Thầy cô giáo vùng biên trồng rau, nuôi lợn giữ chân học trò
- 07:13 28-12-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau giờ học, thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nậm Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại tất bật với công việc cuốc đất trồng rau, chăn lợn. Đây là nguồn thực phẩm hỗ trợ thêm cho các em học sinh bán trú của trường ngoài khẩu phần theo quy định. Vườn rau, chuồng lợn này đã giúp thầy cô giáo giữ chân học sinh ở lại trường…
Trường PT DTBT THCS Nậm Típ là nơi học tập của 329 học sinh dân tộc thiểu số hai xã biên giới Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ nép bên con đường độc đạo, sát con suối Nậm Típ róc rách chảy đêm ngày là mái nhà chung của 329 học sinh dân tộc thiểu số 2 xã biên giới Mường Ải, Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), trong đó có tới 251 em thuộc đối tượng bán trú.
Trước đây, Nhà nước hỗ trợ các em gạo, tiền mua thức ăn nhưng chi trả mỗi năm 2 lần. Số tiền trên phụ huynh nhận về nhà, chi tiêu chung cho cả gia đình. Mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng hiệu quả không cao, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn lớn khi các em không đủ cơm no, áo ấm để đến trường. Theo Thông tư 24 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, các trường bán trú được hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học, nhà ở, bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh… đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho thầy và trò. Theo đó, mỗi tháng, một học sinh bán trú được hỗ trợ 460.000 đồng và 15kg gạo.
Vườn rau của thầy trò Trường PT DTBT THCS Nậm Típ.
“Năm 2013, trường được chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Nhà trường đã họp, xin ý kiến phụ huynh về việc để lại toàn bộ số tiền này để tổ chức bữa cơm bán trú cho các em. Sau khi phân tích kỹ càng, thấu đáo, thấy được cái lợi của mô hình bếp ăn bán trú này trong việc quản lý con em mình nên hầu hết phụ huynh đồng ý. Để phụ huynh yên tâm, nhà trường thường xuyên mời bố mẹ các em đến tham quan bếp ăn, bữa ăn của trường”, ông Võ Đình Hào - Phó Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Nậm Típ cho biết.
Mô hình trường học bán trú được triển khai đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc duy trì sỹ số học sinh, đưa các em vào khuôn khổ nề nếp. Tuy nhiên, cán bộ quản lý và các giáo viên của trường lại vất vả hơn trước bởi ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các thầy cô phải kiêm nhiệm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc bữa ăn cho học trò.
Vườn rau với nhiều loại rau khác nhau, đủ cung cấp cho bếp ăn bán trú phục vụ 251 học sinh.
“Với 17.000 đồng/ngày chia cho 3 bữa ăn thì thực sự phải rất cố gắng mới có thể lo cho các em bữa cơm no chứ chưa thể tính đến việc đầy đủ chất dinh dưỡng cho tuổi ăn, tuổi lớn này, nhất là khi vào đến đây, thực phẩm đã cao hơn ngoài thị trấn mấy giá rồi”, thầy Hào tâm sự.
Để bữa cơm của các em có thêm chất, thầy cô giáo quyết định xây chuồng nuôi lợn, cuốc đất trồng rau. Địa hình miền núi, lại nằm bên suối, muốn có thửa đất đủ rộng để trồng rau cũng không phải dễ. Thầy trò vượt suối, chọn rẻo đất phía bên kia để cải tạo thành vườn. Sau khi gạt được thành một thửa bằng phẳng, thầy trò hì hụi nhặt đá, cuốc đất, đánh luống để trồng rau. Mùa nào thức nấy, các loại rau bén đất, xanh um, non mơn mởn.
Học sinh Trường PT DTBT THCS Nậm Típ chăm sóc vườn rau sau giờ học.
“Hồi đầu không biết, chúng tôi sử dụng phân hoai để bón cho rau nhưng khi thu hoạch, nấu lên thì các em học sinh người Mông nhất quyết không đụng đũa. Hỏi ra mới biết, do tập tính sinh hoạt, quan niệm của các em thì phân là thứ rất bẩn, bởi thế, rau được trồng bằng phân thì… không thể là rau sạch. Từ đó, thay vì dùng phân hoai để bón rau, chúng tôi phải dùng cây phân xanh ủ hoai để trồng”, thầy Bùi Hữu Cường - phụ trách công tác bán trú của Trường PT BTBT THCS Nậm Típ chia sẻ.
Hết giờ học, thầy trò ùa ra chăm chút cho vườn rau. Thầy cuốc đất, đánh luống, trò nhặt cỏ, tưới nước. Cả vườn rau trở thành một lớp học ngoại khóa bởi như lời thầy Hào nói thì sau mấy năm có vườn rau tăng gia, học sinh trong trường đã biết mùa nào thì trồng rau nào, bao nhiêu lâu có thể thu hoạch được. Mới đây, nhà trường đầu tư cả chục triệu đồng bê tông hóa bờ bao vườn rau và từng khoảnh riêng, vừa dễ chăm sóc, tưới nước, vừa giữ được lớp đất màu vào mùa mưa.
Chuồng lợn 15-20 con, bổ sung chất tươi cho học sinh vùng biên.
Cách dãy nhà bán trú của học sinh khá xa là chuồng chăn nuôi lợn vừa mới được xây kiên cố, ngăn thành từng gian cho từng lứa lợn khác nhau. Trung bình, luôn có khoảng từ 15-20 con lợn trong chuồng. Cứ 1 tháng 1-2 con lợn có trọng lượng 50-60kg/con sẽ “xuất chuồng” phục vụ bữa cơm của học sinh. Do điều kiện về điện cũng như cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc cất trữ nên mỗi khi làm thịt lợn, các em học sinh sẽ có 1 bữa liên hoan với đủ các món ăn được thầy cô chế biến. Dù mỗi tháng 1-2 bữa cơm có thịt chưa thể giải quyết được vấn đề chất dinh dưỡng cho các em nhưng để có một bữa ăn như thế là cả một sự cố gắng, tâm huyết của các thầy cô giáo ở vùng biên giới Việt - Lào này.
Em Hoa Văn Huân - học sinh lớp 9B, Trường PT DTBT THCS Nậm Típ đã có 3 năm ăn cơm bán trú ở trường. “Nhà em ở xa lắm, đi bộ phải mất cả buổi mới đến trường. Hồi học lớp 6 em phải tự nấu cơm ăn, chỉ có cơm rau thôi, thỉnh thoảng mẹ mua cho con cá, ít mì tôm nấu canh. Giờ vào ở ký túc của trường, được thầy cô giáo nấu cơm cho ăn, còn có thịt, có cá nữa. Học xong em với các bạn phụ các thầy cô trồng rau, gom cơm thừa để nuôi lợn”.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: