Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những cô gái vượt đèo “cõng” chữ đến vùng cao

Con đường với những đèo, những khúc cua gấp, những ngày đi sớm về khuya dường như đã quá quen với các cô gái này. Không quản gian nan vất vả, những cô giáo trường mầm non Iakreng vẫn ngày ngày “vượt đèo cõng chữ” đến với vùng cao.
 
h1 SBRI jpg ashx
Các cô giáo trẻ ngày ngày “cõng” chữ lên non

Tuổi xuân bám bản bám trường

Xã Iakreng là một trong những xã vùng cao, xa nhất của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi non. Từ nơi này nhìn xuống dưới chỉ thấy cây cối bạt ngàn, đâu đó dăm nóc nhà đơn sơ điểm xuyết giữa ngàn xanh.

Trường mầm non Iakreng đang giờ giải lao. Thấy người lạ, các em đồng thanh chào lớn, những câu chào dẫu còn non nớt nhưng đã tròn vành rõ chữ. Những cô bé, cậu bé người Jrai với nụ cười thân thiện đầy tự tin, chẳng chút lạ lẫm.

“Ngày trước tụi nhỏ rụt rè lắm, chẳng bao giờ nói chuyện hay giao tiếp với người lạ. Nhưng từ khi đến trường đi học, được cô giáo dạy, được học tập cùng bạn bè, tụi nhỏ đã mạnh dạn hơn rất nhiều”, cô Lê Thị Thảo (49 tuổi), Hiệu trưởng trường Mầm non Iakreng chia sẻ.

Gần 25 năm gắn bó với nghề và hơn 6 năm đồng hành cùng các em nhỏ tại trường mầm non Iakreng là ngần ấy thời gian cô Thảo dành hết tâm huyết cho các cháu. Với cô, hạnh phúc bây giờ là được nhìn các cháu lớn lên từng ngày và được phụ huynh tin yêu.

Cô Thảo là một trong những giáo viên đầu tiên ở miền xuôi tình nguyện lên với bản làng ngay từ những ngày đầu thành lập trường. Những khó khăn của ngày đầu lên bám bản trên cung đường đèo và gió trong ngút ngàn rừng như vẫn còn hiện rõ trong mắt cô.

Cô đã nghĩ đến những cung đường khó khăn xa gấp đôi quãng đường hiện tại, đã nghĩ đến những ngày mưa gió một mình vượt đèo, nghĩ đến quỹ thời gian eo hẹp dành cho gia đình sẽ ngày càng bị thu hẹp hơn nữa…

Tuy nhiên hình ảnh những đứa trẻ vùng núi hằng ngày theo cha mẹ lên nương mà xa dần con chữ, đã khiến cô quên hết mọi khó khăn ban đầu, để đi đến quyết định dành hết sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề của mình lên với Ia kreng.

Thế rồi, ngày qua ngày, không kể nắng gió, mưa bão, cứ khoảng 4h sáng cô đã trở dậy chuẩn bị đi trường và khi con nắng cuối ngày leo lắt trên đèo cũng là lúc cô ngược về xuôi chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Vất vả là thế nhưng cô không hề nản lòng, hơn 6 năm gắn bó với ngôi trường này, dường như các em nhỏ ở Iakreng đã trở thành gia đình thứ 2 của cô, chưa một ngày cô có ý định bỏ trường.

 
h2 kbkp jpg ashx
Các cô giáo trẻ ngày ngày “cõng” chữ lên non

Cô Thảo tâm sự: “Ban đầu chồng con tôi không đồng ý cho tôi chuyển công tác lên vùng cao vì đường sá xa xôi, phải đi sớm về muộn. Hơn nữa, công việc đôi khi làm đến sáng chưa xong, nào giáo án, sổ sách, sắp xếp giặt giũ quần áo vừa đi xin được để mang lên cho các em… Tôi chẳng còn thời gian để nghĩ ngơi chứ đừng nói đến việc lo cho gia đình.

Nhưng tình thương tôi dành cho những đứa trẻ ngày một lớn theo thời gian nên chồng con tôi cũng ủng hộ, thậm chí còn giúp đỡ tôi làm các dụng cụ trang trí cho lớp học. Gia đình tôi đã vui chung niềm vui nhỏ của tôi khi thấy những đứa trẻ bi bô trong những tiếng cười giòn tan... Những nụ cười trong trẻo của các em đã tiếp thêm cho tôi và đồng nghiệp động lực để bám bản, để quên đi những khó khăn cứ gối dần trong đêm về sáng...”.

Khác với việc dạy những đứa trẻ miền xuôi, những cô giáo nơi đây ngoài giờ lên lớp vẫn phải vừa dạy vừa soạn cho mình những trang giáo án riêng. Chưa kể đến những con chữ, các cô giáo luôn đặt mục tiêu đầu tiên trong công tác giảng dạy của mình là dạy cho các em học sinh phát âm rõ, tăng cường tiếng Việt và tự tin trong giao tiếp.



Với kinh nghiệm bám bản hơn 3 năm ở trường Iakreng, cô giáo Nguyễn Khánh Hòa (25 tuổi) hiểu rõ lực học của học trò ở vùng cao như bà con nắm rõ từng lối mòn lên nương rẫy. “Tiếng Việt các em nói chưa rành mạch, nghe, hiểu hạn chế, đó chính là khó khăn lớn nhất trong việc truyền đạt kiến thức đến học trò.

Tuy nhiên điều đáng quý là học trò ở đây rất gần gũi và nghe lời giáo viên. Khi các cô giáo vận động phụ huynh và động viên các em đi học thêm để củng cố kiến thức, các em đến lớp rất chăm chỉ. Nếu mình cố gắng tận tâm, tích cực phụ đạo thêm cho các em thì chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên”, cô Hòa tâm sự.

Những năm trước, chiều đến các cô giáo còn phải đến từng nhà động viên học sinh đi học, không ít phụ huynh còn to tiếng với giáo viên “nó không ưng đi học, ưng lên rẫy thì cô vận động làm gì”. Dẫu vậy nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu” các cô không nản chí mà thường xuyên động viên và tâm sự để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của con chữ. Nhờ đó, nhận thức của bà con dần thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em.

Năm tháng thoi đưa, một phần tuổi thanh xuân của các cô giáo ngày ấy đã hòa vào những câu chào tiếng nói rõ, to của các em và bản làng. Những cô giáo trẻ chưa quên cái bỡ ngỡ của buổi đầu lên bục giảng khi mới rời ghế nhà trường để áp dụng những kiến thức sư phạm mình được học.

Cô Nguyễn Thị Kim Loài (21 tuổi) chia sẻ: “Vừa ra trường tôi được nhận về trường mầm non Iakreng công tác, lần đầu tiên phải vượt qua chặng đường gian nan, tôi đã bật khóc. Bản làng heo hút giữa núi rừng, lại thêm việc không hiểu tiếng nên tôi nói các em không nghe, các em nói tôi cũng không hiểu, lúc ấy buồn lắm.

Tôi đã từng nghĩ mình không bám trụ nổi ở nơi đây. Nhưng rồi các chị động viên và nhất là ánh mắt đầy mong mỏi, đầy khát khao và chờ đợi của các em khiến tôi quyết tâm hơn. Học sinh cần con chữ, cần được hiểu về thế giới bao la ngoài kia. Tôi bắt đầu học tiếng của các em mọi lúc mọi nơi và cô gắng hết mình để dạy cho các em từng con chữ”.

Cô Hòa, cô Loài và cả các cô giáo khác luôn xem học trò như con, luôn để ý và tận tình giúp đỡ các em học sinh rụt rè, ít nói, tạo điều kiện để các em tự tin giao tiếp với bạn bè. Cũng chính sự quan tâm, gần gũi đó mà các em học sinh trở nên thân thiện, mến cô và yêu trường, yêu lớp hơn.

Ngoài việc dạy học, các cô giáo nơi đây còn tranh thủ cùng các em tự tay trang trí trường học, làm đạo cụ cho các buổi học ngoại khóa, tổ chức trò chơi, giao lưu văn nghệ giữa các lớp với nhau. Những hoạt động ấy đã gắn kết tình cảm cô – trò bền chặt hơn vừa tạo sân chơi cho các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp giữa các lớp, các lứa tuổi.

Bên cạnh đó, các cô giáo còn thường xuyên gặp gỡ phụ huynh để trao đổi về tình hình học tập của các bé và đưa ra phương án tốt nhất để dạy dỗ học sinh mình.

Mô hình “mẹ cũng là cô giáo”

Phần lớn thời gian của trẻ là ở trường mầm non, tuy nhiên khi về nhà, phụ huynh vẫn thường giao tiếp, trò chuyện với các thành viên trong gia đình bằng tiếng Jrai khiến trẻ dần quen với tiếng Jrai mà quên đi tiếng Việt. Trước tình trạng đó, các giáo viên trường mầm non Iakreng đã lên kế hoạch vận động phụ huynh cùng đến trường với trẻ.

Đều đặn 2 buổi mỗi tháng, vào khoảng thời gian từ 7h đến 9h sáng thứ 6, phụ huynh sắp xếp thời gian, công việc nương rẫy lên lớp học để các cô giáo dạy tiếng Việt, dạy kiến thức giáo dục, kỹ năng sống cơ bản từ việc vệ sinh cá nhân, ăn uống đến thói quen sinh hoạt hằng ngày… để tối về phụ huynh có thể trở thành  “cô giáo” dạy lại con em mình.

 
h3 lpno jpg ashx
Trường mầm non Iakreng

Bà Rơ Châm Hanh, hội trưởng hội phụ huynh lớp mẫu giáo ghép 4 tuổi phấn khởi chia sẻ: “Đi học vừa biết được thêm tiếng Việt vừa học được cách làm giáo viên cho con em mình. Sau mỗi buổi học, tối về với làng, các gia đình gần nhau lại tụ họp, từng phụ huynh sẽ lần lượt nhớ lại những kiến thức mà cô giáo đã dạy ban sáng và đứng lên làm cô giáo dạy cho các con mình. Các cô dạy nhiệt tình lắm, chẳng tính công đâu. Vợ chồng mình thay nhau lên rẫy và đi học, có những hôm cả hai vợ chồng cùng đi học, cô giáo dạy cả 2 luôn”.

“Từ ngày đi học mình đã đọc và nói được tiếng Việt, không như ngày xưa xem vô tuyến chỉ xem hình rồi đoán. Giờ trong nhà mình mỗi lần nói chuyện với con đều đã sử dụng tiếng Kinh. Mình phải cảm ơn các cô giáo nhiều lắm”, ông Siu Thun, một phụ huynh học sinh tâm sự.

Dạy phụ huynh khác với dạy những em học sinh, các cô giáo phải nghiên cứu và tìm ra phương pháp dạy sao cho vừa phù hợp với cả phụ huynh và học sinh, vừa thu hút, mới lạ lại vừa dễ hiểu. Những trang giáo án điện tử nhiều màu sắc bắt đầu xuất hiện thu hút các “học trò” trong các buổi học chung. Các cô giáo đã khéo léo lồng ghép những hình ảnh sinh hoạt, gần gũi với đồng bào nơi đây vào bài học, để họ có thể dễ nhớ, dễ tiếp thu nhất.

Bên cạnh đó, các kỹ năng sống, các thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng được các cô chỉ dạy tận tình để phụ huynh và học sinh có thể tự phòng tránh những căn bệnh thông thường. Ngoài ra, việc nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập đối với các em cũng được giáo viên nhắc đi nhắc lại. Nhờ đó tình trạng bỏ lớp, bỏ trường của các học sinh gần đây dường như ít hẳn, phụ huynh cũng quan tâm đến việc học hành của con cái mình hơn.

Niềm tin yêu dành cho các cô giáo mầm non của phụ huynh và học sinh nơi đây ngày càng lớn dần, họ không còn lo mỗi khi đi làm nương xa bởi các em được cô giáo lo ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ. Cứ thế cô và trò vừa có cơ hội gần gũi nhau sau giờ học, vừa học hỏi lẫn nhau. Cô học thêm từ các em tiếng Jrai, các em học cô tiếng Việt.

Tác giả bài viết: Thiên Nhi

Nguồn tin: