Nhất Cờn – Ngôi đền thiêng gần 800 tuổi ở xứ Nghệ
- 07:27 15-02-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tết đến xuân về, người dân khắp bốn phương lại về Đền Cờn - nơi linh thiêng nhất xứ Nghệ đi lễ, trẩy hội.
“Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng” - câu nói truyền miệng của người dân khi nói về 4 ngôi đền cổ linh thiêng ở xứ Nghệ. Trong 4 ngôi đền ấy thì đền Cờn được xếp vào hàng linh thiêng nhất. Hàng năm mỗi dịp Tết đến xuân về người dân khắp bốn phương lại về đây đi lễ, trẩy hội.
Ngôi đền thiêng gần 800 tuổi
Đền Cờn ở xã Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, cách Thủ đô Hà Nội 220 km về phía Nam, cách thành phố Vinh 75 km về phía Bắc theo QL1A. Đền Cờn là ngôi đền cổ được ghi lại trong nhiều tài liệu lịch sử của quốc gia như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt điện U linh tập. Theo đó, di tích đền gồm 2 ngôi đền gọi là đền Cờn trong và đền Cờn ngoài.
Đền Cờn trong có kiến trúc cổ kính và nằm trên mảnh đất có phong thủy đẹp. Sau đền Cờn có hai đồi nhỏ nhô cao, giăng dài ra hai bên như cánh phượng. Tại hai đồi có hai giếng nước, tương truyền đây là mắt phượng. Bên kia dòng sông Mai Giang phía trước đền có núi Voi, núi Xước và sau lưng là biển. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần. Đền Cờn trong thờ tứ vị thánh nương - quốc gia Nam Hải đại càn thánh nương. Được dân đi biển coi là những nữ thần bảo vệ và phù hộ cho họ làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy.
Đền Cờn ngoài cách đền Cờn trong khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương. Đền thờ các vị thần như: Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu... Đền được đặt trên núi ngay sát cửa biển, nên đến đấy ngoài sự cổ kính, du khách còn được mãn mục với phong cảnh rất thơ mộng và linh thiêng.
Nói về ý nghĩa lịch sử đền cờn, ông Tô Huy Hùng – Phó Chủ tịch Thị xã Hoàng Mai, kiêm Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Cờn cho biết: Đền Cờn từng là nơi các bậc quân vương lập đàn tế lễ trước các trận đánh lớn.Năm Hưng Long thứ 19 (1311), sau khi đánh thắng trận trở về,vua Trần An Tông cho tu sửa dựng đền ngói và phong là Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh nương. Qua các thời vua Lê và dưới triều nhà Nguyễn, đền Cờn và lễ hội đền Cờn tiếp tục được duy trì, phát triển về quy mô. Tuy nhiên, những năm kháng chiến chống Mỹ, Đền Cờn bị tàn phá nên lễ hội cũng không được tổ chức. Đến năm 1989, di tích đền Cờn được khôi phục; năm 1997 đền được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận là di tích quốc gia, được tái tạo và khôi phục lại. Năm 1999, Lễ hội đền Cờn được phục hồi. Lễ hội Đền Cờn tổ chức vào ngày 20, 21 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm với mong ước một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của ngư dân. Còn trong năm, du khách thập phương từ mọi miền đất nước vẫn không quản đường sá xa xôi về đền Cờn tế lễ nguyện cầu những điều an lành, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Gắn Lễ hội đền Cờn với phát triển kinh tế
Có thể nói, Đền Cờn và lễ hội đền Cờn không chỉ có vai trò quan trọng đời sống tinh thần của của người dân miền biển, mà đây còn là danh thắng đẹp, điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, thời gian qua, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Cờn cũng như lễ hội đền Cờn, chính quyền Nghệ An nói chung, Thị xã Hoàng Mai nói riêng đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa, giá trị lịch sử của ngôi đền cổ, cũng như thúc đẩy quảng bá các giá trị di sản văn hóa trong lễ hội.
Đặc biệt, lễ hội Đền Cờn và lễ hội Đền Chín Gian ở Nghệ An là hai trong 5 lễ hội vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đợt XIV vào tháng 6/2016. Vì vậy, năm nay Nghệ An sẽ tổ chức cùng lúc 3 sự kiện trong dịp Lễ hội đền Cờn gồm: Lễ đón nhận danh hiệu văn hóa phi vật thể quốc gia; Lễ hội Đền Cờn và Khai trương năm du lịch 2017. Các sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 15/2 (tức 19 tháng Giêng) cho đến hết ngày 17/2 (tức 21 tháng Giêng).
ÔngTô Huy Hùng cho biết: Từ sáng ngày 19 tháng Giêng, tại Di tích đền Cờn và nhiều nơi trên địa bàn thị xã sẽ tổ chức triển lãm ảnh, khai mạc các môn thể thao và trò chơi dân gian như: Bóng chuyền, cờ thẻ, đẩy gậy, kéo co. Các hoạt động vui chơi thể thao và lễ hội sẽ kéo dài trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Vào tối ngày 20, sẽ diễn ra chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt khai mạc Lễ hội và đón Bằng Công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời khai trương năm du lịch 2017. Ngày 21, sẽ tái hiện các nghi thức lễ cổ xưa như: Lễ cầu ngư, lễ rước hương áng... song song với đó là các hoạt động hội truyền thống như: chạy ói, diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn... Chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho du khách khi về tham dự lễ hội.
Từ việc phát huy các giá trị truyền thống, giá trị văn hóa sâu sắc của đền Cờn và lễ hội đền Cờn, BTC kỳ vọng: Đền Cờn sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái, tắm biển và nghỉ dưỡng, tạo liên kết vùng trong phát triển du lịch, kinh doanh dịch vụ. Thông qua hoạt động lễ hội, BTC sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá các nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng Bắc Trung Bộ nói chung, người dân xứ Nghệ nói riêng, đặc biệt là phát triển thương hiệu thủy hải sản Hoàng Mai, góp phần thu hút các nguồn đầu tư về địa phương.
Tác giả bài viết: Văn Thanh/Giao thông