Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phận mỏng

Chị nói mình muốn ly hôn. Không còn hy vọng gì nữa. Tình yêu và lòng tự trọng của chị đã bị anh xúc phạm.
 
1237711 355285854603360 1533507554 n 231110353


- Nè, em coi đi!

Mỗi tiếng “nè” của chị là một tờ giấy học trò được quăng ra. Những dòng chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả. Đó là những “tờ cam kết”, những “đơn xin hứa”, những “giấy thề” của chồng chị, về việc sẽ không đánh chửi chị nữa.

Chị quê Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre. 17 tuổi chị đã có người ăn hỏi. 18 tuổi cưới. Con gái quê, tuổi đó lấy chồng xem như đẹp nhất. Khi đó, mẹ chị không nói gì, dù bà không muốn con gái lấy chồng sớm như vậy. Nghỉ học từ lớp 6, mấy năm nay chị đi học nghề may. Mẹ muốn chị học xong rồi tính. Nhưng bà nội quyền uy hơn mẹ.

 
5 cam ket xin loi cua anh 161557866

Chị lên thuyền hoa vào một ngày cuối mùa mưa. Trời tuôn nước ràn rạt, mặt sông loang loáng những vạt sóng. Áo váy cô dâu ướt, mâm quả ướt, cả đoàn người đưa dâu cũng chẳng ai khô… Mẹ bảo, ông trời báo trước điềm nước mắt cho cuộc hôn nhân này. Bà nội gạt ngang, nói đưa dâu gặp mưa là điềm “tiền vô như nước”. Chị không tin mình phải khóc cho cuộc hôn nhân này, cũng không dám tin mình sẽ hạnh phúc, chỉ là người lớn bảo sao thì nghe vậy. Chị nào có quen biết, yêu thương gì người mình sắp gọi là chồng.

Hôn nhân của chị nửa năm đầu cũng “êm êm” nhưng từ sau khi chị cấn bầu bị hư, lại cấn bầu nữa cũng hư, thì mẹ chồng nói phải tìm “thầy” trị. Đã đi bao nhiêu “thầy” chị cũng không nhớ, chỉ biết là tiền bạc dành dụm, vàng cưới lần lượt bán hết vì những lần đặt lễ, tàu xe, ăn ngủ dọc đường.

Ngày chị thấm thía câu “tiền mất tật mang” là hôm một “ông thầy” phán chị không thể có con được vì “căn nghiệp” quá nặng. Đó cũng là lúc chồng chị đề nghị… ly hôn. Anh phũ phàng nói, tưởng cưới vợ về để sinh con đẻ cái, ai dè cưới phải một “con vợ kiểng” chả làm ăn được gì. Thôi, bao nhiêu vàng cưới lâu nay em bỏ ra tàu xe tôi sẽ mua trả lại hết, coi như đền bù công ba năm làm vợ cho em, rồi đường ai nấy đi để tôi còn cưới vợ khác mà yên ổn làm ăn. Chị không biết nói gì, nỗi đau cùng cực đã khiến người chị như hóa đá.



Chồng chở chị lên thị xã mua vàng "đền bù". Mèn ơi… hai mươi mốt tuổi chị mới biết thị xã, sao mà đẹp. Vợ chồng ở lại thị xã một đêm, xem như kỷ niệm cuối cùng.

Ai ngờ…

Nhận lại số vàng cưới, chị về tiếp tục học may. Hai tháng sau, thấy cơ thể mình khang khác, chị nói với mẹ. Mẹ chị không dám chắc, phải chờ đến tháng thứ ba, đi bác sĩ thì cái thai đã lớn. Chồng chị giờ đã yên ấm bên vợ mới, cũng có phần tin cái bầu trong bụng chị là của anh; nhưng mẹ chồng gạt ngang, bảo không khéo lại “đổ vỏ ốc”.

Chị sinh con không cha dù thằng bé giống chồng chị như hai giọt nước. Nghề may giúp chị đủ sống, nhưng bầy em lớn lên, chen chúc trong căn nhà tứ đại đồng đường nhỏ xíu cũng bất tiện. Vậy là chị “ra riêng” với căn nhà nhỏ trên miếng đất “ở đậu” của người bà con, ngay một trục đường lớn để tiện mở tiệm may.

Cũng vào một ngày mưa, cha của con chị tìm đến, nhận mình đã sai lầm khi nghe lời gia đình bỏ vợ con. Anh xin chị cho anh “làm lại từ đầu”. Anh đã ly hôn với người vợ sau. Nhưng chị bảo, buổi đầu anh đã nghe lời cha mẹ mà không bảo vệ vợ con, dù biết chắc đó là con anh; biết đâu mai này anh lại nghe lời gia đình mà bỏ mẹ con tui một lần nữa. Cha của con chị cúi mặt bước khỏi cửa tiệm giăng đầy vải vóc. Từng đoạn tâm tư chị có lẽ cũng lạnh buốt theo từng sợi mưa đang đổ trên cái bóng người liêu xiêu ngoài đường nhựa.

30 tuổi chị gặp một người đàn ông làm nghề cầu đường, khi anh ta về làm mới bộ mặt nông thôn quê chị. Anh bộc trực, thẳng thắn, tính đàn ông rạch ròi. Hơn chị ba tuổi nhưng vì mãi lang thang theo những công trình nên anh chưa một mảnh tình vắt vai. Tiệm may của chị vốn đã kê thêm mấy bộ bàn ghế bán nước giải khát, nên trưa trưa chiều chiều anh và thầy thợ cứ ghé lại tán chuyện.

Sáu tháng của công trình, một cuộc tình nảy nở. Bất ngờ, khi tính chuyện cưới xin thì mẹ anh nhất định không đồng ý vì “trai tơ cưới gái nạ dòng…”. Anh yêu chị đến mức ra “tối hậu thư” với mẹ: “Nếu má chịu cưới thì má có con dâu. Bằng không, má sẽ mất thằng con trai”. Mẹ anh cũng cứng rắn không kém. Vậy là, anh chị tự tổ chức cưới nhau.

10 năm anh tiếp tục theo các công trình là chừng ấy thời gian chị vò võ một mình. Rồi đứa con của tình yêu ra đời. Chị cố gắng làm lành với mẹ chồng, mong một ngày bà “ngó lại”. Khi bà bắt đầu nguôi nguôi thì một lần té ngã do trơn trượt của bà đã giúp mẹ chồng nàng dâu gần lại. Từ nhà anh chị đến nhà mẹ chồng tận 30km, không thể đi về mỗi ngày nên chị bàn với anh rước mẹ về nhà mình. Mẹ không còn người con nào, nên buộc phải bằng lòng để anh chị chăm sóc.

Căn nhà “ở đậu” của chị ngày nào, sau bấy nhiêu năm đã thành nhà “chính chủ”, hai tầng khang trang. Mẹ chồng được chị hết lòng chăm nom cũng đã từng bước đi lại được. Anh mệt mỏi với những công trình xa, quyết định ở nhà để gần mẹ già và vợ con. Con riêng của chị thì đang đi học xa. Gia đình giờ bốn người chỉ trông vào tiệm may. Nhưng, mỗi ngày ba cữ ăn chính, hai cữ ăn phụ, bốn lần uống thuốc của người già đã ngốn mất quá nhiều thời gian của chị. Thu nhập giảm sút mà chi tiêu tăng lên, anh bàn mặt bằng còn rộng, cất thêm cái chòi lá xé làm quán cà phê, sắm giàn karaoke, vừa giúp bà con giải trí vừa có thêm thu nhập.

Chị đồng ý mà không lường được hạnh phúc cũng bắt đầu lung lay từ đó. Khách đến, ông chủ phục vụ họ không đồng ý, mà phải là bà chủ bưng bê, bấm chọn bài, mới ngồi lại. Mỗi ly nước một bài hát, họ cứ hát mãi, kêu nước mãi, dù không uống. Mấy lần đầu chị còn chiều khách, chiều mãi việc nhà đâm ra bê trễ, có hôm mẹ già tới bữa vẫn chưa có cơm ăn.

Anh bắt đầu khó chịu, rồi quát nạt, đập phá quán… Anh mắng chị bằng những ngôn từ không dành để vợ chồng nói với nhau. Chị năn nỉ anh, dù sao cũng lỡ mua sắm, cất quán xây tiệm rồi, mà đâu phải quán nào cũng đắt khách như quán mình. Anh bảo chị “quen thói mê trai” nên mới bênh vực “mấy thằng đó”.

Có hôm khách đang hát ngon lành, anh ào vô đập phá tan tành, khách chạy không kịp. Quán ế, anh chửi bới chị không ngớt lời Chị năn nỉ khách, mua sắm lại vài trang thiết bị, quán đắt lại. Khách kéo đến là lúc anh chặn đầu, hất hàm hỏi vợ: mày làm sao mà mấy thằng đó cứ bu vào quán mày? Hò hẹn gì? Liếc mắt đưa tình dữ lắm à? Rồi ti vi, đầu đĩa, thùng loa… lại méo mó, bể vỡ.

Chị nói mình muốn ly hôn. Không còn hy vọng gì nữa. Tình yêu và lòng tự trọng của chị đã bị anh xúc phạm. Phận mỏng chị đành chịu, thà không chồng còn hơn có chồng mà phải bị đánh chửi “như cơm bữa” thế này.

- Vậy anh đã có lần nào xin lỗi chị chưa?

- Đó, em coi, bao nhiêu là giấy tờ, bút tích còn đó…

Rõ ràng những dòng chữ “Tha thứ. Xin vợ yêu tha thứ cho anh” nhưng chị nói, chị còn tha thứ đến bao giờ?

Tác giả bài viết: Kim An

Nguồn tin: