Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đi tìm sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng

Những đồn thổi về ngôi mộ ở xã Cộng Hiền, được cho là nơi an táng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, gây xôn xao dư luận gần đây, là hoàn toàn phi lý.
Thời gian gần đây, một số thông tin lan truyền trên mạng khẳng định đã tìm thấy mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Câu hỏi gần 430 năm kể từ ngày Trạng mất đã có lời giải? Những trang tin này còn dẫn thêm một số chứng cứ quan trọng để củng cố cho luận điểm đã tìm thấy mộ Trạng. Sự việc này đã gây xôn xao dư luận tại Hải Phòng cũng như cả nước, và phát sinh rất nhiều luồng quan điểm khác nhau. Nhóm phóng viên VTC News đã tìm về Vĩnh Bảo, Hải Phòng, vào cuộc tìm hiểu sự thật.

Kỳ 1: Thực hư chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Thông tin lan truyền

Cụ thể, những thông tin này cho biết, trước đó, một người dân ở huyện Vĩnh Bảo đã tìm thấy trong khu vườn nhà mình một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ ở độ sâu 2m. Tuy nhiên, khi di chuyển bộ hài cốt sang chiếc tiểu sành mới, nhiều xương tự vụn ra, còn lại xương đầu và một ít xương chân không bị nát vụn. Bà con địa phương đã an táng bộ hài cốt tại nghĩa trang của xã, còn chiếc quách gỗ được giữ lại, chuyển lên Hà Nội cho các nhà khoa học nghiên cứu.

Trong năm 2016, tấm quách được Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng. Các chuyên gia lấy một mảnh quách gửi đến Trung tâm hạt nhân (TP.HCM) để phân tích, kết quả cho thấy gỗ làm tấm quách có niên đại khoảng 1.700 năm.

Ngày 18/1, PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, tổ chức hội thảo về ngôi mộ cổ nghi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Bên cạnh đó, TS. Lê Đình Phụng sau khi xem xét tấm quách đã đưa ra kết luận: Gỗ dùng làm tấm quách là gỗ Ngọc Am, loại gỗ quý hiếm, nếu là dân thường thời phong kiến không thể có được. Cũng theo ông Phụng, quy cách đóng chiếc quách và cách ghép, chất liệu sơn cho thấy thuộc vào thời nhà Mạc.

Trong quách có chiếc thẻ bằng tre, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho hay ngay khi chiếc thẻ được đưa ra, ông đã đọc được chữ Đạt. Sau đó, ông và nhà Hán học Hoàng Phan và cụ Lương Bắc Tưởng đã cùng đọc chữ viết trên chiếc thẻ tre và phát hiện ra chữ Mạc triều trạng nguyên và 2 chữ Cù Xuyên (đạo hiệu của giám sinh Nguyễn Văn Định, thân sinh của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm).

 
TR1
 Một góc đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Cùng thời gian đó, ông Nguyễn Đình Minh, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn thành phố Hải Phòng đưa lên trang web cá nhân của mình bài viết mang tên: Ngôi mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tôn tộc nhà Mạc - Hé mở độ tin cậy từ những căn cứ khoa học. Bài viết đó tập trung phân tích, đánh giá về những thông tin xung quanh ngôi mộ cổ tìm thấy như đã nêu ở trên. Đó là bài viết trên trang cá nhân, chưa được kiểm chứng đúng sai, nhưng một số trang tin, thậm chí cả báo điện tử đã trích dẫn lại và đăng tải trên trang web chủ quản của mình.

Đáng ngạc nhiên là cho tới thời điểm này, vẫn chưa hề có một tờ báo lớn hay một cơ quan chức năng nào lên tiếng khẳng định hay phủ nhận những thông tin lan truyền trên mạng đó. Vậy, thực hư của câu chuyện như thế nào?

Sự thật hé mở

Sự việc phát hiện chiếc quách diễn ra trong khu vườn của gia đình bà Bùi Thị Hiền, thuộc thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Địa điểm đó cách xa nơi sinh sống năm xưa của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là thôn Trung Am, xã Lý Học, cỡ chừng hơn 10km. Theo những người dân thôn Hạ Đồng, không ai được chứng kiến sự việc ấy, phần lớn được nghe kể lại.

 
TR2
Bài phóng sự điều tra được ông Nguyễn Đình Minh viết và đăng trên trang web cá nhân của mình 

Chuyện là, một đêm trăng thanh gió mát đầu năm 2014, bà Hiền bỗng nằm mơ thấy một cụ già tự xưng là nhà nho hiện về báo mộng: “Ta lên để giúp nước, ta chính là Trạng Trình”. Lần theo những sự chỉ bảo của cụ, gia đình bà Hiền đã đào bới vườn nhà lên và phát hiện ra một chiếc quách làm bằng gỗ quý, bên trong có chứa 1 bộ hài cốt với hộp sọ và một ít xương. Biết thông tin lạ này, một số người có học vị ở Hải Phòng đã tìm đến và quyết tìm hiểu sự thật xung quanh việc tìm thấy ngôi mộ cổ ấy. Và những diễn biến tiếp theo là câu chuyện như thông tin trên mạng đang lan truyền ầm ỹ hiện nay.

Việc tìm thấy ngôi mộ cổ trong gia đình nhà bà Hiền là có thật, tuy nhiên, khi làm việc với các cơ quan chức năng Hải Phòng, chúng tôi đã phần nào sáng tỏ những câu hỏi  xung quanh sự việc này.

Cụ thể, trong văn bản số 118/BC-SKHCN ngày 04/11/2016 của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, báo cáo về việc khảo sát, xác minh thông tin về các ngôi mộ cổ tại huyện Vĩnh Bảo đã chỉ rõ: Trong quá trình khai quật những ngôi mộ này, gia đình bà Hiền đã không thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Sở Văn hóa và Thể thao cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào về sự việc này.
TR3
Văn bản số 118/ BC - SKHCN 

Những hiện vật được khai quật tại ngôi mộ trong nhà bà Hiền (quách gỗ sơn màu đỏ, tiểu gốm, 9 chiếc cúc màu vàng) sau đó đã không còn được lưu giữ tại hiện trường. Khi đoàn cán bộ khảo sát tại gia đình bà Hiền đã không thấy những hiện vật nêu trên, mà chỉ thấy hiện có 15 ngôi mộ đã được xây cất.

Ngày 15/5/2014, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã về khảo sát tại địa phương. Cùng ngày, UBND xã Cộng Hiền đã báo cáo toàn bộ lên cấp trên những sự việc đã xảy ra trên địa bàn xã. Cho đến 28/5/2014, Bảo tàng Hải Phòng đã về nghiên cứu thực địa, nhưng hiện trường đã không còn bất cứ hiện vật nào, nên không có căn cứ để kết luận về chủ nhân của ngôi mộ ấy.

Một thời gian dài, cho đến tháng 8/2016, các cơ quan có liên quan không còn nhận được bất cứ thông tin gì thêm xung quanh sự việc này, tình hình địa phương ổn định, công tác an ninh được đảm bảo.

Nhưng đến giữa tháng 8/2016, ông Nguyễn Đình Minh lại gửi thư lên UBND huyện Vĩnh Bảo hỏi về sự việc xảy ra tại thôn Hạ Đồng. Ngày 26/8/2016, báo Hải Phòng cuối tuần có đăng bài viết: “Xung quanh việc phát hiện ngôi mộ cổ ở xã Cộng Hiền, cần giải pháp bảo tồn các di vật văn hóa”. Trước sự việc này, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo đã 2 lần gửi công văn đến gia đình bà Bùi Thị Hiền đề nghị tạo điều kiện để cơ quan chức năng tiếp nhận, chuyển hiện vật về Bảo tàng Hải Phòng lưu giữ. Nhưng đến thời điểm ra văn bản số 118 ngày 04/11/2016, gia đình bà Hiền vẫn chưa bàn giao hiện vật.

Việc gia đình bà Bùi Thị Hiền đã tự ý khai quật ngôi mộ nêu trên mà không thông báo cho các cơ quan chức năng, cũng như việc tự ý di chuyển hiện vật khai quật đi nơi khác đã làm xáo trộn toàn bộ hiện trường, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc của hiện vật và việc nghiên cứu một cách khoa học ngôi mộ này. Mặt khác, việc tự ý đào bới, khai quật mộ khi chưa rõ chủ nhân, nguồn gốc và tự ý di chuyển hiện vật đi nơi khác là hành vi vi phạm khoản 3 điều 37, khoản 4 điều 14 của Luật di sản văn hóa..
TR4
 Biên bản bàn giao hiện vật được tìm thấy trong ngôi mộ ở nhà bà Bùi Thị Hiền

Được biết, mãi đến ngày 7/12/2016, bảo tàng Hải Phòng mới tiếp nhận được hiện vật của vụ đào mộ trong nhà bà Hiền hồi… năm 2014. Trong biên bản bàn giao hiện vật được ký cùng ngày thể hiện rõ: Hiện vật bao gồm 1 quách gỗ hình chữ nhật, rỗng bên trong, đã bị mục. Quách có lòng dài 84cm, rộng 15,5cm, dày 5cm; 1 tấm thiên gỗ không còn nguyên vẹn; 1 mảnh quách, và 7 chiếc cúc hình cầu đã bị bong tróc.

“Tôi hỏi ngược lại các nhà báo, vậy chiếc thẻ tre có ghi chữ như những thông tin lan truyền trên mạng ở đâu ra? Mặt khác, hiện vật được tìm thấy và bàn giao cho bảo tàng mặc dù gọi là quách, nhưng nó chỉ dài có 84cm, rộng 15,5cm, thì may chăng chỉ nhét vừa được cái chân người. Hài cốt tìm thấy thì chúng tôi cũng chỉ nghe kể lại chứ không ai nhìn thấy, mà nếu có thì làm sao để có thể đưa vào cái quách này được, trừ khi phải chia nhỏ, xé lẻ ra, mà điều ấy là bất lương, hoàn toàn trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt”, ông Phạm Ngọc Điệp, trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng chia sẻ.

Với một số tài liệu và chứng cứ ban đầu, nhóm PV VTC News đã có cơ sở để khẳng định, những đồn thổi về ngôi mộ được đào trong nhà bà Bùi Thị Hiền năm 2014 và được cho là nơi an táng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, như một số thông tin lan truyền trên mạng gây xôn xao dư luận gần đây, là hoàn toàn phi lý.

Như vậy, việc phần mộ của bậc thánh nhân này thực sự đang ở đâu? Và mục đích đằng sau của những người đã loan tin trên mạng là gì? Chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm câu trả lời.

Còn tiếp…

Tác giả bài viết: Hải Minh – Minh Khang

Nguồn tin: