Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quốc hội vất vả 'chữa cháy' hệ lụy ngoại giao Trump gây ra

Tổng thống Trump chỉ mới nhậm chức hai tuần nhưng các thượng nghị sĩ liên tục bận rộn với những cuộc điện thoại để trấn an nhiều đồng minh quan trọng rằng Mỹ vẫn là bạn của họ.
Một số nghị sĩ có tiếng đang chuẩn bị cho các chuyến công du nước ngoài. Đây là công việc thường xuyên của thành viên quốc hội. Nhưng lần này, họ không tiếp bước Tổng thống Trump mà với nhiệm vụ trấn an những lãnh đạo nước ngoài.

Một số nghị sĩ đang soạn thảo dự luật nhằm kiềm hãm Nga trong khi chính quyền Trump tỏ rõ muốn cải thiện quan hệ. Mặt khác, họ cũng cố gắng phân biệt ngụ ý từ các chính sách từ Nhà Trắng khi yêu cầu Nga rời khỏi Crimea, Israel phải ngưng việc xây dựng các khu tái định cư và Iran phải chịu trừng phạt vì phóng tên lửa đạn đạo.

"Quốc hội phải thể hiện sự chủ động nhiều hơn, một cách bất thường, trong chính sách đối ngoại", Thượng nghị sĩ Ben Cardin, nói.
 
Tổng thống Mexico hủy chuyến thăm Mỹ theo dự kiến ngay sau khi Trump kiên quyết đòi xây tường biên giới. Ảnh: AP.
 
Nghị sĩ sửa chữa 'bê bối' của tổng thống

Ông Cardin, thành viên cấp cao nhất của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết: "Điều này là nhằm cố gắng và hướng chính quyền của Tổng thống Trump đi theo hướng ủng hộ những giá trị truyền thống của Mỹ ở nước ngoài và khắc phục những tổn hại mà ông ta gây ra. Đây là việc làm cần thiết và cần sự phối hợp lưỡng đảng".

Như để minh chứng, nghị sĩ Cardin nói sẽ sớm đến thăm Mexico "để sửa chữa một số điều trong mối quan hệ".

Trước đó, ông Cardin và Thượng nghị sĩ Bob Corker đã cùng gặp Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Quốc vương Jordan Abdullah 2. Họ nhận ra những quan ngại lớn từ các đồng minh. "Quốc vương nói rõ rằng những chính sách gần đây tạo ra hiệu ứng", ông Corker cho biết.

Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, giữa tuần này bất ngờ ra thông báo cho biết ông đã gọi điện cho đại sứ Australia tại Mỹ Joe Hockey.

"Tôi đã tái khẳng định sự ủng hộ không thay đổi đối với mối liên minh Mỹ - Australia", ông McCain cho biết.

Cuộc gọi trấn an này diễn ra sau khi Tổng thống Trump gọi điện cho Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull để trao đổi về thỏa thuận trao đổi người tị nạn. Tại đây, các nguồn tin cho biết ông Trump đã nạt nộ cả Thủ tướng Turnbull rồi sau đó dập máy.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng góp sức cùng ông McCain. "Thủ tướng Turnbull từng đến thăm văn phòng của tôi vài tháng trước. Ông ấy là một đồng minh rất quan trọng. Australia là đồng minh ở vai trò trung tâm và điều này sẽ vẫn tiếp tục".
 
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tiếp thủ tướng Australia hồi tháng 9/2016. Ảnh: NYT.
 
Lưỡng đảng kết hợp ngăn Tổng thống Trump 'phá' quan hệ đồng minh

Đến nay ông Trump đã có nhiều chính sách đi ngược lại quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa, từ thương mại đến nhập cư và cải cách thuế. Nhưng nhiều nghị sĩ đang tỏ ra thuận theo các quyết định này.

Nhưng trong vấn đề về quan hệ đối ngoại, đặc biệt khi Trump động đến những đồng minh lâu đời như Australia thì các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đều có chung sự bất bình.

Họ không hài lòng với những tuyên bố của Trump về ủng hộ tra tấn. Họ lo ngại khi Trump chỉ trích chính phủ Iran trên Twitter. Mạng xã hội này dường như là công cụ yêu thích của tổng thống trong những lần đối đầu với nước ngoài.

Những nhà lập pháp cố gắng "dập" các tuyên bố của ông Trump như NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã lỗi thời, hoặc cú điện thoại với thủ tướng Australia tiếp tục là bê bối mới nhất".

"Tổng thống nói rằng 'Đặt nước Mỹ lên trước tiên'. Tôi đồng ý điều này nhưng chúng ta vẫn còn nhiều đồng minh quan trọng trên thế giới", Thượng nghị sĩ John Cornyn nói.
 
Các nghị sĩ tranh thủ trấn an thủ tướng Anh trước khi bà đến gặp ông Trump. Ảnh: AP.
 
Trước khi Thủ tướng Anh Theresa May đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Trump, bà ghé qua Philadelphia để họp cùng với các hạ nghị sĩ Cộng hòa. Tại đây, những nghị sĩ đã khẳng định thông điệp quan trọng về cam kết của Mỹ với NATO.

Quan điểm của ông Trump về Nga cũng là yếu tố kết nối nhiều thành viên trong quốc hội. Họ lo lắng khi tổng thống liên tục khẳng định Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ bất chấp nhiều bằng chứng rõ ràng của các cơ quan tình báo. Tổng thống Trump cũng nhiều lần ám chỉ rằng chính quyền của ông sẵn sàng dỡ bỏ cấm vận với Nga.

Những thượng nghị sĩ như Ben Cardin và Chuck Schumer (Dân chủ), Lindsey Graham và John McCain (Cộng hòa), đang phối hợp xây dựng dự luật nhằm yêu cầu Trump phải được quốc hội cho phép nếu muốn bãi bỏ lệnh trừng phạt với Moscow.

Trong khi đó, ông Graham và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân chủ) cho biết sẽ tiến hành điều tra nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào bầu cử Mỹ, bao gồm tất cả các hành động diễn ra trong lòng Mỹ và từ xa.

Mới đây nhất, sắc lệnh hành pháp về cấm nhập cư và cấm người tị nạn Syria của Trump khiến hàng loạt nghị sĩ đảng Dân chủ và một số lượng đáng kể nghị sĩ Cộng hòa lên tiếng chỉ trích ở Thượng viện.

Tuy nhiên, việc quốc hội nỗ lực kiểm soát các bước đi sai lầm và chính sách khiêu khích của Trump cũng gặp hạn chế. "Quốc hội không thể vận hành một chính sách đối ngoại song song. Đó là đặc quyền của nhánh hành pháp", ông Martin Indyk, phó chủ tịch điều hành Viện Brookings, nói.

Theo Indyk, "bất hòa giữa chính phủ của Trump và chính quyền Mexico chỉ có thể giải quyết trực tiếp giữa đôi bên. Các nghị sĩ có thể góp phần xoa dịu căng thẳng, nhưng họ không phải nguồn gốc bê bối nên không thể sửa chữa nó".

Tác giả bài viết: Minh Anh / Theo New York Times

Nguồn tin: