Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quảng Bình: Kỳ lạ tục ‘giỗ sống’ cha mẹ để báo hiếu

Trong bữa cơm báo hiếu, ngoài món ăn truyền thống còn có những món cha mẹ thích ăn hằng ngày.

Hằng năm, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch cho đến khoảng 25 tháng Chạp, người Nguồn ở Minh Hóa (dân tộc thiểu số ở Quảng Bình) lại rộn ràng với cái Tết đặc biệt. Đó là Tết báo hiếu mà người Nguồn gọi là “Pơng cộ Tết” (bưng cỗ Tết) hay còn gọi là tục “giỗ sống” để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành. 

Bà Đinh Thị Hựu (SN 1953) ở tiểu khu 6, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa có 7 người con đều đã lập gia đình, cả ở gần và xa. Khoảng đầu tháng Chạp, các con bà Hựu bắt đầu lên kế hoạch họp lại một bữa, làm cơm dâng lên cha mẹ và ông bà.

Theo anh Đinh Xuân Vương (SN 1986) con trai thứ 5 của bà Hựu, mâm cơm báo hiếu không đòi hỏi nhiều ít hay cao lương mỹ vị mà quan trong là tình cảm của con cháu giành cho ông bà, cha mẹ.
 
gio song cha me
Chị Đinh Thuý Nga đang nấu món lóng hầm xương mà mẹ chị thích ăn.

Ngoài những món ăn truyền thống của người Nguồn trong bữa cơm như bánh chưng, cá khe, rau tớn xào tôm, gà... các con còn làm những món mà cha mẹ thích ăn nhất.

Vừa đổ nước vào nồi lóng, chị Đinh Thị Thúy Nga (SN 1988), con gái bà Hựu cho biết: “Lóng hầm xương là món mà mẹ tôi rất thích. Món này được nấu từ ruột cây chuối rừng bằm nhỏ hầm với xương heo và gia vị. Thời gian hầm càng lâu càng ngon. Hôm nay tôi và các chị dâu đi chợ sớm, tìm mua được cây chuối rừng ngon nên nấu để dâng lên mẹ.

Sau khi chuẩn bị xong, chúng tôi sẽ bày riêng ra một mâm để mẹ bưng sang mời ông ngoại và một mâm đặt lên bàn thờ cho ba. Thắp hương cúng ba xong, con cháu mới bày mâm để mời mẹ và các bác”.
 
gio song cha me 1
Bà Hựu mang cỗ tới nhà bố đẻ

Bữa cơm được dọn ra, các con, cháu lần lượt dành những lời cầu chúc cho bố mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi để hưởng phúc vui cùng con cháu. Nếu có ai phạm phải những điều làm ông bà cha mẹ buồn lòng trong năm qua thì đây cũng là dịp nói lời sám hối.

Đáp lại tình cảm của con cái, bậc sinh thành sẽ dặn dò, cầu chúc con cháu những điều tốt đẹp nhất.

Phong tục đẹp được gìn giữ

Trước đây, trong nhà có bao nhiêu người con có gia đình riêng thì sẽ có ngần ấy mâm cơm dâng lên báo hiếu cha mẹ. Để không làm trùng nhau, các con phải họp bàn từ trước. Ngày nay, để tiện cho công tác của các con nên bữa cơm báo hiếu thường được các gia đình làm chung một lần.

Ông Đinh Thanh Dự, một người chuyên nghiên cứu văn hoá ở huyện Minh Hoá kể về tục lệ này:

"Là người dân Minh Hoá thì dù giàu hay nghèo, mỗi dịp cuối năm đều phải tự tay làm một bữa cơm bưng đến nhà bố mẹ để tỏ lòng hiếu thảo.

Không ai biết tục lệ này có từ bao giờ, người già trong làng kể rằng, ngày xưa ở đây rất nghèo. Có một người lên rừng đặt bẫy đơm được con lợn to, đem về chọn những miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm thổi từ lúa rẫy mới. 
 
gio song cha me 2
Bữa cơm, cũng là mâm cỗ giỗ sống của bố bà Hựu.

Năm sau vào gần dịp Tết Nguyên đán, nhớ lại bữa cơm đầm ấm năm qua, mẹ già bệnh nặng buột miệng thở dài: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”. Vợ anh nghe được bèn kể lại cho chồng, hai vợ chồng thương mẹ nên lấy thóc giống còn lại đem giã gạo thổi cơm. 

Anh chồng đi câu cá ngoài suối, còn con gà cuối cùng đang đẻ cũng làm thịt nấu cho mẹ ăn. Lạ thay, mẹ anh dần dần khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại. Năm sau đó, cây lúa trên rẫy lại tốt tươi, mẹ anh lại vui vẻ bên đàn cháu. Dân làng nói, nhờ có người con hiếu thảo như anh nên được trời đất phù hộ cho dân bản được mùa. Tục ấy từ đó truyền lại đến ngày nay.

Dù ông bà, cha mẹ không đòi hỏi, nhưng bổn phận con cái khi đã có cửa nhà riêng, đã làm chủ được cuộc sống thì không thể bỏ qua lệ này. Nếu không lo nổi bữa cơm tươm tất theo tục “giỗ sống” thì cả làng sẽ chê cười, năm mới lộc tài sẽ chẳng ghé nhà”.

Ngày nay, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng mâm cơm báo hiếu vẫn còn nguyên giá trị văn hóa. Dù đi đâu về đâu, người Nguồn cũng luôn nhớ và thực hiện phong tục tốt đẹp này.

Hiện phong tục này đã vượt ra khỏi làng bản và lan truyền mạnh mẽ sang các nơi khác, nhiều tộc người ở Minh Hóa và cả người Kinh trên địa bàn cũng đã học theo phong tục hiếu đạo rất ý nghĩa này.

Tác giả bài viết: Hải Sâm

Nguồn tin: