Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô gái đi xe máy bị bắt do... đụng ô tô?

Ba lần tòa mở phiên xử đều không kết tội được bị cáo, phải trả hồ sơ vì vụ án có những điểm chưa rõ, tòa từng yêu cầu điều tra bổ sung thì CQĐT, VKS không đáp ứng…
Mới đây, TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) đã mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ Thạch Thị Bé Trúc (SN 1994, quê Trà Vinh) bị VKS huyện này truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sau một buổi xét hỏi, HĐXX đã hoãn phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Điều đáng nói đây đã là lần thứ ba tòa trả hồ sơ vì vụ án có nhiều điểm chưa rõ mà tòa từng yêu cầu điều tra bổ sung trong hai lần trước đó nhưng CQĐT và VKS đều không đáp ứng.

Chở bạn, đụng phải ô tô làm bạn chết

Theo cáo trạng của VKSND huyện Củ Chi, vào lúc 22 giờ ngày 27-3-2015, Trúc (công nhân) chạy xe máy chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc đi trên đường nông thôn. Khi đến ngã tư, băng qua đường Trần Văn Chẩm, xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ TNGT làm chị Ngọc tử vong tại bệnh viện sau bốn ngày chữa trị do chấn thương sọ não.

Theo cáo trạng, tài xế Hoài “có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái”; Trúc có lỗi chính điều khiển xe máy “không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ”.

Trúc bị truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 202 BLHS (khung hình phạt từ ba năm tù đến 10 năm tù). Tháng 3-2016, Trúc bị bắt tạm giam cho đến nay.


Bị cáo Trúc tại phiên tòa sơ thẩm lần ba. Ảnh: L.Trinh

Không đáp ứng yêu cầu của tòa

Tháng 5-2016, TAND huyện Củ Chi đã mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu nhưng trả hồ sơ yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định tốc độ của xe ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai của người làm chứng (trong cáo trạng không có người làm chứng và lời khai nào - NV).

Tháng 9-2015, TAND huyện Củ Chi mở phiên xử sơ thẩm lần hai và tiếp tục trả hồ sơ vì các yêu cầu của tòa trong lần trả hồ sơ thứ nhất chưa được CQĐT, VKS đáp ứng. Đến phiên tòa sơ thẩm lần ba mới đây, CQĐT và VKS cũng vẫn chưa trưng cầu giám định tốc độ ô tô, chưa lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của tòa nên tòa lại trả hồ sơ.

Lần này, tòa có thêm một yêu cầu là CQĐT phải làm rõ người lái xe ô tô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài hay không (ngoài năm sinh 1979 thì cáo trạng không nêu thông tin nào khác về nhân thân ông Hoài - NV). Bởi lẽ tại phiên tòa, bị cáo Trúc khẳng định người lái chiếc ô tô lúc va chạm không phải là ông Hoài này mà là một người đàn ông tên Tùng. Ô tô chạy qua ngã tư với tốc độ rất cao và không mở đèn xe. Những tình tiết này đều không được CQĐT, VKS ghi nhận trong hồ sơ vụ án.

Đặc biệt, mẹ của nạn nhân Ngọc cũng khai sau lúc xảy ra tai nạn, có một người đàn ông tên Tùng đã đến bệnh viện thăm hỏi gia đình. Ông Tùng thừa nhận với gia đình bà rằng chính ông là người lái xe, đồng thời là chủ chiếc ô tô gây tai nạn (cáo trạng không đề cập đến việc chủ chiếc ô tô trong vụ tai nạn này là ai - NV).

Tài xế ô tô say xỉn?

Tại ngã tư nơi xảy ra tai nạn, một người dân sống ở đây và có mặt tại hiện trường ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn cho chúng tôi biết rất bất ngờ trước thông tin Trúc bị bắt. Người này kể: “Tôi nghe cái ầm, biết có TNGT nên chạy ra xem. Tôi thấy một cô gái nằm tuốt trong cánh cửa nhà người dân, cách ô tô khoảng 18 m. Một cô gái khác nằm trong gầm ô tô. Đầu ô tô dính vào cột điện. Tài xế ô tô cứ ngồi trong xe rú ga, không biết muốn chạy tới hay lui vì xe đã vướng cứng vào cột điện. Tôi sợ xe tới hay lui gì cũng cán phải cô gái trong gầm nên chạy đến đập mạnh vào thùng xe thì tài xế mới chịu xuống. Tài xế đó xỉn mà, bước xuống xe tôi nghe nồng nặc mùi rượu bia. Sau tai nạn, không ai tới lấy lời khai hay kêu tôi ra làm chứng cả. Tôi tưởng sự việc đã được giải quyết, tài xế say xỉn gây tai nạn đã bị xử lý…, ai dè người bị bắt lại là cô gái bị bay 18 m. Tội nghiệp quá!”.

Bà Đinh Thị Thắng (mẹ của nạn nhân Ngọc) cũng cho biết bà đang kêu oan cho bị cáo Trúc vì cho rằng tài xế ô tô say rượu lái xe qua ngã tư không làm chủ tốc độ mới gây ra tai nạn. Bà cũng phản đối việc cáo trạng ghi rằng bà yêu cầu Trúc bồi thường chi phí mai táng: “Tôi đâu có đòi Trúc đền tiền đâu. Nghe nói cáo trạng ghi tôi đòi Trúc bồi thường thiệt là nghiệt ngã quá!”. Bà cho biết gia đình chỉ yêu cầu phía xe ô tô bồi thường chi phí mai táng 130 triệu đồng, bên ông Hoài đã đến đưa cho gia đình 65 triệu đồng gọi là “hỗ trợ”…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

 
“Tôi chỉ biết chờ pháp luật giải quyết”

Cha của Trúc là người dân tộc Khmer, không biết chữ. Mỗi lần đi thăm con gái, ông chạy chiếc xe máy cà tàng vượt hơn 200 km đến Nhà tạm giữ Củ Chi. “Kệ, ráng chạy từ từ rồi cũng tới à, cô ơi! Chứ đi xe đò sẽ tốn tiền hơn, để phần tiền đó gửi cho con Trúc. Tội nghiệp, Trúc nó lấy chồng sớm, chừng ấy tuổi mà có hai con rồi. Ở quê nghèo khổ quá mới lên đây làm công nhân, rồi bị nạn thế này. Ngày bị bắt, đứa con nhỏ của nó mới hơn hai tuổi… Tôi thương con quá mà không biết phải làm sao, chỉ biết ngồi chờ pháp luật giải quyết!” - ông gạt nước mắt nói với chúng tôi.

Tác giả bài viết: Lệ Trinh

Nguồn tin: