Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện của Lượm - "Thằng bé" 21 tuổi lớn lên bên những lọ sơn móng tay của mẹ

21 năm qua chưa một ngày nào cô Phượng để thằng Lượm rời khỏi vòng tay che chở của mình. Thằng Lượm tuy không may mắn có được trí tuệ như những đứa trẻ bình thường, nhưng với cô Phượng, Lượm là món quà quý giá không gì đánh đổi được
"Với nhiều người thì cuộc sống vô cùng đơn giản" - đó là những gì mà nhiếp ảnh gia Alex Phạm đã kể qua bức ảnh mà anh đã chụp vào sáng ngày 9/12, tại chung cư Khánh Hội (quận 4, TP. HCM). 

Bức ảnh tuyệt đẹp ghi lại cuộc đối thoại đặc biệt của một cậu bé bị thiểu năng và một ông chú lớn tuổi đã khiến rất nhiều người, trong đó có tôi cảm thấy vô cùng thú vị.

 
Bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Alex Phạm về nụ cười của cậu bé thiểu năng ở Sài Gòn.
 
Nụ cười hồn nhiên của cậu bé đã không ít lần thôi thúc tôi phải tìm hiểu nhiều hơn về cậu. Và sau vài lần ghé thăm chung cư Khánh Hội, cuối cùng chúng tôi cũng đã có cơ hội gặp gỡ gia đình cậu. Những ngày cuối năm hầu như gia đình nào cũng bận rộn, thế nhưng ở đây mọi thứ lúc nào cũng bình yên.

21 năm mẹ bước theo con

"Em nó tên là Lượm" - cô Phượng (mẹ của Lượm) giới thiệu đôi nét về con trai của mình trong khi soạn mớ đồ chơi cho cu cậu. Hơn 20 năm trước chú Hồng cưới cô Phượng, họ có với nhau hai người con, Lượm là đứa thứ hai.

 
Cô Phượng luôn bên cạnh Lượm gần như tất cả thời gian.

Lượm có tên thật là Nguyễn Anh Khôi, sinh năm 1995. Lúc lọt lòng mẹ, bệnh viện thông báo em bé bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, đồng thời còn bị suy dinh dưỡng, cơ hội sống rất mong manh. 

Có rất nhiều bác sĩ đã từ chối chữa bệnh cho em vì theo như lời cô Phượng kể thì họ nghĩ rằng dù cố gắng chữa trị thì em cũng không qua khỏi được.

 
Lúc sinh ra, thằng Lượm tưởng chừng đã không sống được.

Thế nhưng không vì vậy mà vợ chồng cô Phượng buông tay thằng bé. Họ chở nhau trên chiếc xe đạp cũ, đưa con trai yếu ớt đi từng phòng khám tư để xin giúp đỡ. "Rồi cũng có một bác sĩ nhận chữa cho bé. Cô với chú mừng lắm, dù lúc đó kinh tế còn khó khăn, nhưng ráng chạy vạy để chữa trị. 

Cô lo từng miếng ăn, giấc ngủ, cẩn thận từng chút, rồi dần dần thằng bé cứng cáp hơn, nhiều người hàng xóm còn không tin là thằng Lượm đã có thể khỏe mạnh như vậy" - lời cô Phượng chứa đầy những niềm vui.

 

Lên 10 tuổi Lượm vẫn chưa nhận thức được nhiều, cô Phượng gởi nó vào học tại trường tình thương dành cho trẻ khuyết tật ở gần nhà. Nhờ đến trường, tiếp xúc với thầy cô nên Lượm hiểu được một số điều cơ bản, đồng thời cũng tỏ ra hoạt bát và lanh lợi hơn.

"Thế nhưng trong trường có nhiều đứa con nít nghịch ngợm hay chọc phá, đánh thằng nhỏ. Ba nó xót con nên không cho đi học nữa. Từ đó nó ở nhà với cô" - cô Phượng kể. Nhà thằng Lượm ở quận 6, nhưng hầu như cả ngày nó ở chung cư Khánh Hội (quận 4).

 
Thằng Lượm nghỉ học từ năm 11 tuổi, giờ nó chỉ quanh quẩn ở nhà.

Sáng chú Hồng và con gái lớn đi làm trong xí nghiệp, còn cô Phượng thì bán hàng ăn ở dưới chung cư Khánh Hội. Cô tranh thủ bán vài tiếng đồng hồ rồi chạy lên chăm cho thằng Lượm. Cô tâm sự rằng 21 năm nay gần như cô dành toàn bộ thời gian của mình để ở cùng thằng Lượm.
 
Không gian trên tầng 3 của chung cư là nơi vui chơi của thằng Lượm.

Có duy nhất một lần cách đây vài năm thằng Lượm đợi lâu không thấy mẹ nên đi xuống phố tìm, thế là nó đi lạc. 

Cả nhà lo lắng chạy đi tìm khắp nơi, mất cả đêm mới tìm được cu cậu. Sau lần đó chú Hồng làm một cái mặt dây chuyền có khắc tên, địa chỉ nhà, số điện thoại gia đình cho thằng Lượm đeo trên cổ, phòng trường hợp nó lại đi lạc.
Mặt dây chuyền có khắc các thông tin cơ bản để phòng thằng Lượm có đi lạc thì mọi người còn biết cách liên lạc.

Nụ cười của thằng Lượm

Thằng Lượm thích chơi với những lọ sơn móng tay. Mẹ nó - cô Phượng cũng chẳng biết vì sao, cô cố gắng lý giải bằng việc trước đây em gái cô làm trong tiệm móng tay nên thằng bé được tiếp xúc với những lọ sơn và thích thú với chúng.

 
Thằng Lượm thích xếp những lọ sơn thành những hình thù lạ mắt.
 

Ba của thằng Lượm thì đơn giản hơn, ông chẳng cần biết lý do là gì, chỉ cần thằng Lượm thích thì ông sẽ đi mua về cho nó chơi. 10 lọ, rồi 20 lọ, rồi chú Hồng mua về cả rổ cho thằng bé. 

Mỗi lúc rảnh rỗi, thằng Lượm lại bày những lọ sơn của mình ra xếp thành những hình thù ngay ngắn và sáng tạo. Và rồi nó thích thú, nó cười.

 
Nó cũng thích đồng hồ nữa, ba nó mua cho nó cả chục cái đồng hồ.

Thằng Lượm không biết nói, nhưng nó biết cười. Nó luôn nở nụ cười với những ai nó quý mến. Còn với ba nó, nó thích ôm và hôn mỗi khi ba trở về nhà sau một ngày làm việc. "Nó còn biết lấy dầu xức cho chú khi chú mệt mỏi" - cô Phượng khoe.
 
Thằng Lượm cũng thích vẽ, nó mê những màu sắc.
 

Ở cái tuổi 21, đáng ra thằng Lượm đã sắp tốt nghiệp Đại học, hay một trường cao đẳng nào đó để sẵn sàng kiếm một công việc ổn định, kiếm tiền tự lo cho nó và phụ giúp gia đình. 

Thế nhưng nó vẫn chỉ là một đứa trẻ, không hơn không kém. Nhiều người bảo rằng cha mẹ thằng Lượm thật kém may mắn, nhưng tôi tin cô chú chẳng bao giờ nghĩ thế.

Tôi hỏi: "Có bao giờ cô chú nghĩ đến chuyện sẽ đưa em vào trung tâm nào đó cho người ta nuôi, để mình đỡ vất vả, dù sao cô chú cũng lớn tuổi rồi?". 

Không suy nghĩ lâu, cô nói: "Chưa bao giờ cô nghĩ đến chuyện đó. Con cô nó không may mắn thì phải cố gắng bù đắp cho nó. Dù nó khôngđược như những đứa trẻ khác nhưng mãi mãi vẫn là con của cô, cô không bao giờ vứt bỏ". 

Chú Hồng thì gọn hơn, ông khẳng định: "Có cho tiền để đổi thằng Lượm lấy một đứa con bình thường chú cũng không bao giờ đổi".

 
Với cô chú, thằng Lượm là báu vật không thể đánh đổi.

Nụ cười của thằng Lượm luôn ám ảnh tôi bởi sự hồn nhiên và vô tư lự. Thế giới của nó bé xíu chỉ vỏn vẹn trong vài chục mét vuông trên tầng 3 của chung cư, thế giới chỉ có vài người và ai cũng yêu thương nó, vậy là đủ, đủ cho cái gọi là hạnh phúc.
 
Cuộc sống này vốn dĩ rất đơn giản, chỉ là đôi lúc ta phức tạp nó lên thôi!

Tác giả bài viết: TOÀN NGUYỄN - ẢNH: HOÀNG VIỆT

Nguồn tin: