Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gần Tết, "sóng" bất động sản TPHCM ồ ạt đổ về khu Đông

Với việc hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu đô thị Thủ Thiêm đang dần trở thành trung tâm mới của TPHCM... khiến bất động sản khu Đông Sài Gòn "dậy sóng". Cận Tết Đinh Dậu, thị trường nhà đất khu Đông bất ngờ "sốt xình xịch".
Nới rộng "manh áo giao thông"

Bất động sản khu Đông TPHCM vốn dĩ yên ắng trong thời gian dài vì những thông tin kẹt xe cục bộ ở cảng Cát Lái. Những "ông buýt, ông container, ông taxi"... oanh tạc một số tuyến đường khu Đông khiến nhiều người ngại chọn nơi đây làm "chốn an cư".

Thế nhưng, trong những năm gần đây, với sự tập trung đầu tư của TPHCM, bộ mặt hạ tầng nơi đây có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), kể từ sau sự cố ô nhiễm mùi hôi thối từ bãi rác ở khu Nam, thị trường nhà đất đang có sự "đổ bộ" vào khu Đông nhờ hưởng lợi từ yếu tố hạ tầng giao thông.

 
1img 9283 1483764166850
Bất động sản khu Đông sôi động nhờ bài toán giao thông được giải quyết triệt để

"Sở dĩ khu Đông phát triển mạnh không chỉ đơn thuần là nhờ khu đô thị Thủ Thiêm đang ngày càng định hình là trung tâm mới của TPHCM mà là nhờ "manh áo giao thông" của khu vực này đang được nới rộng và hoàn thiện", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

Điều đáng ghi nhận nhất chính là mới đây, TPHCM đã chấp thuận đề xuất của HoREA cho phép xe máy được vào 4 km cao tốc TP HCM - Long Thành. Việc cho xe máy chạy vào đoạn cao tốc nội đô dài hơn 4 km - nối từ đường Vành đai 2 đến nút giao An Phú (quận 2) - giúp giải tỏa ùn ứ ở khu vực này.

Tại cuộc họp về giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM sáng 13/12, trả lời Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc có thể cho xe máy vào đoạn đường cao tốc từ Vành đai 2 đến nút giao An Phú nhằm giảm ùn tắc giao thông không, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: 4 km đoạn đường này trong thiết kế vẫn là cao tốc nội đô, tuy nhiên, trước nhu cầu của TPHCM vẫn có thể cho xe máy vào được.

"Làm dải phân cách mềm để xe máy chạy sẽ không ảnh hưởng. Sắp tới VEC sẽ báo cáo với Bộ GTVT để bàn giao đoạn này cho thành phố có thể cho xe máy vào, giảm ùn tắc ở nút giao An Phú", ông Anh nói và cho hay về lâu dài hai bên cao tốc sẽ có tuyến song hành, bắt đầu triển khai xây dựng, đây cũng là giải pháp phù hợp lâu dài.

 
2img 9284 1483764166853
Trung tâm TPHCM đang dịch chuyển về khu đô thị Thủ Thiêm

Một công trình quan trọng khác góp phần tạo ra cơn sốt bất động sản khu Đông chính là Công trình nút giao Mỹ Thủy (quận 2) được khởi công vào tháng 6/2016.



Với tổng đầu tư gần 840 tỷ đồng từ vốn ngân sách, giai đoạn một dự án gồm: cầu vượt 4 làn xe theo hướng đường Vành đai 2; hầm chui theo hướng rẽ trái từ Vành Đai 2 đi Cát Lái; xây cầu Kỳ Hà 3; các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy. Công trình nút giao Mỹ Thủy sẽ góp phần giải quyết bài toán giảm ùn tắc cho các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái - lớn nhất Việt Nam.

Giá đất tăng đến 40%

Rõ ràng, việc giải quyết được bài toán giao thông đã khơi thông dòng chảy bất động sản khu Đông Sài Gòn. Trong khi quỹ đất và nguồn cung trong trung tâm TPHCM đang cạn kiệt và có giá thành rất cao, thì hiện nay xu hướng của người mua đang đổ bộ về các vùng ven, trong đó khu Đông đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.

Với số vốn đầu tư “khủng” để nâng cấp hạ tầng, quỹ đất sạch, giá cả hợp lý cùng các dự án của những chủ đầu tư uy tín, quận 2 và quận 9 đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của giới đầu tư bất động sản, tạo nên những cơn “sóng” giao dịch ở hầu hết các phân khúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, các dự án bất động sản tại quận 9 chủ yếu đều tập trung dọc tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, kéo dài khoảng 10km đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc ở đầu đường Nguyễn Duy Trinh. Trong đó, có sự góp mặt của nhiều đại dự án lớn của các chủ đầu tư lớn như Kiến Á (Citi Soho), Him Lam, Khang Điền, Novaland...

Cuối năm 2016, giá đất bình quân nhiều tuyến đường tọa lạc tại khu vực quận 2, 9, Thủ Đức, thuộc phía Đông Sài Gòn đã leo thang, mức tăng phổ biến khoảng 5-10%, cao nhất lên đến trên 40% so với cùng kỳ năm 2015.

Nóng nhất khu Đông TP HCM là tuyến đường Lê Văn Việt ghi nhận tăng 42%, giá đất từ cột mốc bình quân 42 triệu đồng mỗi m2 đầu năm đến nay đã chạm ngưỡng 59,47 triệu đồng mỗi m2.

 
3img 9272 1483764166848
Giá đất quận 2 đang tăng chóng mặt

Khu vực nhộn nhịp không kém là vòng xoay Phú Hữu cũng ghi nhận sự tăng đột biến vì đang có nhiều dự án mọc lên và hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Nguyên nhân tăng giá được cho là ăn theo hạ tầng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến đường Gò Cát tăng 34%, từ 13 triệu đồng mỗi m2 nhảy vọt lên 17,5 triệu đồng mỗi m2. Bưng Ông Thoàn tăng 30%, đang giữ mức 36,3 triệu đồng mỗi m2... Đường Đỗ Xuân Hợp cũng ghi nhận tăng 30%, hiện được định giá bình quân 52 triệu đồng mỗi m2. Đường Mai Chí Thọ đoạn kết nối với khu đô thị Sala cũng ghi nhận từ 46,8 triệu đồng mỗi m2 đã vọt lên 62,5 triệu đồng mỗi m2.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, dự kiến đến năm 2017, nguồn cung căn hộ tại quận 2 và quận 9 sẽ tăng mạnh lần lượt là 58% và 200%. Tương tự, tổng diện tích sàn xây dựng các trung tâm thương mại dự kiến sẽ tăng 10% tại quận 2 trong vòng 3 năm tới.

Ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc DKRA cho rằng, bên cạnh những lợi thế về hạ tầng, yếu tố quan trọng bậc nhất giúp cho thị trường bất động sản phía Đông Sài Gòn, đặc biệt là khu vực quận 9 sôi động thời gian qua là sản phẩm có giá phù hợp và nhu cầu nhà ở đang gia tăng rất mạnh. Hơn nữa, một khi cởi bỏ "manh áo chật" giao thông, chắc chắn bất động sản sẽ được hưởng lợi.

Tác giả bài viết: Công Quang

Nguồn tin: