đứa trẻ mới tập đi” bước từ căn nhà rách rưới. Bà Thiêm bước lại gần rồi giơ tay gạt nước mắt chào chúng tôi.

Khóe mắt vẫn còn đỏ hoe bởi những ngày qua con gái mất bà đã khóc rất nhiều. Bà khóc cho số phận hẩm hiu của con khi ra đi để lại đứa nhỏ mới lớp 5 cho ông bà đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời nên bà xót thương lắm. Bà Thiêm kể: “Trong nhà giờ còn lại một mình nó, mẹ nó vừa qua đời hơn một tháng nay, chúng tôi giờ cũng “gần đất xa trời” rồi nó phải sống như thế nào đây? Ai nuôi nó những ngày còn lại, tội nghiệp lắm chú ơi!”.

 
Thụ và bà ước mơ cháu sẽ được học hành đến nơi đến chốn.

Cứ mỗi lần nhìn gương mặt cháu là bà lại rơi nước mắt, bà kể tiếp: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, tôi là một dân công hỏa tuyến, duyên phận gặp ông Phòng cũng là bộ đội sau năm 1950. Tôi và ông kết hôn và sinh được 7 người con. Do hoàn cảnh éo le, hòa bình lập lại vợ chồng tôi quyết định di cư lên mảnh đất đá sỏi này sinh sống. Trong 7 người con thì con Oanh (chị Hoàng Thị Oanh - con út) chịu thiệt thòi hơn cả. Nó sinh ra mang căn bệnh hiểm nghèo bẩm sinh nên cuộc sống phải dựa vào cha mẹ rồi ở giá và “kiếm được” cháu Thụ bây giờ”.

Vì điều kiện quá khó khăn nên mấy năm trước chính quyền và anh em quyên góp dựng cho hai mẹ con chị Oanh được “căn nhà” nhỏ bé để an sinh. Nhưng căn bệnh của chị Oanh ngày càng nguy kịch nên thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mọi chi phí thuốc men, tiền ăn học của mẹ con Thụ chỉ dựa vào 270 ngàn đồng trợ cấp của ông bà. Không có tiền chữa trị căn bệnh của chị Oanh ngày càng nặng thêm, suy sụp tinh thần và chị đã lìa cõi trần khi tuổi đời còn rất trẻ.

 
Không có cha, mẹ mất em Thụ phải nương nhờ vào ông bà ngoại ốm yếu trong căn nhà hư hỏng.

Ngồi bên ông bà ngoại, Thụ cứ rân rân nước mắt. Một đứa trẻ ngây thơ khó để hiểu hết nỗi niềm về số phận của mình. Sinh ra và lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của cha và giờ người mẹ bệnh tật là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của em cũng đã không còn.

Thụ bảo, nhiều lần đến trường hay đi chơi bị bạn bè trêu là con không cha, mẹ thì thần kinh nên em tủi lắm nhưng cũng chỉ biết gạt nước mắt mà sống. Bao năm qua em phải sống nhờ vào củ khoai, củ sắn từ những đồng tiền trợ cấp của ông bà ngoại không đủ để trang trải cho cả gia đình.

 
Không có cha, mẹ mất em Thụ phải nương nhờ vào ông bà ngoại ốm yếu trong căn nhà hư hỏng.

Mẹ thì ốm đau bệnh tật mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men nhìn vào từng cọng rau, cọng cỏ hay những gánh củi từ trên đôi vai già yếu của ông bà, hằng ngày ngoài giờ đến trường em còn phải chăm mẹ phụ giúp ông bà làm vườn để kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh.

“Gia đình tôi những năm tháng qua dường như không có ai là trụ cột. Chỉ có mẹ nó (chị Oanh) thì ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, nên bà cháu tự động viên nhau để vượt qua nỗi thống khổ này, giờ ông đã 90 tuổi đau ốm thường xuyên đi lại cũng khó khăn, tôi thì cũng già rồi không biết sống thêm được ngày nào nữa để nuôi cháu, khổ lắm chú ơi!”. Câu nói ấy của bà Thiêm cứ lặp đi, lặp lại làm cho chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, nhà nghèo khổ bây giờ lại càng khổ hơn.

 
Dù hoàn cảnh khổ cực, nhưng bù lại Thụ rất cố gắng trong học tập, nên 4 năm liền em đều giành học sinh giỏi toàn diện.

Trong khi đó, 3 ông bà cháu sống trong căn nhà tình thương nếu ông trời thương không làm mưa thì còn ở được, chứ mưa gió thì phải chạy ngược chạy xuôi để nương nhờ ở tạm bà con làng xóm.

Còn với Thụ, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em vẫn cố gắng học, tự thân vận động và hoàn thành tốt nhiệm vụ một học trò giỏi, con ngoan cháu hiền. Cũng vì thế mà 4 năm liền, Thụ là học sinh giỏi toàn diện.

Khi được hỏi về tương lai, Thụ bảo khát khao sau này cố gắng học thật giỏi để trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Ước mơ cháy bỏng của em càng hiện lên trong đôi mắt đỏ ửng, mấy đêm nay em không ngủ được em không tin mẹ cũng bỏ em mà đi.

 
Ở vào cái tuổi đã gần đất xa trời, bà Thiêm mong muốn cháu Thụ được học hành đến nơi đến chốn để mẹ em ở suối vàng mãn nguyện.
 
Thụ ước mơ sau này học lên đại học trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo.

Thụ nghẹn ngào: “Chú ơi! Mẹ con thương con lắm. Hôm bệnh viện trả mẹ về, con thấy mẹ con chưa chết mô, con lớn lên con sẽ làm bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho mẹ con”. Những câu nói dí dỏm của đứa trẻ 10 tuổi khiến cho ai nghe cũng phải nghẹn lòng.

Phía bên kia chân giường ông Phòng nói câu được câu mất: “Hai già này bây giờ lực bất tòng tâm rồi chú à. Cháu tôi sẽ sống như thế nào đây, ai cứa cháu tôi được chú ơi! Cả đời nó chỉ có hơi ấm của người mẹ bệnh tật mà sao ông trời cũng nỡ chia lìa, mẹ nó là chỗ dựa, là niềm an ủi lớn nhất nhưng giờ thì đã...!”. Nói đoạn cụ ông 90 tuổi cũng rơi hai hàng nước mắt trên đôi má nhăn nhó.

Nghe lời ông ngoại vừa dứt, Thụ cũng rơm rớm nước mắt rồi em lặng lẽ ra ngoài xuống bếp giúp bà để chuẩn bị cơm trưa. Bữa cơm được bà cháu bày ra chỉ có đĩa rau với mấy con cá biển kho cùng quả trứng gà luộc được bày sẵn để thắp hương cho mẹ. Theo lời bà Thiêm thì đây là bữa cơm thịnh soạn nhất còn từ trước thằng Thụ lớn lên trong củ khoai, củ sắn lớn lên trong đau khổ nên giờ nó quen rồi.

Chia tay gia đình ông bà Thiêm để ra về, thì bất chợt cháu Thụ buông câu: “Chú ơi! Chú có quay lại nhà cháu nữa không? Học kỳ này cháu được thưởng đó chú ạ, chú giữ lời hứa với cháu nhé!”.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Cháu Hoàng Khắc Thụ, hoặc ông Hoàng Trung Thông (cậu cháu Thụ) thôn 3, Quyết Thắng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An

- Số ĐT: 01665.721.398 (ông Thông)

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

Nguồn tin: