Hệ thống công nghệ của Vietcombank quá lỗi thời: 16 năm không tính đủ lãi cho khách hàng
- 07:01 04-02-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong báo cáo mới được công bố ngày 20.1.2017, Kiểm toán Nhà nước đã vạch ra nhiều vấn đề của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN (Vietcombank). Trong đó đáng chú ý là việc không trả đủ lãi tiền gửi cho khách hàng trong suốt 16 năm và các hạn chế trong hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng này.
16 năm không trả đủ lãi cho khách
Báo cáo kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 chỉ rõ Vietcombank cài đặt tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn chưa phù hợp quy định “các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn sẽ được tự động trả lãi định kỳ ngày 25 hằng tháng không phân biệt ngày nghỉ, lễ. Mức lãi tối thiểu được trả cho khách hàng là 1.000 đồng và 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với ngoại tệ khác”.
Điều này dẫn tới việc từ năm 2001 đến nay (16 năm), các khoản lãi phát sinh hằng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm tính và hạch toán đầy đủ.
Trong đó, chỉ trong năm 2015, tiền lãi phát sinh hằng tháng của các tài khoản gửi không kỳ hạn chưa được Vietcombank chi trả cho khách hàng gần 10 tỉ đồng và hiện nay không thể xác định số lãi phải trả do hệ thống không lưu trữ được trọn vẹn thông tin chi tiết. Mặt khác, nhiều tài khoản đã tất toán các năm trước, việc xác định đúng tên đối tượng khách hàng theo từng tài khoản để chi trả thực tế rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số hạn chế về công nghệ trong hệ thống công nghệ thông tin của Vietcombank như chưa cụ thể hoá quy trình đánh giá rủi ro chi tiết để đảm bảo đánh giá tính hiệu quả hệ thống CNTT; một số phần mềm được mua từ các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đánh giá rủi ro hiện tại, chưa được bảo trì và nâng cấp phần mềm từ đơn vị tư vấn và nhà cung cấp kể từ khi sử dụng. Một số phần mềm chưa thực hiện rà soát và cập nhật, chỉnh sửa kết nối kịp thời.
Nguyên nhân của những hạn chế này được kiểm toán đưa ra là do hệ thống phần mềm của VCB bao gồm hệ thống lõi mua của nước ngoài từ năm 1998 và một số phần mềm do VCB tự phát triển và hầu hết hệ thống lõi mua của nhà thầu nước ngoài không bao gồm gói nâng cấp bảo trì, hồ sơ thiết kế nhà thầu nắm giữ nên việc quản lý hồ sơ thiết kế phần mềm, đánh giá và nâng cấp phụ thuộc vào nước ngoài, không thực hiện được.
Từ những tồn tại trên, Kiểm toán Nhà nước đưa ra nhiều kiến nghị như Vietcombank thực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng phát sinh năm 2015, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo quy định; đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi hệ thống phần mềm corebanking, đảm bảo thực hiện khắc phục các hạn chế của hệ thống các phần mềm ứng dụng nghiệp vụ trong việc kết nối, khai thác, xử lý, kiểm soát thông tin liên quan đến hệ thống corebanking được thuận lợi…
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Vietcombank, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhận định với ngân hàng này nền tảng công nghệ thông tin là vấn đề quan trọng đáng lưu ý. Hệ thống công nghệ tin học của Vietcombank trong năm qua xảy ra tình huống đáng tiếc, đây là bài học kinh nghiệm không nên lặp lại.
Corebanking của Vietcombank lỗi thời
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết rất ngạc nhiên khi một ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam như Vietcombank mà không tính lãi cho khách hàng trong một thời gian dài. Thậm chí lỗi này không phải do Vietcombank tự phát hiện mà lại do kiểm toán phát hiện.
“Vấn đề không tính lãi cho tài khoản dưới 1.000 đồng cũng không cần có công nghệ thông tin gì lớn lao nhưng hình như có sai sót trong xử lý, áp dụng công nghệ và là lỗi cơ bản. Tôi không nghĩ cần công nghệ quá tân tiến và tối tân để làm việc đó. Vietcombank cần xem lại các vấn đề cơ bản của Corebanking”, chuyên gia này cho biết.
Nếu cho đến giờ này, kết quả kiểm toán là chính xác, và kết quả này được Vietcombank công nhận thì đây là điều mà tất cả các NH cần phải xem lại hệ thống công nghệ thông tin. Trong trường hợp nếu kết quả kiểm toán đúng thì hệ thống corebanking của VN quá lỗi thời, cần được cải tiến. Với tham vọng của Vietcombank muốn tiến lên trở thành NH hàng đầu trong khu vực thì đây là điều cần xét lại. Công nghệ thông tin là vấn đề hàng đầu của ngành ngân hàng cũng như các ngành kinh tế.
Tối 3.2, đại diện Vietcombank đã phát đi thông báo trả lời về vấn đề trên. Trong đó, liên quan đến thông tin việc trả lãi tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng theo báo cáo kiểm toán CNTT, Vietcombank khẳng định không có động cơ vụ lợi. Đại diện Vietcombank cho biết trong hệ thống phần mềm mua của đối tác nước ngoài có cấu phần quản lý tài khoản tiền gửi không kỳ hạn,trong đó có cài đặt sẵn tham số để mặc định đối với các tài khoản không kỳ hạn có mức lãi tiền gửi cộng dồn trong 1 tháng có giá trị nhỏ hơn 0,1USD hoặc tương đương thì hệ thống tự động làm tròn xuống. Trên thực tế, đa phần các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi hằng tháng cộng dồn chỉ khoảng vài chục đồng/tháng.
Theo thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam, một số ngân hàng thực hiện thu phí quản lý tài khoản đối với những tài khoản có số dư thấp nhằm bù đắp những chi phí quản lý. Đối với Vietcombank, đến nay, ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc thu phí quản lý tài khoản kể cả đối với các tài khoản có số dư thấp. Hiện nay, Vietcombank đã thực hiện nâng cấp hệ thống và đã giải quyết được vấn đề liên quan đến tham số nêu trên đồng thời đã thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Liên quan đến thông tin đăng tải về hệ thống của Vietcombank lạc hậu (mua từ năm 1998), Vietcombank cho biết: Thực tế, hằng năm hệ thống CNTT của Vietcombank luôn được nâng cấp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và yêu cầu hoạt động kinh doanh cũng như quản trị nội bộ của Vietcombank. Hiện tại, Vietcombank đang tập trung đầu tư nâng cấp và triển khai nhiều dự án công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai theo chiến lược của ngân hàng cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tác giả bài viết: MAI HOA - KHÁNH HÒA
Nguồn tin: