Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phụ huynh lo con ham chơi Tết quên bài vở

Trước khi con chính thức bước vào đợt nghỉ Tết kéo dài hơn nửa tháng, nhiều phụ huynh ở TPHCM đã thấp thỏm hỏi han về bài tập với hy vọng con giữ được “nhiệt” học hành ngay trong mùa Tết.
Trong ngày đưa con đến trường tham gia ngày hội Xuân yêu thương tổ chức vào dịp cuối năm, chị Trần Thu Hương đã dò hỏi cô giáo về bài tập ngày Tết cho cô con gái đang học lớp 4. Khi giáo viên nói rõ, hiện nay không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, ngay cả dịp Tết làm chị càng thêm lo.

Người mẹ đề nghị cô giao riêng bài tập cho con mình để cháu duy trì việc học trong dịp nhưng bị từ chối. Giáo viên khuyến khích chị để con vui chơi thoải mái mà chị vẫn không an lòng, chị nói rằng sẽ tự tìm bài nâng cao yêu cầu con làm.

 
Nhiều trường học ở TPHCM tổ chức các hoạt động vui xuân cho thầy trò trước kỳ nghỉ Tết
 
“Bé nhà tôi ham vui, mỗi lần nghỉ quay lại trường rất khó khăn, không theo kịp nhịp học nên tôi muốn hàng ngày cháu vẫn dành khoảng một giờ đồng hồ ngồi vào bàn học. Mà phải có bài tập cháu mới chịu học”, chị Hương trần tình.

Hầu hết các trường học ở TPHCM đều không giao bài tập về nhà dịp Tết. Trừ một số trường ở bậc THPT có ra đề cương ôn tập cho học sinh khối 12 để các em ôn luyện trước ngày quay lại trường. Nhiều phụ huynh thấy nhẹ nhõm khi con được nghỉ Tết không phải nặng lòng chuyện bài vở, dễ dàng sắp xếp lịch vui chơi của con cùng với gia đình. Nhưng cũng không ít phụ huynh như chị Hương, lo con ham chơi Tết quên kiến thức, khó bắt nhịp khi quay lại trường nên tìm mọi cách để con ngồi vào bàn trong kỳ nghỉ.

Chưa kể, nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc quản lý trẻ khi con nghỉ ở nhà nên cũng mong “cậy” vào bài tập về nhà để giữ chân con. Không bị áp lực bài tập về nhà, bố mẹ lại không tổ chức cho con tham gia vào sinh hoạt gia đình..., nhiều trẻ vùi đầu vào điện thoại, máy tính.

Anh Mai Đình Anh, có hai con học tiểu học và THCS ở Gò Vấp cho biết, nhiều năm nay giáo viên không giao bài tập dịp Tết nhưng anh vẫn yêu cầu con phải làm bài tập. Đứa lớn thì làm bài trong sách nâng cao, ngày nào cũng phải giải quyết một, hai bài, còn đứa nhỏ thì người dì đang học sư phạm ra đề, con chơi gì thì chơi nhưng phải hoàn thành bài.

Ông bố nêu quan điểm: “Tôi không đòi hỏi các cháu phải nạp thêm kiến thức vào đầu mà là để duy trì thói quen, nề nếp học tập. Các con phải hiểu bất kỳ hoàn cảnh nào thì cũng không thể sao nhãng việc học”.

 
Thay vì áp lực chuyện bài vở của con trẻ, phụ huynh nên tranh thủ tận hưởng thời gian nghỉ cùng con trong dịp Tết
 
Việc yêu cầu trẻ phải giải quyết bài tập, học bài như ngày thường trong dịp Tết, theo các giáo viên là việc không cần thiết. Điều này còn trở nên vô ích vì trẻ rất khó nhập tâm, tập trung cho việc học trong không khí ngày Tết.

Không làm bài tập trong vài ngày Tết chẳng làm trẻ kém hay chán học đi. Chưa kể gò ép trẻ còn có thể làm trẻ ức chế, bức bối. Ngay cả việc cha mẹ cho con áp lực phải làm bài tập sẽ đánh mất cơ hội để trẻ tham gia, học hỏi thông qua các hoạt động sum vầy trong ngày tết cổ truyền cùng bố mẹ, người thân.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, chẳng những không giao bài tập, nhiều giáo viên còn gác hẳn mọi lời dặn dò với phụ huynh liên quan đến chuyện bài vở của học sinh khi nghỉ Tết. Có chăng, giáo viên trao đổi với gia đình chú ý đến các hoạt động vui chơi cũng như an toàn cho con trẻ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, quanh năm trẻ đã vùi đầu vào bài vở, dịp Tết thầy cô mà dặn dò, yêu cầu thêm thì các em sẽ "nổ tung đầu". Thay vì băn khoăn con vui tết quên bài, phụ huynh nên cố gắng bố trí, tổ chức các hoạt động, vui chơi tết ý nghĩa, lành mạnh để con tham gia. Đặc biệt là cần chú ý sức khỏe và sự an toàn của trẻ.

Còn đối với việc học, ông Vinh cho hay, phụ huynh thu xếp để trẻ quay lại trường đúng ngày, nhất là những gia đình đưa con về quê xa hay đi du lịch. Nhà trường sẽ có những hoạt động nhẹ nhàng giúp trẻ bắt nhịp lại với việc học, lấy tinh thần sau Tết... nên phụ huynh không phải căng thẳng việc con quay lại trường mà chưa quên Tết.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin: