Tết xuyên biển của thuyền trưởng tàu SAR 412
- 20:29 28-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều ngư dân miền Trung không hề xa lạ với cái tên thuyền trưởng Phan Xuân Sơn (SN 1958). Ông là thủ lĩnh của tàu SAR 412 thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC). Năm 2005, ông Sơn nhận nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu SAR 412 với sứ mệnh cao cả, sẵn sàng cứu nạn cứu hộ cho ngư dân.
Đam mê biển cả
Vốn có niềm đam mê đặc biệt với biển cả, từ khi ngồi trên ghế phổ thông ở quê nhà TP Vinh, tỉnh Nghệ An, ông Sơn đã quyết tâm thi vào trường ĐH Hàng Hải Hải Phòng để hiện thực ước mơ thành thủy thủ. Vào 1984, sau khi tốt nghiệp ĐH, ông Sơn khi ấy mới 26 tuổi đã bắt đầu nghiệp thủy thủ trên tàu Sông Lam của Công ty Vận tải sông biển Nghệ An. Đến 1993, ông Sơn phải lòng vợ là bà Trần Thị Mỹ Duyên ở Đà Nẵng nên quyết định rời Nghệ An về Quảng Ngãi làm thuyền phó tàu Long Xuyên. Từ đó, dù có vợ nhưng ông thường xuyên lênh đênh trên biển hàng tháng trời để vận tải hàng đi khắp năm châu bốn bể.
Năm 2005, ông Sơn nhận lệnh tiếp quản tàu SAR 412 là tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam do Công ty Damen (Hà Lan) sản xuất. Sứ mệnh cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân đặt trên vai của vị thuyền trưởng từ đó cho đến tận bây giờ.
Kể từ ngày nhận tàu SAR 412, ông Sơn chưa bao giờ có cái Tết trọn vẹn, sum họp với vợ con bởi công việc lúc nào cũng cần ông sẵn sàng lên đường ra biển. Ông Sơn cho rằng dù áp lực hơn nhiều so với khi làm thuyền trưởng tàu viễn dương nhưng mỗi chuyến cứu nạn thành công đều in đậm dấu ấn khó quên trong cuộc đời làm thuyền trưởng.
Những ngày giáp Tết, ông Sơn cùng các thủy thủ trên tàu trang trí lại không gian bên trong và chuẩn bị các mâm cỗ sẵn sàng đón giao thừa trên tàu. “Dù không được ăn Tết với gia đình, tôi và các anh em vẫn có đêm giao thừa ấm cúng trên tàu SAR. Vừa ăn Tết vừa làm nhiệm vụ là chuyện thường ngày bởi 12 năm qua, giao thừa của tôi đều ở trên tàu SAR 412” – thuyền trưởng Sơn trải lòng.
Theo vị thuyền trưởng này, công việc thuyền trưởng tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức vất vả và gánh nhiều trách nhiệm. Tàu SAR là loại tàu có công suất thấp nên cứ gặp sóng gió là anh em trên tàu lại như đánh vật. Thủy thủ lẫn thuyền trưởng của tàu đều phải trực chiến trên tàu bởi cứ nhận tin báo là sau 15 phút tàu phải xuất phát để kịp cứu nạn. “Muốn tiếp bạn bè hay dẫn gia đình đi đâu xa một tí cũng không được bởi sau 15 phút nhận lệnh là thuyền trưởng cùng các thủy thủ phải sẵn sàng trên tàu để ra khơi” – Ông Sơn tâm sự.
Kỷ niệm khó quên
12 năm làm thủ lĩnh tàu SAR, với thuyền trưởng Sơn, mỗi chuyến cứu nạn đều là một kỷ niệm nhớ đời. Ở các chuyến tàu đó, có cả những kỷ niệm vui và những kỷ niệm chan đầy nước mắt. Những chuyến cứu nạn mà dù có tinh thần thép, thuyền trưởng Sơn cũng phải rưng rưng nước mắt vì xót thương.
Thuyền trưởng Sơn nhớ như in chuyến cứu nạn trong cơn bão Chan Chu xảy ra năm 2006 làm hàng trăm ngư dân tử nạn. Đó là những ngày đầu ông Sơn nhận nhiệm vụ làm thuyền trưởng SAR 412. “Có lẽ tôi không bao giờ quên những ngày đau buồn đó. Bởi chuyến cứu nạn lần đó gần như chan đầy nước mắt. Ngư dân còn sống khi thấy bóng dáng tàu cứu nạn không còn đủ sức để mừng vui như các lần khác mà họ vỡ òa trong nước mắt bởi quá nhiều đồng nghiệp đã tử vong. Chúng tôi ai nấy dù đau xót nhưng vẫn cố gắng kìm nén làm nhiệm vụ” – Thuyền trưởng Sơn bộc bạch.
Ngoài các chuyến cứu nạn tang thương, tàu SAR 412 còn là cứu tinh của ngư dân miền Trung trên biển. Mỗi lần tàu gặp sự cố như chết máy, bị đâm thủng… thì tàu SAR 412 xuất hiện. “Khi thấy chúng tôi, ngư dân không giấu nổi sự vui mừng. Biển cả mênh mông, nếu không có tàu cứu nạn không biết các ngư dân ấy sẽ về đâu. Với chúng tôi, đó là những chuyến cứu hộ mong muốn nhất” – Thuyền trưởng Sơn trải lòng.
Ông Sơn luôn tâm niệm tính mạng của ngư dân đặt lên hàng đầu và nhiệm vụ của tàu SAR là bảo vệ cho sự an toàn của ngư dân dù bất cứ giá nào. Chính vì thế, ngoài bản lĩnh can trường, sự nhiệt huyết của người làm thuyền trưởng, ông Sơn còn rèn cho mình cả bản tính cẩn trọng trong từng lời nói, hành động để ứng phó với các sự cố trên biển.
Dù đối mặt với bao hiểm nguy, vất vả nhưng ông Sơn luôn tự hào bởi mình là thủy lĩnh của một con tàu là điểm tựa vững chắc của ngư dân. Chưa bao giờ thuyền trưởng Sơn có ý nghĩ sẽ xa rời tàu SAR bởi con tàu đã là một phần máu thịt của ông. “Đêm nào ngủ trên bờ y như rằng đêm đó tôi không ngon giấc bởi… nhớ tàu. Giao thừa năm nay cũng như mọi năm thôi, làm thuyền trưởng phải xuyên Tết trên tàu chứ không thể lên bờ được” – Ông Sơn chia sẻ.
Tác giả bài viết: BÍCH VÂN
Nguồn tin: