Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


‘Ma men’ tự kể: Vừa điều trị, vừa tiếp tục uống

Bệnh nhân thừa chết, thiếu sống do nhậu nhẹt quá đà đã van nài bác sĩ cứu chữa, nhưng ổn ổn nhớ bia rượu là trốn viện, ra ngoài để uống.
Bác sĩ Hồ Tấn Phát, Khoa Nội tiêu hóa BV Chợ Rẫy, thăm khám cho bệnh nhân bị viêm tụy cấp do bia rượu ẢNH: DUY TÍNH

Có bệnh nhân điều trị tạm ổn định được cho về nhà thì việc đầu tiên là tổ chức một chầu nhậu bia rượu ăn mừng!

Trốn viện đi nhậu.

Dẫn chúng tôi đi thăm bệnh nhân viêm gan, xơ gan có liên quan đến bia rượu, bác sĩ Đào Bách Khoa, Trưởng khoa Nhiễm A, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) chỉ vào mấy cái giường kê ngoài hành lang hài hước: Phải kê giường chắc chắn như vậy chứ mấy bệnh nhân bị xơ gan, bụng trướng to lên nằm gãy như chơi.

Bác sĩ Khoa kể ở Khoa Nhiễm A có 2 ca rất đặc biệt. Vào 3 tháng trước, một bệnh nhân nam tên Tuấn (khoảng trên 40 tuổi) ở miền Tây chuyển lên điều trị trong tình trạng xơ gan, biến chứng nhiễm trùng do bia rượu. Sau một thời gian điều trị thì bệnh ổn định. Nhưng ngay sau đó, ông lén đi ra ngoài BV mua bia uống. Có lúc thì bắt vợ, con, người làm đi mua. Cứ mỗi ngày ông uống vào 6 lon là ngủ ngon!

Bác sĩ thăm khám hỏi ông đi tiểu nhiều không? Ông bảo tiểu nhiều lắm. “Tôi ngạc nhiên, bệnh nhân tiểu nhiều mà người ngày càng bị phù to hơn. Tôi bèn theo dõi thì thấy chiều chiều ông ra ngoài, hỏi đi đâu ông bảo đi mua nước đá về uống, lần khác thì ông bảo đi hóng mát. Theo dõi thêm thì thấy ông ra mua bia, uống xong rồi trở vào”, bác sĩ Khoa kể.

Đặc biệt hơn, một nữ bệnh nhân gần 40 tuổi ở Bình Phước, nguyên là chị nuôi của một đơn vị, nên từ lâu bà uống rượu rất thường xuyên. Đến một ngày bà nhập viện do men gan tăng cao như ngộ độc độc chất, tay chân run giống mắc hội chứng cai rượu.

Bà còn mắc bệnh viêm phổi, bác sĩ đã điều trị ổn định nhưng tay chân bà vẫn cứ run, sốt, mệt nhoài. Sau đó, tối nào bà cũng đi lòng vòng và 3 - 4 hôm sau bà ngủ rất ngon dù đang nằm trong phòng bệnh nặng.

Bác sĩ không hiểu vì sao bệnh của bà chuyển biến tốt nhanh đến vậy. Bác sĩ hỏi bà có uống bia rượu không, bà lắc đầu bảo không. Bác sĩ kiên quyết, nếu không nói thật “có uống rượu” thì từ chối điều trị cho về. Vậy là người chồng thừa nhận: Bà uống rượu nhiều lắm, uống cả chục năm nay rồi, vào BV thèm rượu nên chiều chiều cho bà chút chút rượu để ngủ ngon.

Xuất viện, nhậu ăn mừng!

Trên giường bệnh Khoa Nhiễm A, ông P.C.K (40 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm với hơi thở khá yếu ớt. Ông K. tâm sự mình có thâm niên uống rượu kha khá, uống từ lúc 17 - 18 tuổi. “Hồi đó làm lơ xe, xe đến bãi là anh em rủ nhau làm vài xị, nhưng khi có mồi “thơm” thì “quất” tới bến. Hơn 10 năm về trước, khi lên làm tài xế xe khách, xe về bến hay xe hư thì lại có thời gian để nhậu, có khi uống đến cả lít rượu”, ông kể.

Một năm qua, ông phải nghỉ chạy xe vì viêm khớp và bệnh xơ gan hành hạ, cơ thể suy kiệt, mắt mờ. Ông chia sẻ: “Có mấy thằng bạn tài xế trên 40 tuổi đã chết rồi, do bệnh gan”.

Theo bác sĩ Hồ Tấn Phát, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân mà ông gặp phải ở BV khá ngoan cố, hứa bỏ bia rượu cho có, chứ xuất viện là thế nào cũng uống. Ông kể bệnh nhân vào viện thì ói ra máu, vàng da, vàng mắt, tình trạng thập tử nhất sinh, điều trị xong, thề thốt không uống bia rượu nữa.

Nhưng khi xuất viện về nhà thì lại tiếp tục uống. Có trường hợp bị xơ gan vào Khoa Nội tiêu hóa một năm 4 lần, mỗi lần bệnh ổn định thì về nhà làm tiệc nhậu ăn mừng, rồi lại uống bia rượu tiếp. Nhưng đến lần thứ tư, bệnh nhân bị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, xuất huyết và cứu không được.

 
Rượu bia tàn phá giới trẻ

Theo các bác sĩ, tại các khoa bệnh chuyên điều trị về gan, có rất nhiều doanh nhân, trí thức đang hằng ngày vật vã với xơ gan, viêm gan, viêm tụy do uống quá nhiều bia rượu... TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho rằng trước đây số người bị ngộ độc rượu chủ yếu là từ trung niên trở nên. Còn 10 năm trở lại đây, tuổi đời bệnh nhân rất trẻ, 14 - 15 tuổi đã ngộ độc rượu, 30 tuổi đã bị xơ gan.

Ông Hùng cho rằng nếu trẻ hóa độ tuổi uống rượu sẽ dẫn đến trẻ hóa đối tượng người mắc bệnh lý mãn tính về sau là xơ gan. Điều này dẫn đến tiêu tốn tiền bạc xã hội rất lớn và công sức chăm sóc của gia đình.

Bác sĩ Hồ Tấn Phát khuyến cáo: Đã có bệnh lý về gan, các bệnh mãn tính, viêm tụy cấp, lở loét tá tràng thì không nên uống bia rượu. Người bình thường uống một lon bia/ngày, rượu mạnh thì 40 - 50 ml và rượu vang thì khoảng 120 ml là tốt cho sức khỏe.

Tác giả bài viết: Duy Tính

Nguồn tin: