Bí quyết làm giàu: Cải tạo vườn đồi thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
- 08:23 17-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là trường hợp bà Đinh Thị Tình (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định), một gương điển hình khiến nhiều người, kể cả cánh đàn ông, nể phục vì khả năng trồng trọt, chăn nuôi giỏi trên đất đồi nghèo chuyên trồng lúa rẫy.
Bà Tình thăm vườn điều. Ảnh: Khánh Ngọc
Nhìn vườn điều, mía, bắp, đậu, bí đỏ… tươi tốt, bà Tình (53 tuổi, người Bana, ở làng 3, xã Vĩnh Thuận, H.Vĩnh Thạnh) bùi ngùi kể lại thời khốn khó. Cách đây hơn chục năm, người làng 3 hầu hết là hộ nghèo, gia đình bà Tình cũng không ngoại lệ. Hai vợ chồng trẻ với 4 đứa con nheo nhóc bám víu vô mảnh nương rẫy năm được năm mất. Thấy vậy, bà quyết chí phải thay đổi đời mình, để có thể lo cho các con ăn học nên người.“Những năm trước đây, khi sinh con ra, bà con trong làng nuôi chúng lớn là cho lấy vợ, lấy chồng; ít người quan tâm đến việc học hành của con cái. Tôi và chồng suy nghĩ ngược lại là phải làm sao nuôi cho con cái mình ăn học thì chúng mới có kiến thức, hiểu biết xã hội; khi đó thì làm gì cũng sẽ hơn người không học. Hồi đó, tôi nghĩ đơn giản là cái nghèo có nguồn gốc từ sự thiếu hiểu biết. Nếu con mình thất học thì rồi nó cũng sẽ như mình, vòng luẩn quẩn nghèo đói đó sẽ bị lặp lại. Tôi không muốn như thế!”, bà Tình nhớ lại.
Không cam chịu nghèo đói, con cái thất học, bà Tình tìm tòi, học hỏi thêm về cách trồng trọt từ những người thành công. Ngoài ra, bà còn tự bổ sung kiến thức cho mình bằng cách tìm mua, mượn sách về cây trồng, vật nuôi. Nhưng từ sách ra đến thực tế lại là một khoảng cách khá xa. Đất nghèo, lại trầy trật với lúa rẫy lâu nay, bà đánh liều thay đổi cây trồng khác như điều, mía, bắp, đậu… Sự thay đổi này đã đem lại cho mảnh đất bà gieo trồng những sức sống mới.
Khi cây bắt đầu bén rễ, bà cẩn thận chăm bón, không để sâu bệnh xâm hại lâu dễ trở thành dịch. Bên cạnh sự cần cù, thường xuyên thăm vườn cây kịp phát hiện sâu bệnh để xử lý, bà Tình cho biết còn tận dụng các lực lượng “thiên địch” trong tự nhiên. “Ví dụ, khi cây có rầy, mình mồi cho kiến lên ăn các con rầy đó. Việc không phun thuốc trừ sâu độc hại cũng giúp các loài sinh vật tốt có điều kiện phát triển và giúp mình tiêu diệt sinh vật gây hại”, bà Tình chia sẻ.
Vượt bao khó khăn, hai vợ chồng bà giờ đã có trong tay 3 ha vườn điều, 5 ha mía, 3 ha bí đỏ, bắp, đậu... Mỗi năm, trừ hết chi phí, thu nhập từ trồng trọt 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn chăn nuôi heo, bò, gà để kiếm thêm. Ngoài xây được ngôi nhà khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, bà tâm sự “vốn quý nhất là 4 người con đều học đại học và có việc làm ổn định”.
Bà Đinh Thị Hợp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Công việc gia đình bộn bề là thế, nhưng bà Tình rất nhiệt tình giúp đỡ các chị em trong làng cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”. Bà Tình còn vinh dự là phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh Bình Định được nhận bằng khen Hội Liên hiệp Phụ nữ VN và dự Đại hội thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo và xây dựng gia đình hạnh phúc lần thứ 3 (2010 - 2015)” tại Hà Nội”.
Bà Tình cho biết sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của mình với bạn đọc qua số điện thoại 01629891549. |
Tác giả bài viết: Tâm Ngọc
Nguồn tin: