'Nuôi con, đừng áp dụng tư duy nuôi... lợn'
- 16:02 09-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Nói là nuôi con như nuôi lợn, có thể nhiều người sẽ chạnh lòng, nhưng sự thật là thế. Người lớn tham cân nặng, tham trẻ béo đâu phải vì yêu trẻ, mà vì muốn thỏa mãn cái sự 'mát tay nuôi trẻ' của mình thì đúng hơn"...
Việc nuôi con to mập, mũm mĩm dường như đã trở thành "áp lực" đối với nhiều bà mẹ Việt. Tuy nhiên, mới đây, bà mẹ Trần Thị Huyền Trang (Hà Nội) đã chia sẻ trên Facebook bài viết "Nuôi con đừng áp dụng tư duy nuôi... lợn". VietNamNet xin đăng tải bài viết gây nhiều tranh cãi này của chị.
Ảnh: The Sun
Ngày xưa các cụ có câu: "Chó gầy hổ mặt người nuôi". Câu nói này không sai nhưng nó chỉ đúng với các loài vật nuôi, không hiểu sao nhiều người mẹ, người bà lại áp dụng tư duy ấy để nuôi con, nuôi cháu.
Nhìn một người lớn béo mập thường người ta sẽ kèm theo lời dèm pha ví dụ như lười tập thể dục, ăn nhiều, lười làm, chậm chạp, ù lì... hoặc may lắm là an ủi "trông phúc hậu", vậy mà trẻ con thì tìm mọi cách nhồi cho các em béo múp míp.
Các thai phụ cũng tìm đủ cách ăn sao cho vào con không vào mẹ. Trên các diễn đàn mang thai và nuôi con nhan nhản những chia sẻ nhờ tư vấn như vậy. Có mẹ còn so bì cả cân lạng của con trong... siêu âm.
Lợi dụng tâm lý này, các hãng thực phẩm tung ra các loại sữa bầu, vitamin tổng hợp... để "con béo mẹ xinh, con thông minh mẹ không mập". Trong khi đó, thai phụ thực ra chỉ cần ăn uống hợp lý, đa dạng là đủ.
Khi sinh, con nặng trên 3 kg (và nặng hơn nữa) thì cả nhà hỉ hả khen, con nhỏ hơn một xíu thì mẹ buồn nhiều xíu. Mình biết, có mẹ còn vì cân nặng của em bé mới chào đời nhẹ hơn con nhà người ta mà bị mắng xối xả khi vừa đẻ xong vì "cái tội lười ăn để cho con còi". Ô hay, các cụ bảo: "Có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn", chắc mọi người đã quên?
Rồi các mẹ nuôi con chừng một vài tháng, lại bắt đầu lăn tăn so bì sao con mình nhỏ quá, lên cân chậm quá, không như con nhà người ta. Thỉnh thoảng tôi lại đọc được một bài kiểu: "Con em 3 tháng mà mới 8kg à, có còi không các mẹ?" hoặc "Làm sao cho con tăng cân hả các mẹ, thấy con nhà người ta lên 1 - 2kg/tháng mà ham quá, con em 4 tháng mà đã lười ăn rồi, hay em cho con ăn bột nhỉ?"...
Vậy là nếu em bé được nuôi bằng sữa mẹ, người mẹ, hoặc bị mắng là sữa loãng, đau đầu tìm cách để sữa "đặc" hơn còn không sẽ có những người "mách nước" dùng bột này bột kia để bé tăng cân tốt.
Khi bé bắt đầu ăn (đáng lẽ phải là tròn 6 tháng thì nhiều người cho ăn sớm hơn nữa) thì không ít mẹ và bà tìm đủ cách nhồi nhét, ép ăn, cho uống thuốc kích thích ăn ngon.
Bạn cứ ra hàng quà sáng đầu phố, nơi tập trung các bà, các giúp việc và cả các mẹ bạn sẽ thấy cảnh ai đó đang quát, đang dỗ, đang xúc, đang nhồi cho em bé ăn bằng mọi giá. Các mẹ lí luận rằng "để nó tự giác thì cả ngày nó không đói đâu". Có những em bé ngày ăn 5 bữa chính và phụ, 6-7 bữa sữa, để cho lên cân tốt.
Hàng xóm nhà mình, có bé gần 3 tuổi, 1 tháng tiêu thụ hết 4 hộp sữa bột 900gr từ khi 9 tháng tuổi, chưa kể mỗi bữa 1 tô cháo to vật vã bằng tô canh mà 9 giờ vẫn thấy bố bé vác ra đường, vừa chỉ xe qua lại vừa xúc cho con.
Trước đó, mẹ bé bị chê sữa loãng, cả nhà ép cai sữa. Bây giờ thì bạn nhỏ ấy không bị ép cháo nữa rồi mà bị ép ăn cơm nát trộn thịt rau xay nát vì bé không biết nhai. Ngoài ra, sữa bé vẫn phải uống đều đều 2 hộp 900gr/tháng.
Nói là "nuôi con như nuôi lợn", có thể nhiều người sẽ chạnh lòng, sẽ phản ứng nhưng sự thật là thế. Người lớn tham cân nặng, tham trẻ béo đâu phải vì yêu trẻ, mà vì muốn thỏa mãn cái sự "mát tay nuôi trẻ" của mình thì đúng hơn.
Trong khi đó, có nhiều tiêu chí khác để đánh giá một đứa trẻ phát triển, là cảm xúc, là nhận biết, là trí tuệ, là khả năng đánh giá vấn đề, tư duy logic, là vận động, là chiều cao và cân nặng. Cân nặng, đáng lẽ là thứ cuối cùng cần được đánh giá thì nhiều người đang đẩy lên thành tiêu chí hàng đầu.
Bữa ăn của bé nên là niềm vui, là món quà hơn là gánh nặng. Tôi quan niệm bé tăng trưởng quan trọng hơn nhiều lần tăng cân. Một em bé hạnh phúc còn cần cả thời gian để chơi đùa, để học tập, chứ không phải chỉ cần ăn.
Tác giả bài viết: FB Trần Thị Huyền Trang
Nguồn tin: