'Rẽ trái' sang làm nông: Thạc sĩ trồng cam tiến vua
- 15:30 30-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lấy bằng ĐH chuyên ngành lịch sử, anh Trần Mạnh Chiến (32 tuổi) ở lại TP.HCM làm việc một thời gian rồi theo học thạc sĩ ngành châu Á học. Học xong, anh trở về quê trồng cam đường canh (cam tiến vua ngày xưa).
Anh Trần Mạnh Chiến trong vườn cam trĩu quả của mình
Dù ở vùng quê xa xôi thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, H.Lâm Hà, Lâm Đồng nhưng không khó để tìm nhà anh Trần Mạnh Chiến, bởi ở vùng đất của cây cà phê này hầu như ai cũng biết đến vườn cam đường canh VietGAP có doanh thu tiền tỉ của anh.Theo anh Chiến kể, việc về quê trồng loại cam tiến vua này cũng có lý do của nó. Vốn là con nhà nông, nên khi đang học ĐH ở TP.HCM anh thường xuyên vào mạng internet tìm hiểu các mô hình làm kinh tế giỏi và nhờ vậy anh biết đến cây cam đường canh. Thấy người ta nói nhiều về “cam canh, bưởi Diễn” nên anh càng tìm hiểu và biết được nhiều người làm giàu với cây cam đường canh này. “Ôm mộng” làm giàu với cây cam, nhưng chưa biết làm bằng cách nào và mãi đến năm 2010, trong một lần về quê, anh gặp người quen làm cây giống cam đường canh ở Hưng Yên nên anh tìm hiểu sâu hơn rồi về bàn với gia đình mua giống trồng dần dần xen 1.500 cây vào 1,5 ha cà phê trong vườn nhà. Kỹ thuật trồng anh nắm vững vàng nên anh yên tâm gửi vườn cho gia đình rồi “chạy lên, chạy xuống” giữa quê và TP.HCM để vừa học vừa chăm vườn. Và khi học xong thạc sĩ thì anh về quê gắn bó với vườn cam này.
Được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây lớn nhanh và 3 năm thì cho thu hoạch quả. “Lứa đầu tiên, 400 cây cam cho quả, mình thu được 7 tấn, bán được giá cao, hiệu quả mang lại khá rõ, nên dần dần mình phá hết vườn cà phê để trồng cam canh đạt diện tích 3,5 ha. Tuy nhiên thấy cây cam đường canh mang lại hiệu quả nhưng mỗi năm chỉ cho thu hoạch vào dịp tháng 11, 12 âm lịch thì giá trị vườn cam mang lại chưa thật cao, nên mình tìm hiểu, nghiên cứu can thiệp kỹ thuật và cuối cùng cũng “bắt” được cây cam cho quả quanh năm”, anh Chiến cho hay. Cùng với đó, năm 2015 anh Chiến nghiên cứu và đầu tư lại vườn cam theo quy trình sản xuất VietGAP, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Tháng 2.2016, toàn bộ diện tích cam đường canh 3,5 ha của anh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Cũng theo anh Chiến, hiện vườn cam của anh có 1.000 cây cho thu quả với sản lượng bình quân đạt 30 kg/cây, thậm chí có cây đạt 60 - 70 kg quả, tính ra trung bình đạt khoảng 25 tấn/ha, bán với giá 55.000 đồng/kg, doanh thu mang lại hơn 1,3 tỉ đồng/ha/năm. “Phần lớn sản lượng cam đường canh của tôi được bán về các chuỗi cửa hàng trái cây ở TP.HCM. Loại cam này hiện đang được thị trường rất ưa chuộng nên tôi hoàn toàn không lo đầu ra cho sản phẩm, mà tôi đang tập trung ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng để phát triển mạnh thương hiệu cam đường canh mang tên Trần Mạnh Chiến. Tôi cũng có quan điểm, mình làm được thì chia sẻ với người khác để họ có thể phát triển kinh tế gia đình, bởi vậy nên mọi người, nếu ai có nhu cầu thì cứ đến nhà hoặc gọi địện thoại (0976410882), tôi sẽ hỗ trợ, tư vấn những vấn đề có liên quan”, anh Chiến tâm sự.
Ngoài trồng cam đường canh, anh Trần Mạnh Chiến còn là chủ nhân của vườn tiêu 1.000 trụ (7.000 m2), trong đó có 500 trụ đang cho thu hoạch với năng suất dự kiến đạt 1,5 tấn và với giá bán như hiện nay 140.000 - 160.000 đồng/kg, vườn tiêu này mang doanh thu về cho anh hơn 200 triệu đồng/năm.
Tác giả bài viết: Gia Bình
Nguồn tin: