Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những chính sách mới có hiệu lực đầu năm 2017

Tăng lương tối thiểu vùng, quy định về lệ phí cấp căn cước công dân, xử phạt xe máy không chính chủ... là những chính sách có hiệu lực từ 1/1/2017.
Nghị định số 153 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng chính thức tăng từ ngày 1/1/2017.

Mức lương tối thiểu được tăng theo từng vùng như sau. Vùng I là 3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với năm 2016), Vùng II 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).

Vùng III 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng) và Vùng IV 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).


Lương tối thiểu vùng chính thức tăng từ năm 2017. Ảnh: Phượng Nguyễn.

Quy định mức thu phí làm căn cước công dân

Thông tư số 256 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và thay thế Thông tư số 170 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân (CCCD).

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí.

Mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD được quy định ở 3 mức như sau. Thu 30.000 đồng/thẻ được áp dụng cho công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ; đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ CCCD.

Thu 50.000 đồng/thẻ được áp dụng trong trường hợp nếu thẻ CCCD bị hư hỏng không sử dụng được phải đổi thẻ; hoặc thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ.

Mức 70.000 đồng/thẻ được áp dụng đối với trường hợp xin cấp lại thẻ CCCCD khi bị mất, xin được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam sẽ thu ở CCCD.


Mẫu thẻ căn cước công dân. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định trên.

Các trường hợp được miễn lệ phí gồm công dân dưới 16 tuổi; đổi thẻ khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh...

Một số cơ chế đặc thù đối với TP Đà Nẵng

Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng có hiệu lực từ 1/1/2017.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Thành phố phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Xử phạt xe máy không chính chủ

Nghị định 171 thay thế cho Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định mức phạt mới áp dụng từ đầu năm 2014.

 Phạt người đi xe máy không sang tên đổi chủ từ 2017: Theo Cục CSGT, việc tiếp nhận hồ sơ sang tên đổi chủ xe máy sẽ thực hiện đến hết ngày 31/12/2016. Từ đầu 2017, CSGT sẽ xử phạt người đi xe máy không sang tên đổi chủ.

Thay đổi lớn nhất trong Nghị định mới liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ, cụ thể Nghị định đã lùi thời hạn xử phạt với nội dung này với môtô, xe máy từ 1/1/2017.

Mức phạt với hành vi này cũng được thay đổi, thấp hơn Nghị định 71. Việc không sang tên, đổi chủ môtô, xe máy là 100.000 đến 200.000 đồng và 200.000 đến 400.000 đồng.

Tổ chức vi phạm môi trường bị phạt 2 tỷ đồng

Nghị định số 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/2/2017.


Tổ chức vi phạm bảo vệ môi trường có thể bị phạt 2 tỷ đồng. Ảnh: Thắng Quang.

Theo quy định này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Một số hành vi sẽ bị phạt nặng như: Vứt, thải, bỏ đầu mẫu thuốc là không đúng nơi quy định vị phạt 500.000 đến 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện không đúng quy định vị phạt 1-3 triệu đồng; vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt 3-5 triệu đồng; vứt thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải bị phạt 5-7 triệu đồng...

Tác giả bài viết: Thắng Quang

Nguồn tin: