Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những hiện tượng thời tiết quái đản, dị thường năm 2016

Năm 2016, không một vùng miền nào là không chịu tác động từ thời tiết cực đoan và bất thường.
Giá rét kỷ lục, tuyết rơi diện rộng đầu năm

Từ 22-27/1, miền Bắc đón đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông 2015-2016. Ở Bắc và Bắc Trung Bộ, tuyết phủ trắng xóa ở vùng cao của 11 tỉnh thành. 

Cơ quan khí tượng nhận định, đây là đợt lạnh mạnh nhất trong 40 năm qua với hàng loạt kỷ lục được ghi nhận. Ngày 24/1, trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận nhiệt độ -4 độ C; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng -4 độ C. Tại Hà Nội, lần đầu tiên đỉnh núi Ba Vì tuyết rơi kéo dài, ở trạm Hà Đông chỉ 5,4 độ C.


Hơn 20 địa điểm có băng giá và tuyết ở Việt Nam - Đồ họa: Việt Chung - Phạm Hương 

Nhiều vùng cao ở Thanh Hóa, Nghệ An được cho là hiếm gặp thì nay tuyết bao phủ trắng xóa như huyện Bá Thước, Mường Lát, Tương Dương, Quế Phong. Đợt rét đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Nguyên nhân là không khí lạnh ở vùng trung tâm Siberia (Nga) có cường độ mạnh, dù đến Việt Nam đã giảm nhưng vẫn gây đợt rét khốc liệt cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Xâm nhập mặn chưa từng có trong lịch sử 

Từ giữa tháng 2, đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện với xâm nhập mặn, lượng mưa giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trữ trong hệ thống thủy lợi và các vùng thấp trũng đều bị thiếu hụt do năm trước lũ không về. Dòng chảy Me Kong về Việt Nam giảm 50%, khiến mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua.

Nước biển lấn sâu vào đất liền, có nơi tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15-20km. Đã có 10/13 tỉnh thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xâm nhập mặn khiến hàng trăm nghìn ha lúa bị chết, hàng nghìn người không có nước sinh hoạt. 


Những cánh đồng nứt nẻ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tình trạng xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng trong 100 năm qua. Nó xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ, với phạm vi vào sâu đất liền 90 km - chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. 

Trong rất nhiều biện pháp "cứu" miền Tây, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh. Từ tháng 6, những cơn mưa "vàng" xuất hiện giúp khu vực được giải nhiệt. 

Khô hạn nghiêm trọng ở Trung Bộ và Tây Nguyên 

El Nino dài nhất trong lịch sử (kéo dài từ cuối năm 2014 đến 2016) khiến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. Trong  3 tháng, khu vực này hầu như không có một giọt mưa.

So với trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt khoảng 30-50%, có nơi 80%. 

Sông Cái (Nha Trang) –  một trong những con sông lớn nhất khu vực Nam Trung bộ mực nước xuống mức chưa từng thấy ở mức 2.96m, thậm chí có những đoạn cạn trơ đáy, có thể đi lại giữa lòng sông.


Đập ngăn mặn của sông Cái Nha Trang lộ rõ, bình thường nước phải chảy tràn qua đập mới đủ cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Tình trạng khô hạn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 khiến cây cối, vật nuôi và cả con người trở nên quay quắt.

Để có nước sinh hoạt, người dân Nam Trung Bộ đã sử dụng đến mạch nước ngầm. Khoan giếng đã trở thành "công việc" hàng ngày của họ. Một số nơi quá khó khăn, người dân phải trông chờ vào nước xe bồn, xe cứu hỏa được tỉnh phân phối với định mức khoảng 20 lít/hộ/ngày. 

Mưa lũ liên tiếp và kéo dài diện rộng 

Chỉ 3 tháng sau mùa khô, mưa lũ sầm sập kéo đến. 5 trận mưa lũ liên tiếp đã càn quét trên một  phạm vi rộng và kéo dài.

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nói: "Lần đầu tiên chúng tôi phải dùng từ đặc biệt lớn với đợt lũ này, bởi nó đang lặp lại lịch sử của năm 2013".


Người dân miền Trung phải leo lên mái nhà chạy lũ. 

Đợt lũ giữa tháng 12 khiến hàng loạt con sông vượt mức báo động 3, nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kone, sông Ba.

Từ ngày 30/10 đến 10/11, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên lên cao. Tiếp theo, ngày 30/11-9/12, lũ diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Chỉ ba ngày sau, miền Trung lại đón đợt lũ mới bắt đầu ngày 12/12 trên phạm vi rất rộng từ Quảng Bình - Ninh Thuận và lên cả Gia Lai với lượng mưa có nơi 600-700 mm.

Mưa xối xả cộng với lượng nước điều tiết ở các hồ thủy điện khiến nước đổ về hạ du quá nhanh. Ở Phú Yên, cô trò ở trườn mẫu giáo đã không kịp sơ tán, cô phải ngâm mình dưới nước, cõng 3, 4 em trên cổ để giữ an toàn cho các em.

Lũ lên thì ngập đường ngập nhà, khi lũ rút, nhà cửa lại tan hoang, nhiều nhà dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.


Các cô, trò Trường mẫu giáo An Hiệp Phú Yên) đợi đón  lực lượng cứu hộ.

Mùa đông nóng như mùa hè

Nhiệt độ mùa đông năm nay cao bất thường khiến nhiều người nói vui rằng: “Mùa đông năm nay mát hơn mùa hè năm ngoái”.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, nhiệt độ nửa đầu tháng 12/2016 cao nhất trong 10 năm gần đây, với mức nhiệt trung bình 22,2 độ C, cao hơn 4 độ so với trung bình nhiều năm.

Nguyên nhân là không khí lạnh yếu và di chuyển chậm trên quãng đường dài qua lục địa châu Á có nền nhiệt cao hơn.

"Tất cả đợt không khí lạnh ở Việt Nam đều xuất phát từ áp cao lạnh Siberia (Nga) tràn xuống. Để tạo nên một đợt rét đậm thì áp cao lạnh Siberia phải có cường độ mạnh và đi với tốc độ nhanh trong quá trình di chuyển đến Việt Nam", Ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Lào Cai.


Người dân Thủ đô cởi trần tập thể dục giữa mùa đông.

Trên toàn cầu, năm 2016 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử và với đà tăng nhiệt như hiện nay, năm 2017, Việt Nam cũng như khắp khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đều có thể xuất hiện những giá trị nhiệt cực trị trong cả mùa hè lẫn mùa đông. Mưa lũ sẽ gia tăng, mưa nhiều ngay trong cả mùa khô ở Tây Bắc, miền Bắc, Trung Trung bộ trở vào Nam bộ.

Các nhà khoa học đã chứng minh, 2/3 số thiên tai chịu tác động và là biểu hiện rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu, trong đó có mưa lớn và nhiệt độ cao bất thường.

Có thể thấy rằng, biến đổi khí hậu làm cho thiên tai xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Nhưng lũ lụt, nắng hạn có đơn thuần là do biến đổi khí hậu? Chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, nhận thức được rõ mỗi liên hệ giữa biến đổi khí hậu với con người và thiên tai để kịp thời hành động và thích ứng.  

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai làm 235 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 37.600 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vui

Nguồn tin: