Doanh nghiệp có phụ nữ tham gia lợi nhuận lớn hơn, đổi mới tốt hơn
- 16:22 13-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của CIEM, phụ nữ hiện đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế với vai trò doanh nhân, quản lý doanh nghiệp ngày càng nhiều. Hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò kinh tế của họ là điều quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ giúp tăng 26% GDP thế giới, tại Việt Nam có thể tăng được 10% đến năm 2025.
Phát biểu tại Hội thảo thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, khoảng cách về giới đang khá xa. Riêng ở Việt Nam, khoảng cách này đang ở mức trung bình của thế giới."Khoảng cách rút xuống và có được sự cải thiện nhờ sự nỗ lực của chị em. Chúng tôi có dự định tìm hiểu nhu cầu cầu nữ giới, điều tra và khảo sát những thực tiễn tốt. Đồng thời, tìm kiếm những điển hình và tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh", ông Cung nói.
Theo ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp, Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, phụ nữ chủ yếu vẫn làm việc trong nhóm phi chính thức và thuộc nhóm người nghèo, rất ít người là lãnh đạo cao cấp. Phụ nữ thường bị tác động trực tiếp bởi giá sản phẩm tiêu dùng vì họ thường làm các công việc gia đình.
"Tự do hóa thương mại có thể tạo thêm các cơ hội cho phụ nữ. Trước đây cho rằng cải cách không có tác động tới phụ nữ, nhưng thực tế không phải vậy nhưng thực tế thúc đẩy thương mại có thể thu hẹp khoảng cách về giới. Việc cung cấp dịch vụ và hàng hóa cũng có thể tác động đến giới", ông Raymond Mallon nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ giúp tăng 26% GDP thế giới, tại Việt Nam có thể tăng được 10% đến năm 2025.
"Ở cấp độ doanh nghiệp, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia và những công ty này có mức lợi nhuận lớn hơn, doanh nghiệp có thể đổi mới tốt hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trao quyền kinh tế cho phụ nữ sẽ giúp mang lại nhiều kết quả công bằng hơn, cải thiện năng suất và tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó mang lại kết quả xã hội tốt hơn, doanh nghiệp hoặt động tốt hơn", ông nói.
Theo báo cáo của CIEM, phụ nữ hiện đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế với vai trò doanh nhân, quản lý doanh nghiệp ngày càng nhiều. Hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò kinh tế của họ là điều quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Thực tế cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 20 năm, những cải cách về môi trường kinh doanh đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nữ nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ nhỏ và siêu nhỏ.
Tuy nhiên, CIEM cho rằng, các kết quả này không đồng đều. Các doanh nghiệp nữ Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo WEF, quá trình thực hiện “trao quyền cho phụ nữ” đang có những bước đi thụt lùi trong vài năm gần đây. Khoảng cách giới của Việt Nam đã giảm từ vị trí 42 (2007) xuống 62 (2016). Chỉ số về cơ hội kinh tế đã giảm từ vị trí 11 xuống 33. Trong lĩnh vực vực chính trị thứ hạng của Việt Nam còn tụt tới 42 bậc.
Nghiên cứu các tác động của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với phụ nữ hiện chỉ ra rất nhiều bất bình đẳng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ thấp hơn nam; vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của mình còn khó khăn. Đặc biệt, doanh nghiệp nữ đang bị kiểm tra nhiều và chịu mức chi phí không chính thức cao hơn nhiều doanh nghiệp nam.
Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ thấp hơn nam, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có xu hướng giảm khi quy mô doanh nghiệp tăng. Một trong số những khó khăn đối với doanh nghiệp nữ được chỉ ra rằng, doanh nghiệp nữ còn gặp khó trong vay vốn có xu hướng tăng trong khi các doanh nghiệp nam có xu hướng giảm, tỷ lệ phụ nữ phải trả các chi phí chính thức cao hơn nam (năm 2015 lên tới 10 triệu đồng). Phụ nữ cũng thường thiếu kinh nghiệp và kỹ năng khi khởi nghiệp và khả năng vay vốn kinh doanh thấp hơn nam vì vốn xã hội của họ yếu hơn.
Nghiên cứu CIEM khuyến nghị chính sách Nhà nước cần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nữ. Trong đó, đặc biệt chú trong xây dựng khuôn khổ pháp luật kinh doanh bình đẳng giới, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đảm bảo tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có các hỗ trợ như đào tạo, tập huấn, tư vấn, huấn luyện và cung cấp các dịch vụ tư vấn về tài chính và pháp lý.
Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho các hoạt động của hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ. Các khoản vay cần được thiết kế với những số tiền nhỏ được bảo lãnh với chiết khấu tài chính để hỗ trợ nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: