Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những chuyện kỳ bí về hai ông “cá thần” khổng lồ ở cửa sông Cửu Long

Mặc dù lúc đó cơ thể lạnh cứng, như thể chết rồi, nhưng bà bỗng có cảm giác nằm trên thứ gì đó, mềm mềm, ấm ấm.
Kỳ 1: Chuyện cô gái được Cá Ông cứu

Cồn Bửng là vùng đất xa xôi bậc nhất của tỉnh Bến Tre, cách TP. Bến Tre 80km. Cồn Bửng là một cồn cát, rộng hơn trăm héc-ta, với khoảng 1 ngàn hộ sinh sống, là vùng đất xa vào nghèo nhất xã. Còn xã Thạnh Hải lại nghèo nhất huyện. Huyện Thạnh Phú lại nghèo nhất tỉnh.

Con đường nhựa nhỏ xuyên qua những cánh rừng tràm dẫn về Cồn Bửng. Những cồn cát như hoang mạc trải dài ngút tầm mắt này. Ngoài tràm, thì chỉ có dưa, khoai, sắn, củ đậu, những loài rễ tầng nông không bị nhiễm mặn mới sống được. Đến dừa là loài đặc trưng của vùng Bến Tre cũng không sống nổi ở vùng hoang mạc nhiễm mặn này.

Cồn Bửng có nhiều chuyện tâm linh kỳ bí, nhưng thú vị và hấp dẫn nhất là chuyện liên quan đến hai Ông Cá khổng lồ, là vị thần ở biển cả, bảo hộ cuộc sống của nhân dân suốt hàng trăm năm qua.

Ông Phan Đình Chiêm, 81 tuổi, người hiểu biết rất rõ cả huyền tích và sự thật về hai Ông Cá thần chỉ tôi đến gặp bà Đoàn Thị Xê, thường gọi là Út Xê, ở ấp Thạnh Hải, là người được Cá Thần cứu mạng một cách kỳ diệu.


Lăng thờ Cá Ông

Giọng nói của người dân vùng Cồn Bửng rất khó nghe, nên tôi hỏi đường mãi mà chẳng tìm được bà Xê. Phải liên lạc nhờ đến chị Trần Minh Khoa, phó chủ tịch trẻ trung xinh đẹp của xã Thạnh Hải dẫn đường mới tìm thấy căn nhà nhỏ nằm nép mình bên cồn cát sát bãi biển.

Ngày 14 tháng Giêng (âm lịch), tức ngày 10/2, tại Cồn Bửng, sẽ diễn ra lễ hội Nghinh Ông lớn nhất từ trước tới nay. Đó cũng là ngày khởi công Dự án xây dựng Lăng Ông trị giá 30 tỷ đồng thờ 2 Ông Cá voi. Lễ hội diễn ra trong vòng 5 ngày, với rất nhiều hoạt động thú vị, đặc biệt là lễ Nghinh Ông truyền thống từ nhiều năm nay.

Cả bãi biển rộng mênh mông, những đụn cát cao vọt khỏi mái nhà, đứng từ xa cảm giác như ngôi nhà nhỏ xíu lẩn mất vào trong cát. Gió biển quanh năm ào ào. Cư dân phải trồng những hàng mía trước nhà, vừa có cái để ăn, vừa ngăn gió, ngăn cát.

Mấy đứa trẻ chạy đi một lát, thì bà Đoàn Thị Xê về tiếp khách. Bà Xê cao lênh khênh, gầy còm, cảm giác như gió có thể thổi bay. Là con Út trong gia đình, nên gọi là Út Xê.

Nhắc đến chuyện Cá Ông, bà Út Xê trầm tư, phóng tầm mắt ra phía biển. Bà lặng người xúc động, dụi dụi mắt, rồi mới kể được chuyện. “Chẳng phải riêng tui, mà người dân cả vùng biển này đều coi Ông là máu mủ, ruột thịt, là tổ tiên của mình. Ông không không những cứu mạng nhiều người đi biển, trong đó có tôi, mà còn bảo hộ cuộc sống cư dân suốt đời”.

Bà Út Xê sinh năm 1951, năm nay 66 tuổi. Bà sinh ra ở Giồng Trôm, nhưng được ba má đưa về đây sống từ khi còn nhỏ xíu. Bà hút chết ngoài biển vào năm 1973, khi miền Nam còn chưa giải phóng. Lúc đó, Út Xê mới ngoài 20 tuổi, vừa lấy chồng, chưa có con.

Hồi đó, bà cùng với 4 người, gồm ông Hai Nhã, cô Chuyện, bà Hai Xôi (dì của chồng bà), và bà My (chị chồng), đi làm thuê cho một ông chủ nuôi nghêu. Hàng ngày, họ bắt nghêu, rồi chở ra Cồn Tràm.

Ngày đó tháng 9, trời mát, sau khi ăn cơm trưa, thì nhóm bà Út gồm 5 người lên ghe 7 lá đi thu nghêu, rồi chở đi Cồn Tràm. Ghe chạy ra cửa biển, lúc khoảng 5 giờ chiều, thì hỏng máy, không chạy được nữa.


Bà Út Xê 

Khi mọi người còn đang hoang mang, thì bỗng một cơn sóng mạnh ập đến, đánh lật ghe, khiến ghe chìm nghỉm luôn ở cửa biển. Sau này, bà mới biết, ông Nhã, cô Chuyện biết bơi, lại bám được vào cây gỗ nhỏ, nên đã bơi vào bờ thoát chết. Bà Hai Xôi và bà My thì chìm luôn tại chỗ và chết mất xác.

Hồi đó, mặc dù sống ở biển, nhưng bà Út Xê lại không biết bơi. Khi sóng đánh mạnh, ghe lật, thì bung ra một mảnh gỗ nhỏ, bà Xê bám vào mảnh gỗ đó để thở. Nhưng vì không biết bơi, nên những con sóng mạnh cứ đẩy dần bà ra ngoài biển xa.

Trời tối sập, biển mênh mông một màu đen sì. Út Xê cố rướn người trên ngọn sóng, nhìn vào bờ, nhưng không thấy chút ánh sáng le lói nào cả. Lúc đó, bà tuyệt vọng vì biết rằng, con sóng và luồng nước đã đẩy bà trôi rất xa, không nhìn thấy bóng dáng đất liền đâu nữa.

Cảm giác sợ hãi, mệt mỏi và tuyệt vọng xâm chiếm cơ thể. Cái lạnh thấm sâu và tận trong xương, khiến cơ thể căng cứng. Trước khi ngất xỉu, cứng hàm, không nói nổi nữa, bà chợt nhớ đến hai Ông Cá khổng lồ mà cư dân vùng Cồn Bửng vẫn kể như huyền thoại.

Bản thân bà cũng được nghe nhiều chuyện về Cá Ông cứu người, rồi thi thoảng vẫn nhìn thấy Ông Cá nổi lên phun những cột nước ngoài biển khơi, nhưng bà cũng không tin lắm, nghĩ đó chỉ là huyền thoại. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, bà không biết làm gì khác, ngoài niềm tin cuối cùng, là cầu xin Ông cứu mạng. Bà Út Xê chỉ lẩm nhẩm trong đầu được mấy lần điệp khúc “Ông cứu con với! Ông cứu con với!”, rồi không biết gì nữa.


Cá Ông đã đưa bà Út Xê vào bãi biển này

Mặc dù lúc đó cơ thể lạnh cứng, như thể chết rồi, nhưng bà bỗng có cảm giác nằm trên thứ gì đó, mềm mềm, ấm ấm. Thứ đó nâng bà lên khỏi mặt nước. Rồi bỗng ào một cái, bà văng lên bờ.

Mặt trời lên, cơ thể ấm dần, bà Út Xê tỉnh lại. Bà cố gắng đứng lên nhưng không đứng nổi. Bà cứ bò lổm ngổm trên bãi cát cả tiếng đồng hồ để vào bờ. Đúng lúc ấy, thì chồng tìm thấy bà, đưa vào phía trong cồn cát.

Vị trí Cá Ông đưa bà Út Xê vào bờ, là địa điểm bí mật vận chuyển vũ khí của Đoàn tàu Không số từ Bắc vào Nam. Chồng bà Út theo cách mạng, cùng các chiến sĩ cộng sản vận chuyển vũ khí từ những con tàu vào trong rừng tràm cất giấu, rồi chuyển đi khắp miền Tây.


Bộ xương Cá Ông ở Cồn Bửng 

Nghe tin vợ mất tích ngoài biển, ngay trong đêm ông đã tìm về Cồn Bửng để nghe ngóng thông tin, bất chấp giặc Mỹ từ bốt gần đó ra sức săn lùng quân du kích. Biển cả mênh mông, chẳng thể biết tìm vợ ở đâu. Dù chắc chắn vợ mình đã chìm dưới đáy biển, nhưng ông vẫn khấn vái Đức Ông cứu vợ mình.

Vợ chồng tìm thấy nhau, mừng mừng, tủi tủi. Hai người quyết định dựng ngôi nhà ở chỗ cồn cát, nơi Cá Ông đưa bà vào bờ, để ngày ngày hướng ra biển tạ ơn Cá Ông đã cứu mạng.

Bao năm qua, cứ đến ngày lễ, rằm, bà lại sắm lễ ra ngôi đền thờ Cá Ông để cúng bái.

“Năm 2004, cả hai Ông đều lụy vào Cồn Bửng, ngay trước nhà tui. Đợt đó, không hiểu sao, tui cứ thấy bồn chồn trong người, khó ăn, khó ngủ. Nghe tin Ông lụy, mọi người kéo ra rần rần, tui cũng chạy ra. Mặc dù Ông bị phân hủy nhiều rồi, nhưng tui vẫn có cảm giác chính Ông đã cứu tui thoát chết. Cảm giác Ông mất, mà đau như người thân qua đời, khiến tui bật khóc”.

Từ khi hai Cá Ông lụy, cứ đến ngày lễ Nghinh Ông 22-23 tháng 2 hàng năm, bà Út Xê lại sai con cháu mổ lợn dâng Ông thành kính.

Còn tiếp...
 

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Dương    

Nguồn tin: