Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cần loại ngay những chương trình liên kết ngoại ngữ đắt đỏ, rườm rà!

“Chương trình đắt đỏ, rườm rà là không phù hợp để áp dụng đại trà, còn tạo nên áp lực học tập cho học sinh".
Liên kết ngoại ngữ mà đắt đỏ, rườm rà là không nên!

Liên quan đến dạy học liên kết ngoại ngữ, nhiều ý kiến chuyên gia khi được hỏi đều cho rằng, bản thân hoạt động liên kết ngoại ngữ trong trường phổ thông là để bổ trợ cho chương trình chính khóa của Bộ.

Việc dạy học liên kết ngoại ngữ đòi hỏi phải được tổ chức bài bản và bám sát chương trình của Bộ.

Do đó, một doanh nghiệp tự soạn giáo trình riêng hay đưa giáo trình của nước ngoài vào dạy học trong nhà trường tràn lan như hiện nay là không đúng.

Việc mỗi doanh nghiệp dạy giáo trình riêng dẫn tới việc không thể đong đếm được mức độ tương thích giữa chương trình liên kết ngoại ngữ với chương trình của Bộ.

Điều này dẫn tới, dạy liên kết ngoại ngữ là bổ trợ cho chương trình của Bộ nhưng thực ra lại không bổ trợ được nhiều.

Dạy liên kết ngoại ngữ để bổ trợ cho tiếng Anh chính khóa nhưng dạy theo giáo trình của doanh nghiệp thì không khác nào dạy thêm một môn tiếng Anh mới.

 
1LKNN40
Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên có liên kết với Language Link và DynEd (ảnh Quốc Toản. nguồn giaoduc.net.vn).

Không những vậy, việc học sinh một lúc phải học chương trình của Bộ và học chương trình liên kết ngoại ngữ đang tạo nên áp lực và gánh nặng học tập cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết:

“Liên kết ngoại ngữ mục đích để bổ trợ khả năng nghe nói cho các em học sinh.

Qua tiếp xúc với giáo viên người bản ngữ, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp.

Chính vì vậy, bản thân việc dạy liên kết ngoại ngữ không phải là dạy thêm môn học mới mà bổ trợ ôn luyện kỹ năng nghe nói theo chương trình chính của Bộ.

Chương trình liên kết ngoại ngữ không cần đòi hỏi cao siêu, nhiều tiền.

Ở địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo chúng tôi quán triệt với các đơn vị dạy liên kết ngoại ngữ trên địa bàn là không được dạy chương trình riêng.

Các giáo viên người bản ngữ phải dạy chương trình chính khóa của Bộ.

Giáo án soạn giảng của giáo viên người nước ngoài phải bám sát chương trình sách giáo khoa.

Giáo viên bản ngữ phải làm việc cùng với giáo viên dạy chính khóa để có được giáo án phù hợp”.

 
2dongthai 1
Trường Trung học Cơ sở Đông Thái, quận Tây Hồ nơi đang có chương trình tiếng Anh liên kết (ảnh Quốc Toản).

Qua tìm hiểu của phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ở một số trường bậc tiểu học, bậc trung học cơ sở trên địa bàn quận Tây Hồ cho thấy cách làm liên kết ngoại ngữ địa bàn này có điểm khác so với các quận như Thanh Xuân, Long Biên, Hai Bà Trưng...

Các doanh nghiệp liên kết chỉ được dạy theo chương trình sách giáo khoa của Bộ.

Không cho phép liên kết với những doanh nghiệp không có giáo viên bản ngữ trực tiếp giảng dạy.

Mức học phí từ 150.000 đồng/học sinh/tháng đến 200.000 đồng/học sinh/tháng.

Cũng liên quan đến dạy liên kết ngoại ngữ, các ý kiến của chuyên gia khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đều cho rằng:



"Liên kết ngoại ngữ là chương trình phổ thông đại trà.

Mục đích để tạo điều kiện cho các em học sinh được giao tiếp và sử dụng tiếng Anh chứ không phải bồi dưỡng, đào tạo học sinh khá giỏi.

Chính vì vậy, chương trình tiếng Anh liên kết không nên áp dụng những chương trình quá đắt đỏ, cách tổ chức dạy học quá rườm rà.

 
3LKNGanh2 1
Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân nơi đang liên kết với Language Link và DynEd (ảnh Trinh Phúc. nguồn giaoduc.net.vn).

Thậm chí, ông Trần. T.V một người am hiểu về liên kết ngoại ngữ đưa ra quan điểm:

“Những chương trình có mức học phí cao, lên tới 600.000 đồng/học sinh/tháng không nên áp dụng đại trà trong các trường phổ thông.

Vì việc dạy học theo giáo trình riêng, sẽ khiến học sinh vừa phải gánh chương trình của Bộ lại phải học chương trình liên kết.

Chưa kể, cách tổ chức dạy học những chương trình mức học phí đắt chỉ phù hợp với những đối tượng học sinh muốn học nâng cao.

Còn học liên kết ngoại ngữ đơn giản chỉ là việc tăng cường giao lưu với giáo viên người nước ngoài để nâng cao khả năng nghe nói cho học sinh nhằm bổ trợ chương trình chính khóa của Bộ”.

Ông Trần. T.V cũng cho rằng:

“Với những doanh nghiệp dạy học mà chỉ có giáo viên người Việt thôi thì nên giải tán sớm.

Bởi, những giáo viên người Việt mà trung tâm cử đến nhiều khi chất lượng không được bằng giáo viên trong trường thì làm sao bổ trợ được cho chương trình chính khóa?

Hay với cách dạy học liên kết ngoại ngữ mà học sinh chỉ tương tác với máy tính thôi như DynEd cũng nên chấm dứt.

Cách dạy học này không phù hợp với mục đích liên kết ngoại ngữ là được giao tiếp với giáo viên người bản ngữ”.

Nhà trường hay Sở quyết định chọn doanh nghiệp liên kết?

Khi tìm hiểu về dạy liên kết ngoại ngữ, lãnh đạo Sở, Phòng được hỏi đều cho rằng muốn chọn doanh nghiệp nào liên kết là quyền của mỗi trường.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho rằng:

“Tất cả các trường học trên địa bàn muốn chọn doanh nghiệp nào để liên kết đều do nhà trường quyết định.

Hiện Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân đã có những văn bản quy định rõ về vấn đề này.

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ phê duyệt đề án của nhà trường sau đó gửi lên Sở, khi Sở đồng ý thì Nhà trường mới được phép triển khai”.

Về lý thuyết, các địa phương cũng tương tự như quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, ở đây mức độ độc lập của nhà trường đến đâu đang là dấu hỏi?

Bởi, có dư luận cho rằng, trong cuộc chơi liên kết ngoại ngữ giữa các doanh nghiệp thì vai trò của Sở, Phòng tương đối đậm nét.

Anh Trần N.T. một doanh nghiệp tiết lộ:

"Muốn vào được một trường học nào đó, đầu năm học các doanh nghiệp liên hệ đăng ký dạy thử.

Một trường thường có vài ba doanh nghiệp tham gia. Việc chấm điểm đều có hội đồng.

Nhưng chỉ dựa vào dạy không thôi thì rất khó, nhiều khi phải dùng đến quan hệ tác động thì mới thành công”.

Rõ ràng, trong câu chuyện của anh Trần N.T. ta thấy rằng, có chuyện can thiệp để doanh nghiệp vào dạy liên kết ngoại ngữ trong nhà trường.

Cũng theo một giáo viên ở quận Tây Hồ:

“Vào đầu năm học mới, Sở tổ chức tập huấn về liên kết ngoại ngữ.

Trong buổi tập huấn đó, Sở có giới thiệu nhiều doanh nghiệp đến để báo cáo thành tích trong liên kết ngoại ngữ với lãnh đạo các trường học.

Sau đó, mỗi trường đều được Sở giới thiệu một số doanh nghiệp về làm việc.

Trên cơ sở đó, trường sẽ chọn doanh nghiệp nào thấy phù hợp.

Nhà trường không thể tùy ý chọn doanh nghiệp nào, tất cả phải có sự đồng ý của Sở, Phòng thông qua”.

Tác giả bài viết: Trinh Phúc - Quốc Toản

Nguồn tin: