Khi người Nghệ ngại nói tiếng Nghệ
- 07:28 10-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiếng Nghệ là một phần cấu thành bản sắc văn hóa Xứ Nghệ. Vậy nhưng, nhiều năm nay, trên nhiều diễn đàn, hội họp, trên kênh truyền hình, trong dẫn chương trình đám cưới… đã xuất hiện hiện tượng pha tạp trong phát âm, tạo nên kiểu phát âm vừa “nửa Bắc, nửa Nghệ”, vừa sai quy chuẩn tiếng Việt.
Đội ngũ giáo viên trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm giàu đẹp thêm tiếng Nghệ.
Cách điệu hay sự pha tạp?
Với đặc điểm cấu âm địa phương, âm thanh phát ra trầm đục, người Nghệ thường cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp với bên ngoài. Phản ứng tâm lý này là thông thường vì mục tiêu của giao tiếp là hướng đến sự thuận tiện, hiểu lời nói các bên. Thế nhưng, điều đáng nói là, trong trường hợp người Nghệ giao tiếp với nhau ngay cùng địa bàn và bối cảnh, nhiều người Nghệ vẫn ngại sử dụng tiếng Nghệ. Thay vào đó, họ tạo nên kiểu phát âm có phần cách điệu. Mặc dù, kiểu phát âm này có phần dễ nghe hơn so với kiểu phát âm theo tiếng Nghệ thông thường do tiếp nhận phát âm theo giọng Bắc, nhưng hiện tượng “nửa Bắc, nửa Nghệ” đã gây khó chịu cho không ít người. Hiện tượng này dễ gặp nhất là ở thanh điệu.
Người Nghệ thường chỉ phát âm 5 thanh, có nơi chỉ có 3 thanh (như Nghi Lộc, một số nơi ở Nghi Xuân) do các thanh hỗn nhập với nhau, riêng thanh ngã (~) không có trong “đặc sản” tiếng Nghệ. Vì thế, những người này đã cố gắng làm mờ bóng dáng phát âm nặng bằng cách sử dụng nhiều thanh ngã. Điều không mong muốn là, do tiếng Nghệ ăn sâu trong máu thịt, tạo nên thói quen không dễ phá bỏ nên khi phát âm như trên, những người này đã tạo nên hiện tượng thanh nặng bị ngã (~) hóa, hoặc bị biến thành nửa hỏi (’), nửa ngã (~). Chẳng hạn như: quan trọng thành quan trõng, ngoài đường ngoài chợ thành ngoài đường ngoài chỡ; hoặc nửa ngã, nửa hỏi như: công tác chuẩn bị thành công tác chuẩn bĩỉ, Hà Nội thành Hà Nỗổi… Hiện tượng này trong ngôn ngữ gọi là sai chính âm, không phải là sai chính tả (sai khi viết).
Ngoài ra, ứng xử ngôn ngữ trên còn tạo ra một hạn chế nữa là phát âm theo giọng gió (âm vực cao của người Bắc), không theo lối phát âm có âm vực sâu của người Nghệ Tĩnh. Hiện tượng khiên cưỡng này cũng không làm đẹp thêm ngôn ngữ Nghệ Tĩnh nói riêng, tiếng Việt nói chung, bởi trong bản chất, việc phát âm của người Bắc cũng nhiều hạn chế, ngay cả MC truyền hình VTV cũng không khắc phục được.
Lựa chọn nào cho phát âm?
Tiếng Nghệ nặng và đục, nhiều nơi mang tính thổ âm khá cao. Đó là hạn chế cơ bản. Vì thế, khi chuyển tải ngôn ngữ này vào truyền hình, phát thanh hay những diễn đàn thu hút đông người thường gây cảm giác khó ưa (trường hợp hay gặp là phỏng vấn người nông dân trên truyền hình, phát thanh). Tuy nhiên, tiếng Nghệ lại có những ưu điểm mà không phải ngôn ngữ nào cũng có được. Dễ thấy nhất là đặc điểm phát âm rõ tiếng, đậm và đục, chính điều này làm cho tiếng Nghệ có độ sâu lắng. Nhiều người đi xa, nhất là kiều bào khi nghe tiếng Nghệ thường gợi cảm giác lưu luyến, nhớ nhà. Đó cũng là lý do giải thích tại sao ví, giặm Nghệ Tĩnh lại có sức sống đặc biệt.
Về sắc thái đặc biệt của tiếng Nghệ, theo Giáo sư Ngôn ngữ học Đỗ Thị Kim Liên: “Tiếng Nghệ có nhiều sắc thái đặc biệt và phải đặt trong các ngữ cảnh, gắn với nội dung cụ thể mới thấy rõ cái đẹp và hay của nó. Chẳng hạn như việc hướng dẫn viên Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) gây ấn tượng mạnh đối với du khách, ngoài lý do khắc phục được một số hạn chế của tiếng Nghệ, thì còn có tác động của nội dung lời nói. Ở đây, hướng dẫn viên giới thiệu về Bác Hồ và gia đình Bác, do đó, giọng đọc mềm mại, thân thương, thiên về gợi tình thương mến, gần gũi”. Từ phân tích này, giáo sư cũng có so sánh lý thú khi đã trải nghiệm hàng chục năm trên giảng đường: tiếng Nghệ tạo ấn tượng rất sâu sắc khi người Nghệ đọc các thể loại văn xuôi; trong khi, người miền Bắc với giọng uyển chuyển, mềm mại, tuy nghe có vẻ hay nhưng đôi lúc làm hỏng vẻ đẹp của tính chất thể loại, tức là, làm cho người ta liên tưởng tới thơ nhiều hơn.
Từ các phân tích, Giáo sư Đỗ Thị Kim Liên cho rằng, đối với phát thanh và truyền hình, việc sử dụng tiếng Nghệ là tất yếu vì khẳng định bản sắc văn hóa, đồng thời, khẳng định các ưu điểm của tiếng Nghệ. Chỉ có điều, phát thanh viên cần khắc phục các hạn chế của tiếng Nghệ, nhất là trong thanh điệu, không sử dụng theo hướng hoàn toàn tuân theo lời ăn tiếng nói của người dân, mà hướng tới chuẩn hóa, vì ngôn ngữ truyền hình, phát thanh là phục vụ đông đảo người nghe cả trong và ngoài tỉnh. Giáo sư cũng nhấn mạnh, phát thanh viên cần phát huy mặt mạnh của các âm quặt lưỡi (tr, s, r) và biết phát huy ưu điểm của tiếng Nghệ trong các trường hợp khác nhau để điều chỉnh, rèn luyện giọng cho phù hợp, tạo ấn tượng đối với người nghe, chẳng hạn như khi tường thuật về trận đánh, sắc thái giọng phải khác với tường thuật thông thường hay đọc các văn bản có tính trữ tình cao.
“Người Nghệ sử dụng tiếng Nghệ” từ lâu đã như là châm ngôn, vừa khẳng định vẻ đẹp của tiếng Nghệ Tĩnh, vừa khẳng định sự tất yếu người vùng nào nói tiếng vùng đó. Thiết nghĩ, sử dụng tiếng Nghệ cần phù hợp với các bối cảnh khác nhau để làm đậm đà bản sắc và tôn lên vẻ đẹp văn hóa. Khi giao tiếp thông thường, bối cảnh hẹp, cần sử dụng tiếng Nghệ theo lối có sao nói vậy (chẳng hạn như có thể nói: trôốc, tru, trù… và một số thổ âm); khi tham gia diễn đàn thu hút đông người thì cố gắng nói theo giọng phổ thông, đúng chính âm. Cùng với việc này, dĩ nhiên, hiện tượng nửa Bắc, nửa Nghệ cần được khắc phục, bởi như cha ông ta hay nói “chửi cha không bằng pha tiếng”.
Tác giả bài viết: Mạnh Hà
Nguồn tin: