Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mẹ chồng tuyên bố: “Đứa nào có tiền thì làm con trưởng”

Bố mẹ chồng tôi sinh được 5 người con, chồng tôi là con cả, tiếp đó là hai chú rồi hai cô sau cùng. Bố mất sớm, nhà lại nghèo và đông con nên là con lớn trong gia đình, chồng tôi phải nghỉ học sớm để phụ mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho các em. Vậy nên so với cô chú trong nhà chồng tôi là người chịu nhiều vất vả và thiệt thòi nhất.
con truong 1483026833038

Tôi cũng xuất thân nghèo khó. Vì cảm mến đức tính hiền lành chịu thương chịu khó của anh mà thành chồng thành vợ. Cuộc sống tuy rất khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn bảo ban nhau cố gắng chăm chỉ kiếm tiền để con cái mình được ăn học chu đáo.

Các chú em chồng nhờ được học hành đàng hoàng nên ai cũng có công việc tốt, lại nhờ khôn khéo buôn bán, nhạy bén trong làm ăn nên cuộc sống trở nên khá giả. Hai cô em gái lập gia đình cũng tương đối ổn định. Nhìn đi nhìn lại thì vợ chồng tôi còn vất vả nhất vì là lao động chân tay. Đã là con cái trong nhà thì cha mẹ nào cũng thương, nhưng thông thường thì mẹ cha hay thương những đứa vất vả thiệt thòi hơn. Thế nhưng nhà chồng tôi thì hoàn toàn ngược lại.

Nhà có công to việc lớn gì hay những lúc mẹ ốm đau bệnh tật, các chú có tiền thì góp tiền, chúng tôi không có tiền thì góp công. Tôi biết mình là dâu cả trong nhà, những lúc mẹ chồng ốm đau bệnh tật đều chủ động nghỉ việc để chăm bà, có khi túc trực ở bệnh viện đến hàng tháng trời mà không một lời kêu ca oán thán. Hai cô dâu thứ thì thi thoảng mới ghé qua, lần nào cũng xách theo quà cáp ngọt ngào phân bua “chúng con nhiều việc quá”. Hai cô con gái cũng chỉ tranh thủ đáo qua mẹ mỗi tối mỗi chiều, bởi họ đều yên tâm có tôi trông nom chăm sóc bà chu đáo. Những người nằm cùng buồng bệnh bảo mẹ tôi rằng tôi con dâu mà chăm bà không khác gì con gái. Những lúc như vậy bà bảo do tôi công việc không ổn định nên mới có thời gian chăm bà chứ các cô chú kia bận lắm. Rồi bà khoe các chú các cô quan tâm mua cho cái này cái nọ, chi trả các khoản tiền viện phí thuốc thang. Chẳng bao giờ bà đả động nhắc nhở đến vợ chồng tôi, dù rằng hàng ngày chính tôi là người bón cho bà từng thìa cháo, bóc cho bà từng viên thuốc, và “đổ bô” cho bà. Thực ra chăm sóc mẹ khi ốm đau là bổn phận của kẻ làm con, tôi chẳng thắc mắc nề hà gì chuyện đó. Nhưng chính thái độ của mẹ chồng cứ luôn coi trọng đứa có tiền hơn khiến nhiều khi tôi thấy rất tủi thân và khó chịu.



Tôi bảo với chồng tôi: “Mẹ anh thật ngược đời. Con cái, đứa có tiền thì thương, đứa nghèo khổ thì thờ ơ hắt hủi. Các chú góp của thì mình góp công chứ có phải mình không quan tâm đến bà đâu”. Những lúc như vậy chồng tôi thường bảo tôi hay để ý những việc linh tinh. Anh bảo tôi cứ sống cho phải đạo là được, còn mẹ nói gì không nên để ý làm gì cho mệt. Chồng tôi xưa nay vốn vẫn hiền lành như vậy, anh không có thói xét nét người khác. Việc gì làm được anh làm, lo được anh lo chứ ít khi so đo tính toán.

Tết năm nay mẹ chồng tôi lên 70 tuổi. Các chú các cô gọi nhau về họp mặt để làm lễ mừng thọ cho bà. Ai cũng bảo bố không may mất sớm, nay chỉ còn mẹ phải chu đáo để mẹ đỡ tủi thân. Các chú nói phải làm lễ thật to, mâm cỗ thật nhiều, mời hết anh em họ hàng, bè bạn. Thứ nhất để mẹ nở mày nở mặt với thiên hạ. Thứ hai là cơ hội để thu tiền. Số tiền cỗ sẽ do mấy anh em góp lại bỏ ra, hai chú có điều kiện hơn sẽ bỏ phần nhiều hơn, còn anh chị cả vì khó khăn hơn đóng góp được bao nhiều thì góp. Số tiền mừng thọ thu về sẽ để cho mẹ coi như có khoản dưỡng già. Nghe các chú nói vậy chồng tôi liền có ý kiến. Ý anh là nên tổ chức mừng thọ cho mẹ nhưng làm nhỏ và đơn giản thôi, chủ yếu là để gia đình sum họp vui vầy, chứ bày biện ra nhiều vừa mệt mỏi, vừa phiền hà. Thời buổi này người ta cũng không quan trọng chuyện mâm cao cỗ đầy là nở mày nở mặt như xưa nữa. Miễn làm thế nào mọi người cảm thấy vui vẻ ấm cúng là được.

Chính tôi cũng thấy chồng tôi nói rất có lý, các cô các chú cũng chưa thấy ai phản bác lại gì thì mẹ chồng tôi nói: “Thôi thì làm nhỏ làm to gì là tùy các anh chị. Các anh chị lo cho tôi thế nào thì tôi được vậy. Nhưng cứ bàn cãi mãi chuyện này tôi không thích. Theo ý tôi, thôi đứa nào bỏ ra nhiều tiền thì có quyền quyết định mọi việc, coi như con trưởng. Những người khác cứ thế mà theo, không ý kiến gì nữa”.

Ngay khi lời mẹ chồng tôi vừa dứt tôi thấy bờ vai chồng tôi run lên, như vừa giận dữ vừa bất lực: “Vậy thôi, theo ý mẹ ai có tiền thì làm con trưởng đi, Đừng quan tâm đến ý kiến của thằng vô dụng này nữa”. Nói rồi chồng tôi đứng dậy bỏ về. Tôi thấy mình ở lại cũng thừa nên vội cáo lui theo chồng.

Nói thật, bao nhiêu năm chung sống với nhau chưa bao giờ tôi thấy chồng tôi có thái độ như thế, dù là nhiều khi bị mẹ khiển trách chê bai trước mặt các em khiến tôi nóng mặt. Anh cũng nói với tôi tại anh ít học nên không được giỏi giang khôn khéo như các em, bản tính người già thì thường chỉ thích khoe khoang con cái, cũng không nên chấp nhặt. Nhưng vì đâu mà chồng tôi phải nghỉ học giữa chừng, vì ai mà anh phải lăn lộn kiếm tiền khi mới mười lăm tuổi? Các em của anh khôn lớn đủ đầy hơn cũng có phần công sức của người anh cả này. Anh vất vả thiệt thòi hơn, đáng lẽ mẹ anh phải thương anh nhiều hơn chứ sao lại chê bai, khinh miệt?

Chồng tôi nói: “từ nay anh không tham gia chuyện gia đình nữa, mọi người làm gì thì làm anh không quan tâm. Mẹ đã nói vậy coi như không có đứa con này cũng chẳng sao. Tết nhất này cũng chỉ qua chúc tết mừng tuổi mẹ rồi về”. Anh còn cấm tiệt tôi tuyệt đối không qua lại chuẩn bị chăm lo cái gì hết. Tôi rất hiểu nội tâm chồng tôi, cũng rất thương anh. Có lẽ lần này mẹ chồng tôi đã chạm đúng nỗi tự ti vì sự nghèo khó và lòng tự ái của anh. Nhưng làm như thế có khác gì bỏ cha bỏ mẹ không? Rồi người dưới nhìn lên, người trên nhìn xuống, còn các con tôi nữa, chúng chưa đủ lớn để hiểu chuyện, rồi chúng sẽ nghĩ gì khi thấy bố mẹ đối xử với bà nội như thế?

Tác giả bài viết: G. L

Nguồn tin: