Ngược miền Thái cổ
- 14:03 31-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đã bao lần ngược nguồn, đã những ngày sống cùng bà con miền sơn cước. Khi năm 2016 sắp kết thúc, chúng tôi ngược miền Tây xứ Nghệ theo dòng sông Hiếu về với vùng đất Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), nơi được cho là vùng đất của người Thái cổ sinh sống.
Mỗi nét hoa văn, mỗi gam màu dường như còn thấm đượm cả tình yêu bản làng.
Nếp nhà sàn cổ
Theo dòng sông Hiếu rồi vượt cánh đồng Tả Chum, chúng tôi như lạc vào một không gian văn hóa xa xưa với hàng trăm ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến.
Trong cái bắt tay ấm áp và hồ hởi tiếp khách, Trưởng bản Sầm Văn Duẩn tự hào: So với những bản làng người Thái khác, bản Hoa Tiến hiện vẫn lưu giữ được những nét văn hóa cổ xưa cho đến tận ngày hôm nay, đó là một niềm tự hào của những ai đã từng lên đây. Từng lớp người Hoa Tiến lớn lên đã thấy bản làng như thế, chẳng ai dặn dò ai nhưng con cháu cứ thế tự phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà cha ông để lại. Đặc biệt nhất, những nếp nhà sàn cổ ở đây là nét đặc trưng nhất mà hiếm có nơi nào còn lưu giữ được như vậy.
Khi biết chúng tôi lặn lội từ nơi xa đến để tìm hiểu về văn hóa của làng mình, ông trưởng bản không để khách ngôi ấm chỗ mà tiếp tục câu chuyện liền mạch với bao trầm tích của một vùng quê. Ông kể, ngôi làng này có từ bao giờ thì cũng chẳng ai biết, ngay cả những cụ cao niên của làng cũng không thể nhớ nổi lịch sử của làng. Chỉ biết rằng, khi lớn lên mọi thứ đã như bây giờ và cho đến ngày nay mọi sự đổi thay cũng chẳng đáng kể.
“Trước đây nghe ông cha kể lại là làng ta còn nghèo nhưng tinh thần đoàn kết của đồng bào thì lớn lắm. Dù nghèo nhưng gia đình nào có nhu cầu làm nhà là dân bản, anh em họ hàng tập trung lại để vào rừng đốn gỗ kéo về và dựng nhà giúp. Cả làng tập trung sức lực trên dưới tháng trời là ngôi nhà sàn cổ to tướng đã được dựng lên kiên cố. Xưa kia, nhà sàn được dựng lên để tránh thú dữ, tránh con rắn, con rết ở trong rừng. Lâu rồi thành quen và đến nay nếp nhà sàn được coi như nét đặc trưng cơ bản nhất của người Thái ta ở miền Tây xứ Nghệ”- Trưởng bản tâm sự.
Sắc màu thổ cẩm
Hoa Tiến- vùng đất của những ngôi nhà sàn cổ san sát, vùng đặc trưng với những ché rượu cần nồng nàn cùng những cô gái Thái xinh đẹp trong điệu múa xòe của miền sơn cước. Từ xưa xa, đây là mảnh đất của nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng mà ở đó chúng ta không khó nhận ra màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời… trên từng khuông vải. Và ở đó, ta cũng sẽ nhận ra tình yêu và niềm đam mê nghề như một nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái nơi miền Tây xứ Nghệ.
“Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu đã có từ thưở xa xưa. Trước đây, thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Đã là cô gái Thái thì ai cũng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn Piêu… và thổ cẩm đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của chị em dân tộc Thái”- bà Sầm Thị Bích- thành viên HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết.
Cái hay, độc đáo của mảnh đất Thái cổ Hoa Tiến chính là con gái Thái mới từ 7 đến 8 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; mới lên mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Mặc dù vất vả với việc làm nương rẫy, nhưng mỗi khi có thời gian là người phụ nữ Thái lại miệt mài bên khung cửi. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi đường nét hoa văn, mỗi gam màu phối trộn dường như còn thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương. Từ những khung dệt thổ cẩm thô sơ được tạo thành từ những thanh tre, ống nứa… người phụ nữ Thái đã dệt nên những miếng thổ cẩm rực rỡ để trang trí cho từng loại sản phẩm mà họ cần.
Tâm sự với chúng tôi, chị Lô Thị Nga - HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết: “Thổ cẩm cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người Thái ta ở Hoa Tiến. HTX đã hình thành từ hơn 10 năm trước và đến năm 2007 được huyện công nhận là “làng có nghề”, sau biết bao cố gắng đến năm 2009 được UBND tỉnh công nhận là “Làng nghề dệt thổ cẩm”. Nghề dệt thổ cẩm ở bản phát triển không ngừng, đến nay đã có 150 xã viên HTX và trên 50 thành viên trồng dâu nuôi tằm đem lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bản làng”. Hàng dệt thổ cẩm của người Thái ở Hoa Tiến với những họa tiết hoa văn phong phú, nhã nhặn đã thực sự chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.
Ông Sầm Văn Nhị- Phó chủ tịch UBND xã Châu Tiến nói: “Chúng tôi rất tự hào vì đồng bào ta vẫn giữ được những nếp truyền thống văn hóa từ thủa xa xưa của dân tộc. Chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm để tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị truyền của văn hóa dân tộc mình”.
Đến với vùng đất Hoa Tiến của huyện Quỳ Châu, đến với một vùng đất cổ thuộc vành đai văn hoá Phủ Quỳ, nơi có những người Việt cổ đã sinh sống từ hàng trăm ngàn năm trước, nơi được thiên nhiên ban tặng những phong cảnh núi rừng hùng vĩ dọc dòng sông Hiếu thơ mộng, nơi có vô số phong cảnh hang động và dòng thác trắng ngần tuyệt tác của thiên nhiên với những cái tên đã trở nên rất đỗi quen thuộc như Hang Bua, Thẩm Ồm,...và là nơi giai điệu của những tiếng thoi đưa luôn mãi ngân vang.
Trong cơn mưa rả rích cuối chiều, bên sắc đào đã chớm nụ dưới hiên nếp nhà sàn cổ, chúng tôi như trôi vào không gian xa xôi, huyền ảo nhưng thấm đẫm tình người...
Mặc dù vất vả với việc làm nương rẫy, nhưng mỗi khi có thời gian là người phụ nữ Thái lại miệt mài bên khung cửi. Mỗi đường nét hoa văn, mỗi gam màu phối trộn thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương. Thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm cứng của sản phẩm đều được người phụ nữ Thái điều chỉnh một cách tinh tế. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư. |
Tác giả bài viết: Bắc Vũ - Trà Lân
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết