Thanh Hoá doạ bỏ V.League: Trò trẻ con của người lớn
- 15:43 20-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phía sau câu chuyện lãnh đội Thanh Hoá “uất ức” đòi bỏ giải vì án phạt của Omar, có nhiều nguyên nhân tế nhị khác mà bóng đá chỉ như một tấm bình phong, hết khấu hao là vứt.
Phản ứng của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch CLB Thanh Hoá thoạt đầu khiến dư luận bàng hoàng. Một án kỷ luật dành cho một cầu thủ, dẫu cứ cho là nặng so với khung phạt đi chăng nữa, cũng khó coi là lý do đủ nghiêm túc để vị lãnh đạo này doạ rời khỏi cuộc chơi.
Ở những vị trí như ông Quyết, một lời nói đã buông ra khó bề lấy lại. Có thể hiểu đấy là phản ứng nhất thời do bức xúc, nhưng khi ông đã nhắc đi nhắc lại trên báo chí với một sự quyết liệt, thì người ta buộc phải nghĩ đến ý chí của cả một tập đoàn đứng sau lưng CLB.
Nếu Thanh Hoá bỏ giải, những cầu thủ như Mai Tiến Thành, Lục Xuân Hưng hay Đào Thế Phong sẽ đi đâu về đâu? Ảnh: Quốc Bảo.
Tập đoàn ấy, như nhiều tập đoàn khác, đã thu về những món hời kếch xù từ bóng đá. Họ coi đội bóng như một công cụ để trao đổi với tỉnh nhà những miếng bánh béo bở như đất đai, bờ biển… Thứ công cụ ấy không tốn quá nhiều tiền mà lại dễ đi vào lòng dân, dễ quảng bá thương hiệu và cũng dễ đặt lên bàn mặc cả. Nhưng khi họ đã đạt được mục tiêu, cũng là lúc bóng đá bị ra rìa.
Chuyện nhỡn tiền vắt chanh bỏ vỏ đã xảy ra ở nhiều CLB, như bầu Trường với Ninh Bình (giải tán đội khi phát hiện cầu thủ bán độ), bầu Thuỵ hai lần với Xuân Thành Hà Tĩnh và Sài Gòn Xuân Thành (bỏ bóng đá khi bị trừ 4 điểm)... Khi nhà tài trợ chủ động cắt duyên như cắt một món nợ hầu bao, hầu hết tỉnh đều ngậm đắng nuốt cay, coi như bị xoá sổ luôn cả phong trào bóng đá.
Bây giờ là nguy cơ đang ở rất gần Thanh Hoá.
Ai đó đã mừng thầm khi 2 mùa giải gần đây, Thanh Hoá đầu tư cho đội bóng thuộc diện rầm rộ nhất Việt Nam. Họ liên tiếp mua về những cầu thủ gốc Sông Lam chất lượng, thậm chí đã định mời Hữu Thắng về làm HLV với bản hợp đồng phá mọi kỷ lục cho một thuyền trưởng nội.
Đầu mùa bóng 2017, nhà cầm quân Ljupko Petrovic từng vô địch European Cup 1991 với Sao Đỏ Belgrade đã được tăng cường, khẳng định tham vọng vô địch V.League của đội bóng xứ Thanh. Khí thế cũng lên ngùn ngụt khi qua 3 vòng đấu, họ toàn thắng và chễm chệ trên ngôi đầu bảng.
Nhưng mọi thứ hào nhoáng ấy đều có thể chỉ là động tác giả, nếu quả thực bầu ngực đang nuôi Thanh Hoá kia có ý định… cắt luôn nguồn sữa. Ông Chủ tịch đã đăng đàn trên báo chí thì khó có thể coi là nói chơi hay nói dỗi.
Trong lúc cả một nền bóng đá đang tìm mọi cách để cải thiện văn hoá sân cỏ, việc BTC xử án điểm với hành động phi thể thao của Pape Omar được đa số ủng hộ. Chính khán giả Thanh Hoá công tâm cũng lấy làm chướng tai gai mắt khi cầu thủ đội nhà hành xử như vậy. Thậm chí HLV Petrovic còn đuổi theo Omar ra tận đường dẫn vào phòng thay đồ để biểu lộ sự phẫn nộ.
Nhưng vin vào cái cớ bất như ý ấy, ông Trịnh Văn Quyết gây sức ép với BTC giải đòi bỏ cuộc nếu không giảm án cho Omar. Gạt bỏ mọi mục đích ẩn sau, chỉ riêng đòi hỏi ấy đã giống như trò trẻ con của một người lớn miệng có gang có thép.
Lúc này, nếu Thanh Hoá quyết tâm bỏ cuộc, V.League cũng không hề có ý định níu kéo. Nhưng điều đó xảy ra cũng có nghĩa là xứ Thanh yêu bóng đá sẽ bị xoá tên khỏi bản đồ, vài chục cầu thủ bơ vơ, trong khi “Mạnh thường quân” chỉ làm một cái phủi tay là xong tất.
Nhẹ nợ!
“V.League là một giải đấu chính thống, không phải là chỗ anh muốn chơi thì chơi, muốn nghỉ thì nghỉ. Trong trường hợp này, nếu Thanh Hoá nghỉ có khi lại tốt hơn cho V.League” – chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét.
BTC V.League cũng đáp trả Thanh Hoá bằng sự cứng rắn và quyết đoán. Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng: “Thanh Hoá nghỉ, chúng tôi chỉ cần 15 phút để sắp xếp lại giải đấu. Nhưng họ làm thế là không nghiêm túc và chuyên nghiệp”.
Tác giả bài viết: Quốc Bảo
Nguồn tin: