Đời có bao lâu mà giận hờn!
- 15:10 08-01-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Duyên cạn, nợ hết, không còn là vợ chồng, nhưng họ vẫn là bạn bè, còn cái tình với nhau, nghĩa là họ chẳng mất mát gì trong cuộc đời.
1- Ngô Thị Kim Chi là một doanh nhân, diễn giả, giảng viên về kỹ năng mềm được nhiều người biết đến. Nói về hôn nhân, chị cười buồn: “Chúng tôi không hòa hợp nhau về quan điểm sống, dù cả hai đều tôn trọng nhau. Sau rất nhiều nỗ lực hàn gắn nhưng không thể cứu vãn, tôi đành chọn giải pháp ly hôn và tìm niềm vui trong công việc”.
Nhưng chị nhận ra: “Tôi chỉ vui thật sự khi thanh thản nhìn lại sự đổ vỡ, không nuối tiếc gì. Chính vì thế, chúng tôi hết duyên hết nợ nhưng vẫn là bạn bè tốt của nhau, cùng chăm sóc con chung. Con tôi vẫn hưởng đầy đủ tình cảm của cha mẹ, nội ngoại. Cháu học giỏi, khỏe mạnh và rất ngoan”.
Nhưng chị nhận ra: “Tôi chỉ vui thật sự khi thanh thản nhìn lại sự đổ vỡ, không nuối tiếc gì. Chính vì thế, chúng tôi hết duyên hết nợ nhưng vẫn là bạn bè tốt của nhau, cùng chăm sóc con chung. Con tôi vẫn hưởng đầy đủ tình cảm của cha mẹ, nội ngoại. Cháu học giỏi, khỏe mạnh và rất ngoan”.
Chị Kim Chi và con gái
Chị nhớ lại: “Sau khi ly hôn, lúc đầu, tôi buồn và giận lắm. Đó là tâm trạng rất thật của người phụ nữ “thất bại” trong hôn nhân, nhưng rồi tôi nhận ra nếu một trong hai người đã hết yêu, thì cuộc sống gia đình là địa ngục, cho cả hai. Ly hôn mở ra một trang mới trong cuộc sống của mình, thay đổi, sửa chữa những gì chưa được như ý trong thời kỳ hôn nhân bằng thái độ tích cực. Phụ nữ ly hôn là đang "làm lại" cuộc đời mình. Mọi khó khăn dạy tôi biết nhìn vào điều tích cực, giải quyết theo hướng tốt nhất. Tôi tập trung vào việc chăm sóc con, có nghĩa là tôi phải tạo cho con một môi trường sống an toàn và hạnh phúc”.
Chị Kim Chi chia sẻ kinh nghiệm: “Hai người từng yêu nhau, sống với nhau, có con chung, khi chia tay, vẫn tôn trọng, cùng hợp tác với nhau nuôi dạy con, là điều chẳng dễ dàng. Thế nhưng, sự tự ái, ích kỷ cá nhân không thể lớn hơn lợi ích của con cái. Con gái tôi vẫn có bố, và tôi chưa bao giờ nhắc lại “chuyện cũ tệ hại” với con. Những gì tôi nói với con luôn nhằm vào việc phát triển bền vững thêm tình cảm cha con, hướng con nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.
Thế nhưng, chị vẫn xót xa khi con bé ngây thơ hỏi: “Sao bố mẹ vẫn gặp nhau nói chuyện vui vẻ, mà không sống chung một nhà?”. Lời con trẻ khiến người lớn phải tìm câu trả lời cho con, cho cả mình. Chị nói với con: “Vì bố mẹ hết yêu nhau, cũng hết duyên rồi, nên phải sống riêng thôi”. Con bé lại hỏi: “Thế thì bao giờ bố mẹ lại yêu nhau nữa?”.
Chị phải trả lời tiếp: “Bố mẹ hết yêu rồi, nhưng còn thương nhau, giúp đỡ nhau và cùng yêu con nhiều lắm”. Con bé không hỏi nữa, nhưng chị phải trang bị cho con cách suy nghĩ để nâng đỡ bản thân. Con gái đi học, biết tự học bài, sắp xếp đồ đạc quần áo… Chị nói với con rằng, mỗi người đều có cuộc sống riêng, số phận riêng. “Khi con buồn, đừng bao giờ đổ thừa cho ai, mà hãy làm cho mình vui lên, biết hài lòng với những gì mình có”.
Tuy vậy, đàn bà vẫn có những phút yếu lòng. Khi chồng cũ thông báo lấy vợ, chị không thoát được cảm giác ghen tỵ, trống trải. Người ta đâu còn là của mình, biết là thế, nhưng cũng là người của một thời từng yêu mình say đắm.
Nhưng thôi, tiếp sau những đêm mất ngủ là những đêm suy nghĩ thấu đáo, chị thấy mình buồn nghĩa là mình ích kỷ quá, lại cũng chỉ mình khổ, chị chuyển hóa ích kỷ thành mong muốn anh ấy hạnh phúc bên người vợ mới. Dù tình yêu không còn, thì còn tình nghĩa. Chị cũng cảm thấy hạnh phúc vì trái tim của mình trưởng thành và đã biết bao dung.
Con gái ở cùng mẹ, thứ Bảy, Chủ nhật, chị đưa con sang nhà nội. Đó là khoảng thời gian con được ông bà nội và bố quan tâm, yêu thương. Chồng cũ của chị đã lập gia đình mới, có hai con trai. Con gái chị có thêm một gia đình đầm ấm.
Chị cho biết: “Điều tuyệt vời nhất là con tôi rất hạnh phúc. Tôi rất quý, tôn trọng gia đình, vợ con của anh ấy. Dĩ nhiên, tôi vẫn giữ giới hạn tế nhị trong giao tiếp với chồng cũ, và tôi thật lòng trò chuyện cởi mở với vợ anh ấy. Đời có bao lâu mà… hờ hững, giận hờn nhau mãi”.
Để có tâm thế tốt như vậy, chị Kim Chi cho biết: “Tôi luôn có cái nhìn thực tế. Ngoài công việc, tôi tích cực tham gia vào các hiệp hội, các hoạt động xã hội, mở rộng các mối quan hệ, chơi thể thao, học cách làm đẹp và đặc biệt là yêu thương, chăm sóc bản thân mình nhiều hơn”.
2. Chị N.T.T.Y. lấy chồng năm 26 tuổi, chung sống được ba năm thì đường ai nấy đi vì hết duyên phận. Chị vui vẻ cho biết: “Vợ chồng tôi chia tay nhau khá nhẹ nhàng, không cãi vã. Vì không hợp tính nên cả hai đều xác định khó có thể cùng nhau đi xa trên con đường dài, phải chia tay, chứ hoàn toàn không phải vì ai phản bội ai. Lúc nhận quyết định ly hôn còn… rủ nhau đi ăn. Chỉ có má chồng âm thầm khóc, bà nói thương cho cháu nội. Tôi hứa với bà, dù vợ chồng chia tay, nhưng đã là ba má thì không bao giờ thay đổi và cháu vẫn là cháu nội của ông bà. Vì vậy, hai năm qua, tôi vẫn cố gắng giữ quan hệ tốt với gia đình chồng. Mỗi khi má chồng có dịp lên Sài Gòn, đều nhắn tôi sang nhà. Thỉnh thoảng, bà vẫn gửi thức ăn lên cho các con, và tôi không bao giờ bị thiếu phần”.
Chị T.Y và con gái
Kể về người mẹ chồng cũ, chị T.Y. xúc động: “Mỗi lần nghe má chồng nói, má đi nhà thờ đều cầu nguyện cho con được hạnh phúc, tôi lại khóc. Tôi không thể nào quên khi má ôm chầm lấy tôi mà nói: “Vợ chồng chia tay, má sợ mất con. Thôi thì không đủ phận làm dâu thì trở thành con gái má nghe con! Nhà này vẫn luôn mở rộng cửa chào đón con”. Thú thật, vì có má chồng tuyệt vời như vậy, nên tôi dễ tâm sự với bà hơn cả mẹ ruột”.
Chị T.Y. cho biết, sở dĩ vẫn giữ được mối quan hệ tốt với chồng cũ là vì cả hai đều xác định không còn duyên nợ, nên chẳng khó dễ nhau làm gì. Hơn nữa, vì được má chồng cũ rất thương yêu, nên chị muốn giữ gìn cái nghĩa. Ngày trước, khi mới chia tay, thỉnh thoảng chị và chồng cũ vẫn gặp nhau đi ăn uống, cà phê. Sau này, anh ấy có bạn gái nên chị tế nhị, hạn chế gặp gỡ. Chị Y. và chồng cũ vẫn thỏa thuận “ngầm”, lúc nào rảnh thì tranh thủ chở con đi chơi hoặc về thăm nội, để bé không bị thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm.
“Giữ được mối quan hệ tốt với chồng cũ, cũng là cha của con mình, tất cả là vì đứa trẻ. Con sẽ được bảo đảm sự chăm sóc tốt từ cả hai phía cha và mẹ, vậy lý do gì không giữ gìn? Tôi tâm niệm mình không thể cùng xây hạnh phúc với người ấy thì nên cầu mong người ta sẽ được hạnh phúc. Vì mình đã xác định, duyên nợ đôi ta chỉ tới đó, nên không có gì phải hối hận, cay cú, hơn thua. Tôi không may mắn trong hôn nhân nhưng bù lại được gia đình anh ấy yêu thương và tôn trọng, nên luôn cố gắng giữ gìn cái nghĩa tình quý giá ấy”, T.Y. cho biết.
Vậy mới biết, ly hôn không phải là giải pháp làm “con mất cha”. Chính tình yêu thật sự đối với con giúp người làm cha mẹ biết cách ứng xử với nhau. Duyên cạn, nợ hết, không còn là vợ chồng, nhưng họ vẫn là bạn bè, còn cái tình với nhau, nghĩa là họ chẳng mất mát gì trong cuộc đời.
Tác giả bài viết: Trường Sơn- Khánh Thủy
Nguồn tin: