Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


4 cách giúp Trump xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên

Trump có nhiều giải pháp, từ đàm phán cho tới đánh đòn phủ đầu, để loại bỏ nguy cơ bị Triều Tiên tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 3/1 viết trên Twitter rằng khả năng Triều Tiên sắp phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Mỹ như tuyên bố trong dịp năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "sẽ không xảy ra", theo USA Today.

Theo các chuyên gia kiểm soát vũ khí, cựu chuyên gia đàm phán và các nhà phân tích, sau khi nhậm chức, ông Trump sẽ có khá nhiều lựa chọn, từ ngoại giao cho tới quân sự, để có thể ngăn chặn việc Triều Tiên sở hữu một loại tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho nước Mỹ.

Hợp tác với Trung Quốc

Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên, thay vì gây căng thẳng với quốc gia đóng vai trò là đồng minh và là người bảo trợ lớn nhất của Bình Nhưỡng, theo Chris Hill, trưởng đoàn đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush.

"Nếu có một giải pháp, thì giải pháp đó sẽ là hợp tác với Trung Quốc", Hill nói. "Tổng thống đắc cử cần phải rất thận trọng khi khơi ra những cuộc khẩu chiến với Trung Quốc về vấn đề thương mại hay chính sách 'Một Trung Quốc', bởi ông ấy sẽ cần đến rất nhiều thứ để giải quyết vấn đề Triều Tiên".

Kể từ khi đắc cử, Trump đã khiến giới chức Bắc Kinh nổi giận khi có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại quy tắc ngoại giao đã được thiết lập trong hàng chục năm qua. Trump sau đó thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ không cần phải bị ràng buộc bởi chính sách "Một Trung Quốc", trừ phi Bắc Kinh chịu hợp tác "trong những lĩnh vực khác, trong đó có thương mại".

Đến nay, những lời chỉ trích của Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên chưa phát huy hiệu quả. Tuyên bố về vụ thử tên lửa đạn đạo của ông Kim được đưa ra sau khi Bắc Kinh đồng ý với các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó bao gồm việc cắt giảm lượng than đá xuất khẩu, một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Theo các chuyên gia, nếu sự hợp tác Mỹ - Trung diễn ra tốt đẹp, Bắc Kinh có thể gây sức ép bằng cách đe dọa giảm bớt hoặc cắt đứt nguồn viện trợ lương thực, năng lượng cho Bình Nhưỡng, buộc Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình hạt nhân và các vụ thử tên lửa của mình.

"Tôi sẽ đặt quan hệ hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên lên trên nỗ lực thay đổi hiện trạng quan hệ với Đài Loan hay quan hệ thương mại Mỹ - Trung", Hill nhận định.

Tăng cường phòng thủ khu vực

Ông Trump có thể cùng đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường các hoạt động răn đe Triều Tiên, theo Richard Bush, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings ở Washington.

Theo phương án này, Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình triển khai hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, tăng quy mô các cuộc tập trận bắn đạn thật với quân đội đồng minh ở Đông Bắc Á. Các hoạt động quân sự này sẽ buộc Triều Tiên phải huy động nguồn lực để giám sát và sẵn sàng đáp trả, bởi họ khó có thể phân biệt được đâu là một cuộc tập trận bình thường, đâu là hành động chuẩn bị tấn công qua biên giới.

Sau khi được triển khai, THAAD sẽ trở thành một phần trong mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ trên Thái Bình Dương, có thể bắn chặn bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên nhắm tới lãnh thổ Mỹ. Các quan chức quân sự Mỹ khẳng định qua các cuộc thử nghiệm, THAAD đã thể hiện được khả năng đánh chặn của mình trước số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo phóng từ Triều Tiên.

 
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-10 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Bên cạnh các hoạt động tâm lý chiến, không quân Mỹ có thể điều thêm máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua bầu trời Triều Tiên và tham gia vào các hoạt động để "tác động tới suy nghĩ của người Triều Tiên", Bush nói.

Đàm phán

Cuộc đàm phán 6 bên cuối cùng về chương trình hạt nhân Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2009 và vẫn đang bế tắc khi chính quyền Obama hiện nay yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa như một điều kiện tiên quyết để tái khởi động đàm phán. Nhưng Triều Tiên thẳng thừng tuyên bố vũ khí hạt nhân là công cụ tự vệ hợp pháp và chương trình này không phải là thứ để đàm phán.

Ông Trump, một tỷ phú nổi tiếng với tài đàm phán và thương thuyết, từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ ngồi nói chuyện trực tiếp với Kim Jong-un "bên chiếc hamburger" để chấm dứt tham vọng hạt nhân Triều Tiên.

"Trump tự ca ngợi mình như bậc thầy về thương thuyết", Yang Moo-hin, giáo sư Đại học Triều tiên học ở Seoul, nói. "Ông ấy sẽ tìm cách đàm phán trước và khi làm như vậy, Trump cần làm cho Triều Tiên hiểu rõ về các hậu quả quân sự của việc vi phạm thỏa thuận".

Tấn công phủ đầu

Nếu ông Trump muốn "nhanh chóng chặt đầu con rắn" mà không cần phải huy động 100.000 lính Mỹ đang đóng quân ở Hàn Quốc tiến vào Triều Tiên, ông có thể ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào thủ đô Bình Nhưỡng, theo Robert Kelley, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Kelley nói rằng ông không ủng hộ giải pháp tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, nhưng ông Trump – người từng tuyên bố "sẵn sàng vứt bỏ những cách làm cũ xưa ra ngoài cửa sổ" – có thể tính đến phương án đầy mạo hiểm này.

"Trong ngắn hạn, biện pháp này sẽ loại bỏ được mối đe dọa", Kelley nói.

Tuy nhiên, một quyết định tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho chính nước Mỹ. "Hãy thử tưởng tượng Triều Tiên có những đầu đạn hạt nhân được cất giấu nơi khác và chỉ huy ở đó được quyền phóng tên lửa khi Mỹ tấn công phủ đầu vào Bình Nhưỡng. Việc loại bỏ ông Kim Jong-un và các cấu trúc lãnh đạo của Triều Tiên không xóa bỏ được mối đe dọa", James Acton, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói.

 
Ông Kim Jong-un (áo đen) và các tướng lĩnh quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Năm 1994, Mỹ từng triển khai một tàu sân bay để tìm cách không kích các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, theo hồi ký xuất bản năm 2000 của cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam. Cuộc khủng hoảng chỉ kết thúc sau khi cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter trao đổi với cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Từ đó đến nay, năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã gia tăng đáng kể. Một cuộc không kích "chặt đầu rắn" của Mỹ vào thủ đô Triều Tiên có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện, giết chết hàng triệu người trên bán đảo, đẩy Hàn Quốc vào bờ vực bị hủy diệt.

"Ông Trump vẫn chưa tìm hiểu sâu về bài toán Triều Tiên, nhưng ông sẽ sớm nhận ra chỉ có hai giải pháp: đánh hoặc đàm", Park Hwee-rhak, giám đốc trường Chính trị và Lãnh đạo thuộc Đại học Kookmin Hàn Quốc, nhận định. "Dù gì đi nữa, Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân của mình. Mọi cách nghĩ khác đều chỉ là né tránh thực tế".

Tác giả bài viết: Trí Dũng

Nguồn tin: