Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chung tay lo Tết cho học trò

Không chỉ tổ chức Tết sớm cho trò, giúp các em cảm nhận được không khí ngày Tết cổ truyền, nhiều nhà trường ở Nghệ An còn trích quỹ tặng quà cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn khi năm mới đang đến gần.

 Điều quan trọng là những hoạt động tham gia chuẩn bị Tết đã khiến HS hào hứng đền trường trong những ngày cận Tết, góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ học trong những ngày này, nhất là ở những địa phương vùng cao.

Thi gói bánh, ăn cơm tất niên tại trường

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang đến gần, Trường PTDTNT THCS Tương Dương đã tổ chức cuộc thi gói bánh chưng, bánh tét và các loại bánh cổ truyền của đồng bào dân tộc cho tất cả các em HS. Những chiếc lá dong, nếp, đỗ được thầy trò đưa từ bản làng nơi mình sinh sống đến “đóng góp”, nhà trường hỗ trợ mua thêm thịt, các loại gia vị để làm nhân bánh.

Cuộc thi đã trở thành một ngày hội xuân thực sự của hơn 300 HS dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú của trường. Các em được tự tay chuẩn bị và thực hiện tất cả các khâu làm bánh như: Rửa lá, ngâm nếp, đỗ, chẻ lạt làm dây, gói bánh… Nhiều em tuy mới học lớp 6, lớp 7 nhưng đã tỏ ra khá thành thạo khi làm những loại bánh truyền thống của dân tộc mình như bánh gio, bánh ú, bánh sừng trâu… Tuy nhiên bánh chưng và bánh tét thì to hơn, nên phải nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô giáo và phụ huynh, để có thể buộc chặt bánh, hoặc “rơi” nhân ra bên ngoài.

Sau khi hoàn thành xong, những chiếc bánh được cho vào nồi, bắc lên bếp lửa và nấu. Không chỉ HS, mà các thầy cô giáo cũng ngồi trực xung quanh nồi bánh, hồi hộp chờ đợi cho đến khi “sản phẩm” bắt đầu dậy mùi thơm ngào ngạt. Bánh chín, các em đưa về lớp của mình để trưng bày và chờ Ban giám khảo chấm. Sau khi chấm xong thì các em được tổ chức ăn “tất niên” luôn tại trường.

Thầy Bùi Văn Chiến - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Tổ chức cuộc thi chỉ là một hình thức để tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho cả thầy và trò, để các em cảm thấy ấm cúng như đang đón Tết ở nhà. Bởi trường nội trú thực sự là ngôi nhà chung của các em trong suốt nhiều năm học. Đồng thời, qua đây để giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống cho các em, hướng dẫn thêm cho các em biết giúp đỡ bố mẹ chuẩn bị Tết khi về nhà.

Còn 340 em HS Trường PTDTBT THCS và TH Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn) cũng đang háo hức mong chờ bữa cơm tất niên với các thầy cô giáo. Thầy Hoàng Văn Thưởng - Hiệu trưởng nhà trường - phấn khởi nói: Năm nay, ngoài trồng rau, cả thầy và trò nuôi được 5 con lợn, mỗi con từ 70 - 80kg. Hôm Tết Dương lịch, trường cũng đã thịt một con cho HS ăn mừng năm mới. Còn 4 con nữa là để dành cho dịp Tết cổ truyền này. Sau khi tổ chức ăn tất niên, dự kiến sẽ còn đủ cho mỗi em ở bán trú khoảng 1kg thịt mang về làm quà cho gia đình. “Vì đó là sản phẩm của các em góp sức làm ra, nên các em được hưởng”.

Hỗ trợ HS nghèo

Bên cạnh việc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để học trò cảm nhận được không khí Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều trường học còn tặng quà động viên HS nghèo, gặp thiệt thòi trong cuộc sống. Em Vi Đình Quý Báu (HS lớp 4B, Trường Tiểu học Yên Thắng, huyện Tương Dương) bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Trong nhà, các anh chị của Báu cũng chậm phát triển. Bố mẹ quanh năm ở trên rẫy, hầu như ít tiếp xúc với mọi người, gia cảnh hết sức éo le. Thế nhưng cậu bé lại rất thích đi học, không hề nghỉ buổi nào.

Thương học trò, hơn nữa trên địa bàn cũng không có trường chuyên biệt dành cho HS khiếm khuyết, nên thầy cô Trường Tiểu học Yên Thắng cố gắng tạo điều kiện để Báu được theo bạn đến lớp. Mặc dù không thể theo kịp chương trình học như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng Báu rất vui vì được sinh hoạt tập thể, có thầy cô và bạn bè quan tâm. Tết đến gần, thầy cô trong trường mỗi người đóng góp một ít quà tặng cho em Báu. Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cũng đã kịp trao tặng 500.000 đồng cho cậu học trò đặc biệt trước khi cả trường nghỉ Tết. Cầm món quà trên tay, Báu không biết nói gì, nhưng nụ cười rất tươi đã nói hộ em niềm vui mừng trong lòng.

Còn tại Trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông vừa qua đã trao 30 suất quà, mỗi suất trị giá hơn 100.000 đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn dịp mùa xuân mới đang đến gần. Cô Phạm Thị Nhung, giáo viên của trường chia sẻ: Cứ mỗi dịp đầu năm học mới, các giáo viên trong trường đều đăng ký hỗ trợ HS nghèo, mỗi người 1 trẻ. Nhưng nhiều cô nhận hỗ trợ tới 2 – 3 cháu… Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán thì nhà trường còn tặng thêm quà cho các cháu đem về nhà. Giá trị vật chất không nhiều nhưng chủ yếu là động viên tinh thần để các cháu phấn khởi. Ở trường thì đã có không khí Tết rồi, chứ về nhà các cháu chưa biết Tết là gì đâu, nhiều em bố mẹ vẫn đang còn ở trên rẫy…

 

Sau khi lo cho HS nghỉ học về nhà rồi, các thầy cô mới khăn gói, dọn dẹp đồ đạc rồi chộn rộn với cái Tết của chính mình. Mặc dù vậy, niềm vui, nụ cười của những đứa trẻ chính là phần trọn vẹn cho một năm mới đang đến gần của những người làm nghề gieo chữ ở rẻo cao Tây Nghệ này.

Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại