Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đám cưới chồng cũ

Ly hôn nhưng chúng tôi vẫn còn chung chỗ làm, nên cũng không hoàn toàn cắt đứt liên lạc.
Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng tôi chia tay hai năm trước, lúc con gái sáu tuổi. Lý do chia tay là anh sống vô trách nhiệm, không có ý chí tiến thủ, khiến tôi không nhìn thấy  hy vọng nào trong tương lai. Đã vậy anh ngày càng ham đàn đúm nhậu nhẹt, chỉ xem vợ như người phục vụ miễn phí cho các cuộc nhậu tại nhà, người chi trả vô điều kiện cho các cuộc nhậu ngoài đường.

 
5 anb 6105515

Ly hôn nhưng chúng tôi vẫn còn chung chỗ làm, nên cũng không hoàn toàn cắt đứt liên lạc. Dù không muốn nhưng tôi vẫn phải nghe, phải nhìn và bức xúc trước những việc chồng cũ đang làm.

Tôi là người có chút nhan sắc, lại khéo léo trong giao tiếp nên không có vẻ “bị chồng bỏ”. Thấy sống độc thân cũng ổn, nên tôi vui vẻ bên con, tuy nhiều bạn bè nhưng tôi chưa có ý kiếm quan hệ mới. Anh thì ngược lại, bạ ai tán đó, lăng nhăng toàn với những nhân viên mới, một thời gian ngắn lại bỏ. Tuần rồi, tôi nhận được thiệp mời đám cưới của anh, cô dâu mới vào làm ở bộ phận bảo vệ công ty khoảng năm tháng.

Tôi thấy tội nghiệp, muốn gặp cô ấy khuyên vài câu, nhưng ngại cô ấy nghĩ tôi ghen ăn tức ở thì thêm phiền. Tôi cũng phân vân không biết có nên dự đám cưới không. Không đi thì e thiên hạ dị nghị, vì trong công ty ai cũng biết tôi là vợ cũ của chú rể. Nhưng nếu đi thì tôi thấy cũng ngao ngán, không biết chúc mừng họ thế nào. Thật lòng, tôi nghĩ họ không thể có hạnh phúc, sớm muộn gì cũng sẽ đường ai nấy đi mà thôi...
Bích Hạnh (TP.HCM)

Chị Bích Hạnh thân mến,

Thông thường, khi đã bước qua cánh cửa ly hôn, ai cũng nghĩ mọi chuyện xem như xong xuôi hết. Thật ra, sau ly hôn vẫn còn lắm vướng mắc vì quan hệ vẫn còn, lại ở một dạng thức phức tạp hơn, bởi dù hai người có coi nhau là người dưng thì trong mắt thiên hạ, vẫn cứ là vợ chồng cũ, lại còn con cái vẫn chung. Thế nên, chị thấy khó nghĩ cũng là bình thường.

Thư chị nêu hai việc khó. Thứ nhất là muốn gặp vợ mới của chồng cũ, để phân tích thiệt hơn. Chị thấy tội nghiệp người ta, nhưng “tội nghiệp” chưa phải là động lực đủ mạnh để chị quyết định nói chuyện. Có lẽ, chị đừng nói thì hay hơn. Hai người đang say tình, cũng có thể đang trù tính riêng tư nào đó của bản thân mà chỉ có họ mới rõ.

Dù sao họ đã quyết định xong, thiệp cưới đã gửi, mình có nói cũng không thay đổi được gì. Mà giả sử có thay đổi, cũng chưa chắc đã tốt hơn. Thôi thì ai cũng cần có trải nghiệm riêng của mình. Chúng ta đều đã trưởng thành, không ai có trách nhiệm phải “mở mắt” cho ai trong chuyện tình cảm, phải không chị?

Thứ nhì, có đi dự đám cưới hay không thì chị nên tự xét lòng mình, thấy không muốn thì thôi, đừng hành hạ bản thân làm gì. Chị có thể gửi quà mừng, như một thái độ xã giao thông thường là được. Chẳng ai trách móc gì đâu. Chị cũng đừng quá đặt nặng sự phán xét của mọi người, vì người ta là người ngoài, khen chê gì cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.

Giả như có người bình luận cay độc, chị cũng phải bỏ ngoài tai, đừng để bị tổn thương. Chị cũng không nên “tiên đoán” làm gì chuyện người ta sẽ gắn bó lâu bền hay sớm chia tay, có khi lại mang tiếng là mình độc miệng.

Việc thật sự có ý nghĩa chị phải quan tâm là lựa lời giải thích với con gái nhỏ chuyện cha cháu đã có gia đình mới, gần gũi hỗ trợ con làm quen dần với "biến cố" này. Đã quyết định chia tay, chị đừng để những vướng bận ngày cũ ảnh hưởng niềm vui sống của hai mẹ con.

Tác giả bài viết: HẠNH DUNG

Nguồn tin: