Nghệ An: Sau gần 30 năm khiếu nại, dân được huyện bồi thường hơn 1 tỷ đồng
- 08:33 29-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dù đang phát sinh khiếu nại nhưng UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vẫn đồng ý với đề xuất của Công an huyện này, bán 2 chiếc máy đẩy thủy với giá 3,8 triệu đồng. Sau gần 30 năm, UBND huyện Nghi Lộc phải đền bù cho chủ nhân chiếc máy 1 tỷ 40 triệu đồng.
Ông Bùi Tôn Kiêm phải mất gần 30 năm mới đòi được quyền lợi chính đáng của mình.
Ông Bùi Tôn Kiêm (SN 1949, trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, sau nhiều lần thương lượng, ông đã đồng ý với mức bồi thường 1 tỷ 40 triệu đồng mà UBND huyện Nghi Lộc đưa ra.
Theo trình bày của ông Kiêm, năm 1988, ông có mua của HTX Hòa Bình (Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) 2 máy đẩy thủy 16CV (động cơ sử dụng trong tàu biển) với giá 2.670.000 đồng. Tối ngày 13/6/1988, khi đang vận chuyển máy về TP Vinh thì bị ông bị Công an huyện Nghi Lộc kiểm tra và lập biên bản tạm giữ 2 máy đẩy thủy nói trên, đưa về Công an huyện để xác minh.
Kết quả xác minh của Công an huyện Nghi Lộc cho thấy các giấy tờ liên quan đến việc mua bán máy như biên bản hợp đồng thanh lý, phiếu thu tiền, phiếu xuất kho, giấy bán máy, báo cáo việc bán 2 máy đẩy thủy 16CV của HTX Hòa Bình đều mang tên bên mua máy là Trần Nhật Tấn (có địa chỉ ở tỉnh Quảng Ngãi).
Công an huyện Nghi Lộc xác định, ông Tấn mua 2 máy đẩy thủy mang về miền Nam để buôn bán kiếm lời; HTX Hòa Bình bán 2 máy đẩy thủy không xin phép Phòng Hải sản và UBND huyện Nghi Lộc là chưa đúng quy định hiện hành; số tiền bán 2 máy đẩy thủy là 2.670.000 đồng (giá nhượng bán 2.700.000 đồng, khi thanh toán đã xin bớt 30.000 đồng), tiền thuế và trước bạ được tính trên số tiền 1,1 triệu đồng (ghi theo giá xuất kho) trên số tiền 2,67 triệu đồng là hành vi trốn thuế; ông Nguyễn Xuân Ngọc (Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Bình) nhận 500 nghìn đồng là tiền hối lộ của ông Trần Nhật Tấn.
Quyết định giải quyết khiếu nại và bồi thường của UBND huyện Nghi Lộc cho ông Bùi Tôn Kiêm.
Là người trực tiếp giao dịch, thỏa thuận mua bán và góp phần lớn số tiền mua nhưng bỗng dưng bị “gạt” ra ngoài và không còn quyền lợi đối với 2 chiếc máy đẩy thủy này, ông Bùi Tôn Kiêm đã có đơn khiếu nại Công an huyện Nghi Lộc. Ông Kiêm đã cung cấp cho cơ quan liên quan giấy nhượng bán của HTX Hòa Bình được lập vào ngày 20/5/1988, trong đó ghi rõ “Có thanh lý 44 máy 16 Nhật, đã nhất trí bán cho anh Kiêm ở Kênh Bắc Vinh (trước đây ông Kiêm trú tại phường Hà Huy Tập – PV)”.
Ngày 30/9/1988, Ban quản lý HTX Hòa Bình có giấy chứng nhận sự việc ông Kiêm mua 2 máy đẩy thủy 16CV của HTX. Ông Trần Nhật Tấn có giấy ủy quyền của cho ông Bùi Tôn Kiêm đứng ra làm việc với Công an huyện, trong đó nêu rõ ông Tấn chỉ góp 800 nghìn đồng tiền vốn. Nội dung này cũng được thể hiện trong biên bản làm việc của CA huyện Nghi Lộc với ông Tấn và ông Kiêm.
Tuy nhiên, khi những khiếu nại của ông Kiêm chưa được xem xét, giải quyết thỏa đáng thì ngày 15/10/1988, Công an huyện Nghi Lộc có Công văn số 15/CA/NL báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc: “… cho phép bán 2 chiếc máy đẩy thủy này cho tập thể hoặc cá nhân sản xuất trên địa bàn huyện; thu tiền thuế và trước bạ còn thiếu trong số tiền 2.670.000 đồng mới được tính 1.100.000 đồng; trả lại 2.670.000 đồng cho ông Trần Nhật Tấn vì HTX Hòa Bình bán 2 chiếc máy đẩy không xin phép Phòng Hải sản và UBND huyện Nghi Lộc”.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngày 4/12/1988, UBND huyện Nghi Lộc có quyết định về việc bán 2 chiếc máy đẩy thủy cho 1 HXT ở thị xã Cửa Lò với giá 3.800.000 đồng; giao Công an huyện Nghi Lộc trả cho ông Tấn 2.670.000 đồng theo giá gốc hóa đơn mua máy, còn 1.130.000 đồng trích thưởng cho Công an huyện Nghi Lộc.
Ngày 12/11/1988 Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh có Công văn số 667/CV/TU; ngày 5/12/1988, Ban thư ký HĐND tỉnh Nghệ Tĩnh có Thông báo 128/TK.HĐ; ngày 6/2/1989, Viện KSND tỉnh Nghệ Tĩnh có Kết luận số 78 về giải quyết nội dung khiếu nại của ông Kiêm liên quan đến 2 chiếc máy đẩy thủy nói trên. Nội dung các văn bản này khẳng định việc mua bán máy của ông Bùi Tôn Kiêm và Trần Nhật Tấn là hợp pháp theo quy định hiện hành, đồng thời yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc trả lại tài sản cho công dân.
Quá mệt mỏi với hành trình đòi quyền lợi hợp pháp, ông Kiêm đồng ý với mức bồi thường 1 tỷ 40 triệu đồng dù theo ông, số tiền này chưa thấm vào đâu so với thiệt hại ông phải gánh chịu gần 30 năm qua.
Mọi việc tưởng đã rõ ràng nhưng phải đến tháng 4/2016 này, nghĩa là sau 28 năm, quyền lợi chính đáng của ông Bùi Tôn Kiêm mới được xem xét, giải quyết. Tại Quyết định số 545/QĐ-UBND huyện Nghi Lộc ngày 28/4/2016 về việc giải quyết khiếu nại của ông Bùi Tôn Kiêm, khẳng định: “Ông Bùi Tôn Kiêm có quyền lợi bị ảnh hưởng đối với việc thanh lý tài sản 2 máy đẩy thủy của UBND huyện Nghi Lộc thời kỳ năm 1988”. Việc UBND huyện Nghi Lộc không xem xét đến quyền lợi của ông Bùi Tôn Kiêm là "chưa thỏa đáng”.
Quyết định này cũng nêu rõ “UBND huyện Nghi Lộc không xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Bùi Tôn Kiêm trước khi ban hành Thông báo xử lý số 732/UBND ngày 29/10/1988 (về việc thành lập Hội đồng định giá bán 2 máy đẩy thủy – PV) là trái quy định hiện hành”. Xem xét các quy định vào thời điểm đó thì hồ sơ mua 2 máy đẩy thủy 16CV hàng thanh lý của HTX Hòa Bình của ông Kiêm và ông Tấn là hợp pháp. Việc HTX này bán 2 máy đẩy thủy trên khi chưa xin ý kiến của Phòng Thủy sản là chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định của UBND huyện trong Chỉ thị 90 ngày 12/4/1988, trách nhiệm này thuộc về HTX Hòa Bình.
Quyết định của UBND huyện Nghi Lộc cũng khẳng định UBND huyện tại thời điểm đó xử lý bán 2 máy đẩy thủy để trả lại cho ông Tấn 2.670.000 đồng và thưởng cho Công an huyện 1.130.000 đồng trong khi ông Kiêm đang phát sinh khiếu nại là chưa thỏa đáng và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của ông Bùi Tôn Kiêm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Kiêm là UBND huyện Nghi Lộc.
Ngày 4/11/2016, UBND huyện Nghi Lộc và ông Bùi Tôn Kiêm đã có buổi thương lượng bồi thường. Tại buổi làm việc này, ông Kiêm yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc phải bồi thường 18 tỷ 80 triệu đồng cho những thiệt hại mà ông phải gánh chịu trong gần 30 năm qua (bao gồm giá trị máy, giá trị kinh tế từ khai thác máy, chi phí đi khiếu nại…). Tuy nhiên, mức bồi thường này không được UBND huyện Nghi Lộc chấp thuận mà chỉ đồng ý bồi thường 1 tỷ 40 triệu đồng.
Đến ngày 7/11/2016, UBND huyện Nghi Lộc ra quyết định về việc giải quyết bồi thường cho ông Bùi Tôn Kiêm với số tiền 1 tỷ 40 triệu đồng.
“Số tiền này chưa thấm vào đâu so với thiệt hại mà tôi phải gánh chịu 28 năm qua nhưng tôi đã quá mệt mỏi với việc khiếu nại nên đồng ý để giải quyết dứt điểm vụ việc”, ông Bùi Tôn Kiêm cho biết.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: