Bóng đá Việt Nam trong niềm 'ám' Thái
- 10:14 30-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn là một đứa trẻ thì câu chuyện 'bao giờ thắng Thái' đã từng được đặt ra?
Văn Toàn (trái, HAGL) đang tìm cách vượt qua cầu thủ Thái Lan.Ảnh - Đào Ngọc Thạch
Chục năm trước, khi tôi mới ra trường, viết báo, vẫn lại là câu hỏi lặp đi lặp lại đến chán ngắt ấy. Và bây giờ, khi nghề báo, đặc biệt lại là "báo thể thao" không phải là ưu tiên hàng đầu của tôi nữa thì oái ăm thay, vẫn còn nguyên là câu hỏi ấy.
Bán kết Tiger Cup 1998, chúng ta từng thắng Thái 3-0. Chung kết AFF Suzuki 2008, chúng ta thắng Thái 2-1 ngay trên sân Thái - một Thái "xịn" 100%. Những rõ ràng là trong cái khoảng 10 năm với 2 cột mốc thắng Thái oanh liệt đó - những cái thắng của tình huống, của khoảnh khắc, chúng ta đều thấy xét về đẳng cấp, mình vẫn thua Thái quá xa.
Khi lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai JMG trình làng, và thắng Thái 3-0 trong cái trận đầu tiên của mình ở giải U.19 Đông Nam Á 3 năm trước thì chúng ta đã ít nhiều hy vọng khoảng cách "quá xa" kia rồi sẽ được rút lại. Và sau đó khi lứa cầu thủ này hết thắng Thái ở giải U.22 Đông Nam Á đến U.21 quốc tế báo Thanh Niên, khiến có lúc ông HLV trưởng U.19 của Thái không giấu nổi sự cay cú, bực bội thì niềm hy vọng càng dữ dội.
Có đến 4 cầu thủ Thái xung quanh Công Phượng trong trận đấu giữa U.21 Thái Lan và U.21 HAGL tại U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2016. Ảnh - Đào Ngọc Thạch
Dĩ nhiên, chúng ta không hy vọng theo kiểu "lứa U.19 này sẽ giúp bóng đá Việt Nam đi World Cup" như cách nói của ai đó, trong một phút cao hứng nào đó, nhưng huy chương vàng SEA Games thì hoàn toàn có thể. Bầu Đức - cha đẻ của lứa cầu thủ này chẳng bảo SEA Games 29 tới, nếu không có vàng thì HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng phải từ chức, và dàn lãnh đạo VFF cũng nên vì lòng tự trọng mà từ chức đó sao?
Nhưng sau cuộc đụng độ mới đây giữa lứa cầu thủ này (giờ đã chính thức trở thành U.21) với lứa U.21 Thái tại giải quốc tế U.21 báo Thanh Niên thì chúng ta không thể không giật mình. Đấy là cuộc đụng độ mà lối chơi kĩ thuật sở trường của ta "liệt" hoàn toàn trước lối đá khoa học, bài bản của Thái. Đấy là cuộc đụng độ mà ta không thể tìm được không gian đá bóng, để rồi thua tâm phục khẩu phục đối phương. Hình ảnh bầu Đức ngồi trên ghế VIP xem trận đấu mà tay chống cằm và gương mặt ưu tư đủ nói lên tất cả.
Nhìn rộng ra, trong khi Việt Nam nói riêng và các đội bóng Đông Nam Á nói chung vẫn mãi loay hoay với những "giấc mơ con" ở cái ao nhà mình thì mới đây, Thái đã tuyên bố không còn quan tâm đến Đông Nam Á nữa. Thái đã vô địch Đông Nam Á lần thứ 5 - vô địch dễ như lấy một cái kẹo trong túi quần, nên hẳn nhiên giờ phải nghĩ đến chuyện nâng tầm.
Trong khi với Việt Nam chúng ta, mọi hy vọng gần như đổ dồn vào một học viện bóng đá chất lượng cao thì ở Thái hiện đang có cùng lúc rất nhiều các học viện tương tự. Trong khi chúng ta vẫn chỉ có thể "thỏa nguyện giấc mơ Ngoại hạng Anh" bằng việc vung tiền hy vọng các đội bóng như Arsenal, Man City (rồi tới đây sẽ là những M.U, Chelsea...?) tới sân Mỹ Đình thi đấu thì người Thái, với nhà tỉ phú Vichai đang sở hữu cả một CLB tại giải đấu này.
Và thông qua đội bóng Ngoại hạng của ông tỉ phú này, cầu thủ Thái, chuyên gia Thái, huấn luyện viên Thái không ngừng được đưa sang châu Âu để sống và tham gia đời sống của một môi trường đỉnh cao đích thực.
Còn ở cấp độ giải vô địch quốc gia - cái nền tạo nên một đội tuyển quốc gia đích thực, trong khi từ lâu Thái đã cử chuyên gia sang Anh học hỏi, và mang những chuẩn Ngoại hạng có chọn lọc của người Anh về mình thì giải V-League của ta cứ nay học Hàn, mai học Nhật, và học mãi chưa xong.
Rõ ràng là Thái đang đi xa quá, trong khi Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á mới chỉ chập chững những những vụ hái quả đầu tiên của quá trình hội nhập. Mới đây, sau khi thua Thái ở chung kết AFF Cup, HLV trưởng tuyển Indonesia Alfred Riedl bảo: "Hai năm nữa, Indonesia có thể theo kịp Thái".
Lâu lâu mới thấy Riedl nói "cứng". Tiếc thay, toàn Đông Nam Á, trong đó có chính dư luận bóng đá Indonesia cũng không tin như thế. Còn với Việt Nam, về lý thuyết chúng ta đặt mục tiêu vượt Thái trong năm tới, ở chiến trường SEA Games, với cấp độ U.22, nhưng có lẽ tác giả của mục tiêu ấy - bầu Đức lúc này cũng thừa hiểu đấy là một mục tiêu quá "hóc".
Còn với cấp độ đội tuyển quốc gia chính hiệu, câu hỏi bao giờ ta đuổi kịp Thái còn "hóc" hơn nhiều!
Tác giả bài viết: Phan Đăng
Nguồn tin: