Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bắt bệnh giáo dục đại học Việt Nam – xây nhà không thiết kế

Để bắt bệnh cho giáo dục đại học thì cũng đã có nhiều tranh luận, trong đó đa số cho rằng việc các trường mở ra quá ồ ạt khiến chất lượng giảm sút. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì lẽ số sinh viên đại học trên dân số của Việt Nam chưa phải mức cao, số lượng trường trên quy mô dân số còn thua nhiều quốc gia khác. Có lẽ còn lý do khác then chốt hơn.
Những tranh luận ngày nay tạm đưa ra kết luận là Việt Nam đang có một nền giáo dục đại học trở lên kém cỏi và thiếu cạnh tranh. Ngày càng nhiều người thiếu niềm tin vào nền giáo dục đại học trong nước. Điều đó dẫn tới việc sinh viên ra nước ngoài học ngày càng nhiều.

Du học sinh ngày nay không chỉ đến các quốc gia có truyền thống như Mỹ, Châu Âu, Úc, Singapore mà kể cả các quốc gia láng giềng cũng rất phổ biến như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Ở chiều ngược lại, gần như không có sinh viên nào sang Việt Nam du học ngoại trừ một số ít sinh viên từ Lào và Campuchia.

 
sinh vien 1 1484266692128
Nhìn thẳng vào vấn đề là các trường đại học Việt Nam đang thiếu những chiến lược gia về chương trình đào tạo, thiếu gắn kết doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình... (ảnh: minh họa)

Giao phó cho đội ngũ giảng viên

Để bắt bệnh cho giáo dục đại học thì cũng đã có nhiều tranh luận, trong đó đa số cho rằng việc các trường mở ra quá ồ ạt khiến chất lượng giảm sút. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì lẽ số sinh viên đại học trên dân số của Việt Nam chưa phải mức cao, số lượng trường trên quy mô dân số còn thua nhiều quốc gia khác. Có lẽ còn lý do khác then chốt hơn.

Trong giáo dục đại học từ lúc ý tưởng đến triển khai gồm các bước chính sau: 1) phát triển chương trình (curriculum & syllabus) 2) triển khai đào tạo và 3) nghiên cứu khoa học và phát triển giảng viên. Các bước này giống như muốn xây nhà cần qua các bước thiết kế kiến trúc, xây dựng thô và cuối cùng là hoàn thiện.



Thực tế là các trường đại học Việt Nam hầu hết không có vị trí phát triển và quản lý chương trình một cách chuyên nghiệp. Việc thiết kế được làm qua loa, chủ yếu giao phó cho đội ngũ giảng viên.

Với vai trò của mình, các giảng viên hầu hết tự ý triển khai môn học được giao mà không cần chú ý đến việc các môn khác dạy có liên quan gì đến môn của mình. Các giảng viên sẽ định hướng sinh viên đi theo hướng chuyên môn thế mạnh của mỗi giảng viên mà không quan tâm đến tổng thể một chương trình giáo dục đại học.

Chính vì vậy, chương trình tổng thể với mục đích giải quyết một việc trọn vẹn gần như không được thực hiện. Việc tham vấn doanh nghiệp, bước thiết yếu trong việc thiết kế chương trình lại bị bỏ ngỏ.

Các thầy sẽ dạy kiến thức mình có nhiều hơn là tìm cách đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội. Chính điều đó dẫn tới việc kiến thức được đào tạo tại trường đại học không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tiền đề của việc thất nghiệp trong khi doanh nghiệp vẫn kêu thiếu người.

Vấn đề này đã được Đại học MIT của Hoa Kỳ đề xuất giải quyết qua giải pháp CDIO. Hiện nay các trường tại Việt Nam hiểu và thực sự áp dụng CDIO còn rất ít. Từ đó dẫn tới việc thiếu gắn kết với thực tiễn và thiếu cam kết về chất lượng đào tạo. Hiện nay mới chỉ có Đại học Quốc gia Tp.HCM mới triển khai CDIO đến cho một số rất ít các chuyên ngành một cách có hệ thống.

Tri thức mới ít được lưu thông và phản biện

Vấn đề chính thứ hai là vấn đề giảng viên. Việc thiếu hụt giảng viên đã dẫn tới việc bố trí chương trình tại các trường khá tùy tiện. Nếu thiếu giảng viên một môn nào đó, trường hoặc khoa có thể bỏ luôn môn học đó khỏi chương trình đào tạo. Đồng thời trường tạo thêm vào môn sở trường của giảng viên cơ hữu của mình để thay thế.

Tình trạng giảng viên cơ hữu cũng tạo ra một hệ lụy nặng nề về tri thức. GS. Ngô Bảo Châu có lần đã nói đến việc hôn nhân cận huyết trong các trường đại học Việt Nam. Các sinh viên giỏi ra trường được khuyến khích ở lại trường thay vì đi trường khác.

Bên cạnh đó, việc một giảng viên cơ hữu của trường đại học này chuyển sang dạy ở một trường đại học khác là gần như không xảy ra. Một giảng viên đã vào biên chế của trường thì gần như sẽ dạy học tại đó đến khi nghỉ hưu.

Chính vì lý do đó mà tri thức mới ít được lưu thông và phản biện. Với tốc độ phát triển tri thức như ngày nay thì sự chậm chạp này tất yếu dẫn tới hệ quả xấu cho nền giáo dục đại học Việt Nam.

Không những thế để có giáo trình giảng dạy, các trường khuyến khích giảng viên của mình viết sách mà không sử dụng sách do người khác viết hay dùng sách nước ngoài. Không có sách tham khảo, sách giáo trình viết không có chất lượng khiến cho kiến thức truyền đạt không mang tính hệ thống và đảm bảo chất lượng chuyên môn.

 
2tien si minh 1484266791533
Tác giả bài viết - Tiến sĩ Đàm Quang Minh

Cần kỹ sư thực thụ thiết kế ngôi nhà - Giáo dục đại học

Cuối cùng là vấn đề về nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên. Thực tế mà nói thì những năm qua việc nghiên cứu khoa học của Việt Nam có những nét trưởng thành rõ rệt. Đội ngũ giảng viên ngày càng nhiều người được học tập tại các nền giáo dục tiên tiến trở về Việt Nam. Phần nghiên cứu khoa học và phát triển giảng viên thực chất là phần hoàn thiện của ngôi nhà. Nó sẽ quyết định ngôi trường đó có “đẹp”, có “đẳng cấp” không.

Có càng nhiều NCKH thì giảng viên và sinh viên càng được hưởng lợi từ những dự án có thể kéo thêm sinh viên tham gia. Giảng viên qua đó cũng có thể cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn của mình.

Nhiều chuyên gia hiện nay cho rằng nghiên cứu khoa học yếu kém dẫn tới việc chất lượng giáo dục đại học yếu kém. Thực tế thì nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ kém Singapore, Malaysia, Thái Lan một số lĩnh vực nhưng vượt hơn so với Indonesia và Philippines.

Nhưng Philippines, Indonesia vẫn có nhiều trường lọt vào danh sách các trường có thứ hạng hơn Việt Nam. Những năm vừa qua, số lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam có thay đổi ấn tượng. Nhưng đáng tiếc không vì thế mà chất lượng giáo dục đại học được nâng lên tương ứng.

Vấn đề then chốt ở đây nằm ở khâu trước đó là việc phát triển và xây dựng chương trình. Giống như việc xây tòa nhà thì cần có bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ kiến trúc trước khi thực thi. Tòa nhà càng to lớn thì bản vẽ càng quan trọng. Không thể có tòa nhà hoành tráng 100 tầng mà không có bản vẽ trong tay.

Tuy nhiên có thể thấy tòa nhà giáo dục đại học Việt Nam hiện nay được xây dựng gần như không có bản thiết kế mà dựa vào kinh nghiệm của các thợ xây. Nếu đội thợ xây – tức giảng viên – mà tốt, phối hợp được với nhau sẽ có được ngôi nhà tạm được. Nhưng nếu đội thợ không đủ, nhiều khi còn phải thuê chỗ khác hay sự phối hợp không ăn ý thì sẽ dẫn tới một ngôi nhà được xây một cách tùy tiện.

Muốn có được những điều này cần những kỹ sư thực thụ trong lĩnh vực này. Lĩnh vực đào tạo về thiết kế chương trình (curriculum design) hoàn toàn chưa có ở Việt Nam và vị trí này gần như không có trong biên chế các trường. Bên cạnh đó việc quản trị thông minh cũng chưa được các trường đề cập.

Những việc đổ lỗi cho nghiên cứu khoa học hay tuyển sinh ồ ạt dường như chỉ là phần nổi, phần bề ngoài vì rõ ràng rất nhiều sinh viên học lực trung bình của Việt Nam nhưng đi du học khi trở về có năng lực rất tốt. Nghiên cứu khoa học thì các năm qua tốt lên nhiều nhưng không thay đổi bức tranh của giáo dục đại học.

Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề là các trường đại học Việt Nam đang thiếu những chiến lược gia về chương trình đào tạo, thiếu gắn kết doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình và một chiến lược thực thi hiệu quả. Nếu giải quyết được vấn đề đó, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam sẽ có bước thay đổi quan trọng.

Tác giả bài viết: TS Đàm Quang Minh

Nguồn tin: