Những ngôi chùa của người xa xứ trên đất Sài Gòn
- 10:21 11-02-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TP.HCM có những ngôi chùa ngoài là nơi sinh hoạt tâm linh, còn là nơi biểu hiện sự đặc trưng vùng miền, tạo nên bởi cộng đồng lưu dân từ miền Bắc hay miền Trung di cư tới đây.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng năm 1964, tại khu đất thấp rộng gần 6000 m2 nằm bên rạch Thị Nghè.
Chùa mô phỏng nguyên mẫu từ ngôi chùa gỗ cùng tên là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần thuộc phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Chùa do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế, lấy cảm hứng từ kiến trúc chùa chiền truyền thống của miền Bắc kết hợp với việc sử dụng bê tông cốt thép và kỹ thuật xây dựng hiện đại thời bấy giờ.
Để xây dựng nên ngôi chùa này, người ta đã cho chuyển 40.000 m3 đất từ xa lộ Hà Nội về để san lấp mặt bằng. Tổng kinh phí xây dựng là 98 triệu đồng thời bấy giờ, và hoàn toàn do các Phật tử miền Bắc di cư vào Nam hưng công xây dựng.
Về tổng thể, chùa có hai tầng với hai công trình nổi bật là chánh điện và bảo tháp Quán Thế Âm. Trong đó, phần Phật điện được xây theo kiến trúc hình chữ Công với ba phần Bái điện, Bản điện và Địa Tạng đường.
Phần Bái điện chiếm vai trò quan trọng nhất trong quần thể chùa Vĩnh Nghiêm, với chiều rộng 22 m, dài 35 m và cao 15 m. Chính giữa Bái điện thiết trí 3 pho tượng Phật Thích Ca, Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền, cùng các hương án bằng gỗ chạm nổi các danh lam cổ tự nổi tiếng của Việt Nam và các nước châu Á. Xung quanh khu vực chính này là hệ thống bao lam, cửa võng được chạm trổ hết sức công phu.
Phía sau Bản điện là Địa Tạng đường. Trước đây, khu vực này là nơi tôn trí tượng Bồ Tát Địa Tạng và ban thờ các vong linh. Về sau, khu vực này được chuyển đổi công năng thành nơi thiết trí thờ Trúc Lâm Tam tổ, Ban thờ Mẫu và Đức Thánh Trần.
Nằm bên trái Phật điện là tòa tháp Quán Thế Âm hình vuông gồm 7 tầng, với chiều cao gần 40 m. Đây là ngôi tháp đồ sộ bậc nhất trong các ngôi bảo tháp của Phật giáo Việt Nam.
Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm còn có một công trình rất đặc biệt là gác chuông với quả chuông đồng với đường kính 1,8 m do các Phật tử Nhật Bản tặng vào năm 1971.
Trong lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi sinh hoạt của các tín đồ, Phật tử đến từ miền Bắc. Bên cạnh việc tái tạo nét kiến trúc truyền thống miền Bắc trên vùng đất mới, cộng đồng Phật tử tại chùa Vĩnh Nghiêm còn bảo lưu rất nhiều nét sinh hoạt, lễ nghi mang đặc trưng cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trong số những lưu dân tìm đến vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong suốt nhiều thập kỷ, có một số lượng không nhỏ những người dân đến là người gốc Huế. Vốn là một xứ sở mà cuộc sống gắn liền với đạo Phật, khi di cư đến Sài Gòn, cộng đồng lưu dân người Huế đã xây dựng tại đây những ngôi chùa đặc trưng của đất cố đô mà nổi tiếng nhất trong số đó là thiền viện Vạn Hạnh và tu viện Quảng Hương Già Lam.
Được sáng lập vào năm 1960 với tên gọi ban đầu là Giải Hạnh Già Lam, ngôi chùa này là nơi tu học của những vị tăng sĩ đến từ miền Trung, cũng như là nơi sinh hoạt tâm linh cho cộng đồng cư dân gốc Huế. Trải qua nhiều đợt trùng tu, đặc biệt sau đợt đại trùng tu vào năm 2014, ngôi chùa trở nên bề thế, uy nghiêm mang đậm phong cách chùa chiền truyền thống của đất Thần kinh.
Chiếm vị trí chủ đạo của chùa là ngôi chánh điện 2 tầng. Trong đó, tầng trên cũng là khu vực Phật đường hoàn toàn bằng gỗ được thi công ở Huế trong hơn một năm, sau đó chuyển vào lắp ráp tại vị trí hiện nay.
Nổi bật giữa ngôi chánh điện với tông màu nâu trầm của gỗ là án thờ với pho tượng Phật Thích Ca ở gian giữa. Ngoài ra, ở hai gian bên là hai pho tượng Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Quán Thế Âm. Những pho tượng này đều được tạo tác bằng đồng.
Phía trước sân chùa là Quan Âm các cũng được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, với bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm màu trắng được tạo tác từ những ngày đầu thành lập chùa, nổi bật giữa khung cảnh xanh mát màu cỏ cây.
Vào những ngày lễ lớn, tại ngôi chùa nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Quang Định này, khách thập phương như được lạc vào không gian của một chốn thiền môn xứ Huế qua những phần nghi lễ tán tụng đậm âm sắc miền Trung cũng như giọng nói của những người Phật tử ở ngôi chùa này. Tất cả như cố gắng gợi mở một không khí đầy hoài niệm của những người xa quê.
Cách đó không xa, tọa lạc trên đường Nguyễn Kiệm thuộc địa bàn quận Gò Vấp là ngôi chùa Huế không kém phần bề thế và đặc biệt với tên gọi thiền viện Vạn Hạnh.
Nếu như Quảng Hương Già Lam thế hiện trình độ chạm khắc gỗ tinh tế vào hàng bậc thầy của các nghệ nhân xứ Huế, thiền viện Vạn Hạnh lại nổi bật với phong cách khảm sành sứ đã đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Khải Định.
Những phù điêu mang chủ đề long lân quy phụng, hoa lá được tạo tác bằng những mảnh sành sứ nhiều màu sắc và gắn kết hết sức công phu. Để có thể thực hiện được những phù điêu như thế này, nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian khổ luyện. Sự mềm mại và sống động của những mảng công trình sẽ thể hiện trình độ của người tạo tác.
Ngôi chính điện của chùa có chiều cao lên đến gần 20 m, được xây dựng theo dạng thức kiến trúc cung đình Huế bằng vật liệu bê công cốt thép. Hệ thống thờ tự ở đây cũng được bố trí theo đúng chuẩn mực của các ngôi cổ tự ở đất cố đô.
Trong đó, ở vị trí cao nhất là ba pho tượng Tam thế, tượng trưng cho ba vị Phật ở ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai đặt trong long khám chạm trổ công phu và được sơn son thiếp vàng. Phía dưới là tượng Phật Thích Ca với nét mặt uy nghi, thoát tục.
Đặc biệt, trong các ngôi chùa theo phong cách truyền thống Huế, vật không thể thiếu được đó là hai bộ tràng phan bảo cái treo phía hai bên gian thờ Phật. Trên những tấm tràng phan bằng lụa này là danh hiệu các vị Phật, Bồ Tát được thêu bằng chỉ đỏ.
Bên trong vườn chùa là ngôi tháp mộ của hòa thượng Thích Minh Châu, người sáng lập ngôi chùa này, cũng là một trong những tên tuổi lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam. Ngôi tháp gồm 7 tầng hình bát giác, mang đặc trưng của kiến trúc tháp mộ Phật giáo thời Nguyễn. Hàng năm, bên cạnh các dịp Lễ tết, vào ngày lễ tưởng niệm Hòa thượng Thích Minh Châu, rất đông Phật tử tìm đến chùa để lễ bái, tri ân vị danh tăng xứ Huế, gặp gỡ đồng hương. Những con người dù ra đi nhưng vẫn luôn mang theo nỗi hoài vọng về quê hương, xứ sở.
Tác giả bài viết: Cường Nguyễn. Ảnh: Minh Phạm
Nguồn tin: