Công Phượng có tiến bộ được nữa không?
- 11:11 12-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là câu hỏi mà rất nhiều người hâm mộ đang băn khoăn về Công Phượng. Đứa con cưng nhà bầu Đức dường như bất lực trong việc tìm lại phong độ cho mình, chưa nói đến chuyện tiến xa.
Theo HLV Lê Thuỵ Hải, cùng là dân “du học” như Tuấn Anh, Xuân Trường nhưng cái thiếu và cái khó của Công Phượng là tư duy chơi bóng. Nói như ông Hải thì Phượng “chạy chỗ rất tối” và “quá ham rê dắt”. Hai yếu tố này là vật cản chủ yếu đối với một cầu thủ nếu anh ta muốn thực sự trưởng thành.
Công Phượng khởi đầu mùa giải V.League 2017 bằng một trận đấu bế tắc trên sân Đà Nẵng. Ảnh: Đức Trường.
Khi còn chung lò đào tạo HAGL, nếu Tuấn Anh, Xuân Trường được đào tạo để chuyền bóng thì Công Phượng lại có “đặc quyền” phát triển kỹ năng cầm bóng và đi bóng. Nhưng cầm bóng và đi bóng buộc cả thế giới phải cúi rạp dưới chân mình, thế giới này chỉ có Pele, Maradona của thời xa xưa, và bây giờ là Messi.
Công Phượng dĩ nhiên không thể sánh ngang những huyền thoại ấy. Nhưng anh lại không, hoặc chưa thể chơi bóng như những cầu thủ bình thường khác. Nghĩa là có bóng thì chuyền, phối hợp, chạy chỗ, rồi dứt điểm… Đơn giản mà hiệu quả.
Phượng đã có cả một thời tuổi trẻ được ưu ái chơi thứ bóng đá cá nhân, mà mỗi lần chạm bóng là một lần đột phá, qua người... Anh được ngợi khen nếu những pha bóng kiểu đó thành bàn, hoặc tạo cơ hội cho đồng đội. Ngược lại, nếu mất bóng, bị phản công…, anh gần như không phải chịu trách nhiệm về những “sáng tác” hỏng của mình.
Đấy mới là điều nguy hiểm.
Ở cấp độ cầu thủ trẻ, chơi những giải U hay giao hữu, những đứt gãy từ Công Phượng dễ dàng được HLV, đồng đội và người hâm mộ bỏ qua. Thậm chí triết lý của HAGL là sẵn sàng chấp nhận những rủi ro như vậy để đổi lấy những pha toả sáng.
Nhưng Phượng phải lớn lên, phải chơi những trận đấu khốc liệt hơn. Ở đó, không có chỗ cho những sai lầm. Thậm chí nguy cơ xảy ra sai lầm cũng bị ngăn chặn. Và đó là lý do HLV Hữu Thắng không trọng dụng Công Phượng trong gần một năm ông nắm tuyển Việt Nam.
Công bằng mà nói, ông Thắng luôn tìm cách khai thác hết khả năng của Phượng. Vừa là để giúp ích cho đội tuyển, vừa là để Phượng tìm lại bản sắc của mình sau quãng ngồi dự bị mỏi mòn trên đất Nhật.
Sẽ mãi mãi chỉ là một Công Phượng bùng nổ ở lứa tuổi U19? Ảnh: Quốc Bảo.
Hữu Thắng từng gò Phượng lại, buộc anh phải chuyền nhiều, di chuyển nhiều hơn. Nhưng cũng chính ông từng bung Phượng ra, cho anh được chơi theo đúng kiểu sở trường trong một vài thời điểm. Tiếc là chưa bao giờ ông thành công, và Phượng cũng chưa bao giờ tìm lại được chính mình.
Vấn đề của Phượng đã không còn là sự tự tin hay cảm giác bóng. Nó là câu chuyện về tư duy của một đứa trẻ mang vào sân chơi người lớn. Khi Văn Toàn nổi cáu vì Công Phượng không chuyền mà cứ dợt đi dợt lại trong một pha bóng ở giải U21, thì người ta hiểu rằng Phượng vẫn đang sống bằng cảm quan của một ngôi sao U19 mà thôi.
Nhiều người đã bắt đầu nghi ngờ, Công Phượng sẽ không còn tiến xa hơn được nữa. Ở cấp độ đội tuyển, rõ ràng anh đã tụt lại so với đồng đội Văn Toàn, Văn Thanh, Xuân Trường. Quay lại lứa U23, bắt đầu có những cầu thủ trẻ tiềm năng hơn Phượng, điển hình là Quang Hải…
Trở về khoác áo HAGL, Công Phượng cũng đang rất vất vả để hòa nhập lại với bóng đá nội. V.League không phải thứ gì quá ghê gớm, nhưng chắc chắn nó không phải mảnh đất để Phượng phô diễn kỹ thuật cá nhân. Khi anh húc đầu vô vọng vào hàng thủ Đà Nẵng, HAGL thua trận mở màn mùa giải mới.
Tương lai khó khăn đang chờ Phượng, cũng như lứa trẻ HAGL mùa thứ ba cáng đáng suất V.League cho bầu Đức. Có lẽ là lối chơi cũ kỹ của Phượng không còn hợp thời, hợp tuổi. Nếu không thay đổi, cái tên Công Phượng sẽ rất nhanh chóng chỉ còn là hư danh…
Nguyễn Công Phượng vừa trải qua mùa giải 2016 thất bại toàn diện khi anh chìm nghỉm ở CLB Mito Hollyhock, không để lại bất kỳ dấu ấn nào trong màu áo tuyển Việt Nam tại AFF Cup và mất hút luôn trong các hạng mục giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam.
Tác giả bài viết: Quốc Bảo
Nguồn tin: