Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sửa mí mắt, nâng mũi : Điều gì làm nên sự kỳ diệu?

Đôi mắt to long lanh hai mí, mũi dọc dừa... luôn là điều mơ ước của phái đẹp. Tuy nhiên, với đặc điểm của người châu Á, nên nhiều chị em được thừa hưởng vốn tài sản di truyền là mắt một mí, mũi tẹt
Phẫu thuật nâng mũi – cẩn thận với những quảng cáo “bốc mùi”

Dựa vào hình ảnh của những diễn viên Hàn Quốc với ngoại hình đẹp và trào lưu sính Hàn Quốc, một số mỹ viện đưa ra những lời quảng cáo kiểu như “Nâng mũi  Hàn Quốc”, chất liệu Hàn Quốc,… để nâng giá phẫu thuật lên trời. Thật tiếc là chẳng hề có trường phái Hàn Quốc trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chính thống và phẫu thuật nâng mũi cũng không phải là thế mạnh của các bác sĩ Hàn Quốc vì thực tế người Hàn Quốc đa phần có sống mũi khá cao, gọn đẹp tự nhiên nên ít cần can thiệp. Việc chỉnh sửa sống mũi của người Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào việc làm thon gọn hoặc kéo dài đầu mũi. Còn chất liệu nâng sống mũi của Hàn Quốc thì cũng chẳng khác gì mấy so với của những hãng khác. Vấn đề đẹp hay không đẹp của phẫu thuật nâng sống mũi phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, một phần quan trọng là những gì bản thân người đi nâng mũi đang sở hữu. Ví dụ với một khuôn mặt có những đường nét cơ bản hài hòa, tỷ lệ độ dài sống mũi vừa phải, đầu mũi không quá to dày, chỉ có sống mũi bị gãy, thấp thì gần như hiệu quả sẽ rất cao khi nâng sống mũi, dù bác sĩ thẩm mỹ không phải dạng “cao tay” lắm. Những trường hợp khó như mũi ngắn, hếch, đầu mũi quá to, dày thì mới thực sự cần đến những bác sĩ có kinh nghiệm, tay nghề vững. Chúng tôi vẫn nói đùa rằng “Có bột mới gột nên hồ”, thế mà “bột” ở đây quá ít, thậm chí chẳng có thì giỏi lắm cũng chỉ ra được tí cháo loãng. Những trường hợp này cần được tư vấn thật tốt, xác định rõ những gì có thể đạt được sau phẫu thuật, có thể chỉ là sự cải thiện so với những gì mình đang có.
 
Trước và sau bấm mí mắt.
 
Nâng mũi bọc sụn:


Đây là kỹ thuật được sử dụng phổ biến hiện nay, do việc sử dụng chất liệu nhân tạo (silicon dẻo) đơn thuần thường dễ làm da đầu mũi bị mỏng, kích ứng đỏ, lộ chất liệu sau thời gian dài, đặc biệt với những trường hợp đầu mũi ngắn hếch muốn làm dài ra, hoặc mũi muốn nâng thật cao “như Tây”, nên các bác sĩ sẽ lấy một mảnh chất liệu của cơ thể người đi làm đẹp (thường sụn ở vành tai) bọc ra ngoài chất liệu nhân tạo ở phần chỏm mũi để hỗ trợ độ dày cho da đầu mũi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp thì ngay mảnh sụn này cũng tạo ra độ thiếu tự nhiên do cứng hơn sụn thật của đầu mũi, hoặc khi kéo nhẹ căng da đầu mũi sẽ nhìn thấy cả miếng sụn ghép trắng ở dưới, lộ gờ của mảnh sụn... Để tránh việc này, một số bác sĩ thay thế mảnh sụn bằng mảnh cân (một loại mô mềm, dai, ít tiêu ngót, dễ sống khi ghép) vốn có thể lấy khá dễ, an toàn ở vùng sau tai, dưới da đầu hoặc ghép phức hợp cân-sụn với lớp sụn ở dưới, lớp cân ở trên ngay dưới da mũi để tăng thêm độ mềm mại, tự nhiên cho đầu mũi.

Nâng mũi tái cấu trúc:

Gần đây rộ lên phong trào nâng mũi tái cấu trúc, đâu đâu cũng nhận là chuyên gia hàng đầu trong nâng mũi cấu trúc, rồi tái cấu trúc. Thực chất kỹ thuật này bắt nguồn từ việc tạo hình lại mũi cho những trường hợp dị dạng mũi do di chứng khe hở môi - vòm miệng. Khi đó cấu trúc giải phẫu của xương - sụn - phần mềm mũi đều bị thay đổi bất thường nên muốn tạo hình lại mũi cần phải sắp xếp lại các cấu trúc giải phẫu này và do cấu trúc giải phẫu bất thường nên cần phải có các chất liệu hỗ trợ, bù đắp. Chất liệu hỗ trợ chủ yếu được sử dụng là sụn tự thân lấy từ sụn vách ngăn mũi, sụn vành tai hoặc sụn sườn. Với kỹ thuật này, phần đầu mũi có thể được kéo dài tốt hơn so với chỉ sử dụng chất liệu nhân tạo đơn thuần. Tuy nhiên đầu mũi của loại phẫu thuật này thường cứng chắc, ít mềm mại như mũi tự nhiên. Nếu chỉ định phù hợp thì nâng mũi tái cấu trúc có thể mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh theo kiểu được hình dáng của mũi đẹp hơn thì chấp nhận đầu mũi cứng chắc hơn, thêm sẹo nhiều hơn, mổ kéo dài hơn, tốn kém hơn...

Lợi dụng việc có thể kéo dài đầu mũi hơn, nhiều bác sĩ thẩm mỹ áp dụng vô tội vạ kiểu kỹ thuật này và đẩy lên thành trào lưu “nâng mũi tái cấu trúc” chủ yếu để đẩy giá thành lên theo. Khổ nỗi cái cấu trúc của mũi có phải lúc nào cũng cần hay cũng nên “tái” lại đâu. Việc lạm dụng chất liệu tự thân và thay đổi cấu trúc giải phẫu thật của mũi có thể để lại những hậu quả rất tệ hại. Ngoài việc có thể gây biến dạng hay sẹo vùng lấy sụn (vành tai, vùng ngực) thì đầu mũi thường cứng ngắc, và đặc biệt trong trường hợp mũi bị biến dạng, lệch lạc hoặc thiếu thẩm mỹ mà phải chỉnh sửa lại thì đúng là thảm hoạ vì các cấu trúc giải phẫu nguyên bản đã bị can thiệp quá nhiều, nhiều trường hợp không thể sửa nổi. Gần đây đã có khá nhiều mũi can thiệp tái cấu trúc phải chỉnh sửa lại, và xu thế sẽ còn tăng lên vì hậu quả của trào lưu “tái cấu trúc” rầm rộ suốt thời gian qua...

Phẫu thuật tạo mí  – hãy nhìn bằng cả hai mắt

Công bằng mà nói, đa phần mọi người đều công nhận mắt hai mí trông dễ thương hơn mắt một mí. Phẫu thuật tạo mắt một mí thành hai mí, hoặc cắt bớt da trùng, mỡ thừa để trả lại nếp mí to như hồi trẻ là một trong những phẫu thuật được tiến hành nhiều nhất tại các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Kỹ thuật khá đơn giản, kéo dài khoảng 20 – 40 phút dưới gây tê tại chỗ. Tất  nhiên cũng phải mất một thời gian thì mi mắt mới hết sưng nề và dần dần mới đẹp được. Khi phẫu thuật thực hiện đúng chỉ định, kỹ thuật tốt thì thực sự mang lại hiệu quả với đôi mắt đẹp tự nhiên như thật. Tạo mắt hai mí thì đúng là có “trường phái”, hay đúng hơn là quan điểm về cái đẹp khác nhau. Một số bác sĩ, nhất là những người có học theo các thầy Tây thường tạo nếp mí to như người châu Âu mà quên mất rằng mình đang phẫu thuật cho một khuôn mặt của người châu Á. Chính vì thế mà mí mắt tạo ra lại cứ nửa tây nửa ta. Một số diễn viên, cần các đường nét thật rõ khi lên sân khấu, đỡ công trang điểm thì cũng tốt, nhưng khi nhìn cận cảnh đời thường thì chẳng tự nhiên chút nào. Chính vì thế, chị em muốn có đôi mắt đẹp khi đến tư vấn để phẫu thuật rất nên xác định rõ mong muốn của mình, vì thực sự tạo hình mí mắt không dễ dàng để sửa chữa, tránh cảnh “đan đi không tày dặm lại”.
 
Lấy dấu cân sống mũi trước khi phẫu thuật.
 
Về kỹ thuật, tạo mắt hai mí có hai nhóm chính là nhấn mí (hay còn gọi là bấm mí) và cắt mí. Nhấn mí có thể áp dụng cho người có mắt một mí hoặc mí nhỏ muốn làm mí to hơn và cơ bản là da mi chưa bị trùng, ít thừa da. Với ưu điểm là đơn giản, nhanh phục hồi, hầu như không để lại sẹo nên nhấn mí được khá nhiều chị em trẻ lựa chọn. Nhược điểm là nhấn mí thường có độ bền không cao do không loại bỏ được da thừa. Cắt mí là việc sử dụng phẫu thuật cắt bỏ phần da – mỡ thừa của mí mắt, tạo ra nếp mí mới hoặc trả lại nếp mí cũ như thời trẻ cho người đi làm đẹp. Tuỳ cơ địa nhưng việc phục hồi thường mất 2-3 tháng để nếp mi được mềm mại tự nhiên cũng như vết sẹo cắt mờ đi. Cắt mí cũng không có kết quả vĩnh viễn cả đời vì nếp mí có thể vẫn còn nhưng bị nhỏ đi, biến dạng do sự trùng da tiến triển theo tuổi tác.

Ngoài ra có một kỹ thuật khác khá phổ biến là cắt treo cung mày, áp dụng cho những trường hợp mí mắt tự nhiên đẹp nhưng bị trùng da mi nhẹ, hoặc chỉ muốn cải thiện độ sụp của mi mắt mà không thay đổi quá nhiều nếp mi. Kỹ thuật này khá đơn giản, ít sưng, nhanh phục hồi, tuy nhiên sẹo mổ chỉ dễ che giấu nếu có xăm, thêu lông mày...

Đây chỉ là hai loại phẫu thuật thẩm mỹ thông thường, những tai biến kể trên tuy không phải thường xảy ra nhưng rõ ràng là những điều có thể gặp. Phẫu thuật thẩm mỹ đúng là con dao hai lưỡi, nếu biết cách dùng, đúng lúc, đúng chỗ, đúng mức độ thì có thể tạo ra những chuyện thần kỳ, mang lại những điều tốt đẹp cho mỗi người. Ngược lại, nếu lạm dụng, nếu không biết sử dụng nó hợp lý, có thể sẽ mang lại cơn ác mộng cả cho bác sĩ lẫn khách hàng. Chính vì vậy, hãy quyết định một cách sáng suốt, tư vấn kỹ càng trước khi sử dụng con dao hai lưỡi này...

Tác giả bài viết: PGS. TS. Ngọc Vũ

Nguồn tin: