Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh: “Người đi cùng dân gian!”

Nhà nghiên cứu Văn hóa Thái Kim Đỉnh không còn nữa! Tính đến nay, ông đã đi bộ gần thế kỷ, suốt cuộc đời, dọc quá khứ của xứ sở ông, qua những hiện thực ngổn ngang những vui sướng, khổ đau. Và dưới tất cả những cái đó, lặng lẽ một dòng Di sản văn hóa Thái Kim Đỉnh miệt mài chảy, lặng lẽ một tình yêu người anh em, tình yêu quê hương, đất nước, lặng lẽ một cuộc kiếm tìm những giá trị truyền thống, không ngưng nghỉ, nguôi ngoai những suy ngẫm sâu xa về lẽ đời, nẻo người.
Nhà văn Đức Ban, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh vừa gửi tới Dân trí bài viết về người Thầy, cộng sự, cũng là người bạn chí cốt - nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại cây đại thụ của văn hóa xứ Nghệ- vừa từ giã cõi trần vào sáng nay, ngày mùng 4/2.
 
nha van duc ban
Nhà văn Đức Ban (người ngồi, cũng là tác giả) và Nhà nghiên cứu Thái Kịm Đỉnh trong một hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Hà Tĩnh.

Ông Thái Kim Đỉnh sinh ngày 20/10/1926 tại làng Tường Xa, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1946, 20 tuổi, ông gia nhập Đảng Cộng sản, làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, tham gia Ủy ban khởi nghĩa, Ủỷ ban kháng chiến xã. Năm 1947 người thanh niên trẻ tuổi lên Phòng Tuyên truyền, huyện Đức Thọ. Từ ấy, Thái Kim Đỉnh làm đủ việc: Ban liên lạc Bắc Trung bộ, Bưu điện Liên khu 4, Công đoàn, Thanh niên Việt Nam huyện, Hội đồng cung cấp Trung Lào, Công trường Đê La Giang, cán bộ Ty tuyên truyền...

Không nề hà khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, ông thực thụ là một công chức mẫn cán, một Đảng viên gương mẫu. Cũng trong thời gian này, ông đã sớm nhận ra năng khiếu văn chương, năng lực nghiên cứu văn hóa dân gian của mình. Và như một định mệnh, ngoài công việc được Đảng phân công, cơ quan giao phó, ông gom nhặt tri thức dân gian đang giấu mình trong sách vở, trong đời sống bình dân nơi thôn dã, kể cả của nả tinh thần thiên hạ để rơi rụng chỗ này, bỏ quên chỗ kia.

Năm 1958, Thái Kim Đỉnh đặt chân vào giới văn nghệ với cái chức tổ trưởng Tổ sáng tác Văn nghệ của Ty Thông tin, thực thi đầy đủ nghĩa vụ của một viên chức Biên tập, xuất bản. Năm 1970 ông trở thành Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, giữ chức Trưởng tiểu ban Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh. Trách nhiệm, công việc của những yêu thương, những say mê và những giấc mơ Người nghiên cứu Văn hóa, Văn nghệ dân gian. Ông trở thành học trò, thành bạn bè của những con người nhiệt tâm, uyên bác thâm nho như Nguyễn Đổng Chi, Trịnh Xuân An, Xuân Tửu, Hồ Tôn Trinh, Hoàng Nguyên Kỳ, Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao, Thanh Minh, Võ Hồng Huy…
 
Khi còn trẻ nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh (ngoài cùng bên phải) kinh qua nhiều vị trí: Ban liên lạc Bắc Trung bộ, Bưu điện Liên khu 4, Công đoàn, Thanh niên Việt Nam huyện, Hội đồng cung cấp Trung Lào, Công trường Đê La Giang, cán bộ Ty tuyên truyền... (ảnh tư liệu)

Là học trò của dân gian, sớm có sự cẩn trọng, sâu sắc của nhà nghiên cứu, sự đa cảm của một nghệ sỹ, được trời ban cho trí nhớ tuyệt vời, ông đã dựng dậy các Lễ hội, kể lại những gì cha ông đã kể từ thuở khai thiên tịch, khảm khắc lại những gì cha ông đã xây đắp trên mặt đất đầy biến động suốt hàng ngàn năm. Ông miêu tả môi trường diễn xướng các làn điệu dân ca cổ truyền rồi thức chúng dậy bằng ngôn từ thấm đẫm phong vị dân gian. Những Ca trù Cổ Đạm, Ví Phường vải Trường Lưu, Hát Giặm Thạch Hà, Ví Sông Lam, Ví Sông La, Sắc bùa Kỳ Anh, Hò Thạch Khê… Và rồi chính chúng trở lại dạy ông, cảm hóa ông, chung sống với ông...

Từ năm 1970 mãi về sau này, ông liên tục có công trình, tác phẩm Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, địa chí, lịch sử, dịch thuật, văn học… Bắt đầu từ tập Truyện dân gian: Cá gáy hóa rồng in năm 1972, đến Thơ- Văn Thanh Minh (Sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu) in năm 2014, ông đã cho ra mắt bạn đọc 82 tác phẩm in riêng, chủ biên, in chung, soạn chung và 14 tác phẩm chép tay hoặc đánh máy vi tính xếp trên tủ gỗ cạnh bàn làm việc.

Đầu năm 2015, Tỉnh ủy, HHĐND, UBND tỉnh quyết định xuất bản Tuyển tập Thái Kim Đỉnh. Cho đến nay tuyển tập đã xuất bản 3 tập: Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Thơ văn quanh Truyên Kiều, Năm thế kỷ Văn Nôm người nghệ với hơn 2.200 trang.

Nhọc nhằn lắm mới làm ra một khối lượng chữ lớn như thế. Ông là con người của công việc, của những quan tâm đến mê đắm, của những phụng thờ linh thiêng các giá trị văn hóa truyền thống được cha ông tái tạo, gìn giữ chuyển tiếp dọc quá khứ của dân tộc. Di sản văn hóa và những gì mang bản chất của văn hóa đã cho ông nghị lực và khát vọng sống. Ông mang vẻ đẹp của di sản trong lòng để đi, đọc, xem, suy ngẫm, hình dung, tưởng tượng, ghi chép…

Tính đến nay, ông đã đi bộ gần thế kỷ, suốt cuộc đời, dọc quá khứ của xứ sở ông, qua những hiện thực ngổn ngang những vui sướng, khổ đau. Và dưới tất cả những cái đó, lặng lẽ một dòng Di sản văn hóa Thái Kim Đỉnh miệt mài chảy, lặng lẽ một tình yêu người anh em, tình yêu quê hương, đất nước, lặng lẽ một cuộc kiếm tìm những giá trị truyền thống, không ngưng nghỉ, nguôi ngoai những suy ngẫm sâu sa về lẽ đời, nẻo người.

Với công việc, ông nêu một tấm gương sáng về đức kiên trung, tinh thần tự học, năng lực làm việc không mệt mỏi.

Với bạn bè văn hóa văn nghệ ông là thấy, là bạn, là học trò tình sâu nghĩa nặng

Với gia đình ông là người chồng thủy chung, sâu nặng yêu thương, người ông, người cha mẫu mực về lối sống giản dị, tính khiêm nhường, đạo lý là tối thượng trong sinh hoạt, trong đối nhân xử thế.

Ông đã trọn 92 năm tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng, từng đảm đương công việc Phó Trưởng phòng Văn nghệ Ty văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tĩnh những năm 1969 đến 1976, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh từ năm 1976 đến 1987. Gần một thế kỷ ông đã phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng cao đẹp mà ông đã chọn, đã thủy chung hết mực với lý tưởng ấy.
 
nha nghien cuu thai kim dinh
Trái tim nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đã ngưng đập ở tuổi 92.

Ngày 1 tháng 1 vừa rồi, cách hôm ông bỏ chúng ta ra đi đúng 8 ngày, như linh cảm sắp phải chia tay cõi trần gian này, ông đã viết một bài thơ đề: Thơ viết vào ngày 01-01-2017:

Thế là ta đã chọn hôm nay

Trời thả rông ta mãi đến rày

Bữa một lưng ăn còn khoái miệng

Ngày vài trang viết vẫn chuyên tay

Bài nhài bệnh quấy, ngơ không biết

Rối rắm đời hành giả chẳng hay

Trăm tuổi- trăm năm còn chín nữa

Thênh thang tháng tháng lại ngày ngày.


Thưa chị Miên (người vợ hiền từ của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh) và các cháu thân mến! Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh mất đi là một khoảng trống to lớn của gia đình, nhưng những gì ông để lại cho cuộc đời này là vô cùng quý báu, xứng đang cho niềm tự hào cho gia đình, họ tộc. Mong chị và các cháu bình tâm giữ gìn sức khỏe để ông thênh thang về cõi vĩnh hằng.

Xin thắp nén hương thơm tưởng nhớ Nhà nghiên cứu văn hóa, người đồng chí, đồng nghiệp, người bạn tình sâu, nghĩa nặng của chúng ta để ông thanh thản yên nghĩ trong sự tiếc thương vô hạn và sự trân trọng vô cùng của tất cả chúng ta.

Xin vĩnh biệt !
 

Tác giả bài viết: Nhà văn Đức Ban

Nguồn tin: